Sách của Tổng Bí thư về chống tham nhũng sẽ được đưa vào giảng dạy lý luận chính trị

Ông Nguyễn Xuân Thắng đề nghị cập nhật nội dung cuốn sách của Tổng Bí thư vào chương trình giảng dạy đối với các học viên học cao cấp lý luận chính trị...

 

Sáng 6/3, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Ban Nội chính Trung ương, Ban Tuyên giáo Trung ương và Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật phối hợp tổ chức Tọa đàm khoa học “Giá trị lý luận và thực tiễn của tác phẩm “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh”.

Toàn cảnh tọa đàm.Tại tọa đàm, các ý kiến tham luận của các chuyên gia, nhà khoa học đã khẳng định, cuốn sách của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là tài liệu có giá trị sâu sắc cả về mặt lý luận và thực tiễn, là “cẩm nang” đối với công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở nước ta.

Trên cơ sở tổng kết thực tiễn phong phú và rút ra những vấn đề có tính lý luận, tác phẩm đã khẳng định đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là “một việc làm cần thiết, tất yếu, một xu thế không thể đảo ngược” với quyết tâm “không có vùng cấm, vùng trống, không có ngoại lệ, không có đặc quyền, bất kể người đó là ai và không chịu sức ép của bất kỳ cá nhân nào”.

Mục tiêu của đấu tranh là nhằm làm trong sạch Đảng và bộ máy nhà nước, để phát triển đất nước; việc xử lý tham nhũng, tiêu cực là để “trị bệnh cứu người”, “kỷ luật một vài người để cứu muôn người, truy tố một vụ để cảnh tỉnh cả một vùng, một lĩnh vực; từ đó để cảnh báo, răn đe, giáo dục, phòng ngừa là chính”.

Tác phẩm chỉ rõ phương hướng, nhiệm vụ trong thời gian tới, trong đó đặc biệt chú trọng công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế trên các lĩnh vực, từng bước hoàn thiện cơ chế phòng ngừa chặt chẽ để bảo đảm “không thể”, “không dám”, “không muốn”, “không cần” tham nhũng, tiêu cực.

Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Xuân Thắng phát biểu tại Tọa đàm.Các chuyên gia, nhà khoa học cũng cho biết, tác phẩm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ rõ, để trị tận gốc tham nhũng, trọng tâm là phòng, chống sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức; phải xuất phát từ “cái gốc của mọi công việc”, đó là cán bộ và công tác cán bộ.

Do đó, mỗi cán bộ, đảng viên phải rèn luyện đạo đức cách mạng, chống chủ nghĩa cá nhân, phải thường xuyên thực hiện tự phê bình và phê bình “như rửa mặt hàng ngày”. Cán bộ, đảng viên phải luôn tiền phong, gương mẫu trước mọi nhiệm vụ.

Theo PGS.TS Nguyễn Thị Báo (Giảng viên cao cấp, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh), cần phải thấm nhuần tư tưởng của Đảng, của Bác Hồ và được Tổng Bí thư nhắc lại đó là: Phải cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư.

“Đây là quyển sách gối đầu giường và qua nghiên cứu, cá nhân tôi cũng rút ra được những bài học sâu sắc cho chính mình, đó là ở bất cứ vị trí nào, công việc nào cũng phải tự soi, tự sửa, hoàn thiện mình”, PGS.TS Nguyễn Thị Báo cho biết.

Còn theo GS.TS Phan Xuân Sơn, trong cuốn sách, Tổng Bí thư khẳng định nguyên nhân sâu xa của tham nhũng là do chủ nghĩa cá nhân, sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, trong đó có cán bộ cấp cao. Do đó, phải đặc biệt quan tâm công tác cán bộ, phải đánh giá, lựa chọn, bố trí đúng cán bộ, phải kiểm soát quyền lực, phải nhốt quyền lực trong lồng cơ chế.

GS.TS Phan Xuân Sơn phát biểu tại tọa đàm.Phát biểu tại tọa đàm, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Xuân Thắng nêu rõ, cuốn sách của Tổng Bí thư sẽ góp phần giúp cho các ngành, các cấp, tổ chức cơ sở đảng, đảng viên và nhân dân nắm vững, quán triệt và triển khai có hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng. 

Do đó, cần lan toả, làm sâu sắc hơn giá trị của cuốn sách. Đồng thời, cập nhật nội dung cuốn sách vào chương trình giảng dạy đối với các học viên học cao cấp lý luận chính trị; bồi dưỡng, cập nhật kiến thức cho các chức danh, các cán bộ được quy hoạch… qua đó làm cho các bài giảng thực sự có chất lượng. Song song đó, nội dung cuốn sách cần triển khai, xuyên suốt đến các Trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp Huyện trong cả nước.

Nhấn mạnh với giá trị lý luận và thực tiễn của cuốn sách cùng với tấm gương mẫu mực giản dị, liêm khiết, nói đi đôi với làm, hết sức vì Đảng, vì dân của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cho rằng, các cán bộ, đảng viên cần phải có trách nhiệm học tập, lan tỏa và phát huy giá trị to lớn của cuốn sách trong công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong xây dựng Đảng và hệ thống chính trị. Từ đó góp phần vào việc xây dựng Đảng ngày càng trong sạch vững mạnh, góp phần xây dựng đất nước ta phồn vinh hạnh phúc./.

Kim Anh/VOV.VN

 

Bình luận

    Chưa có bình luận