Căn bệnh sợ sai đã được "chỉ mặt”, “đặt tên” và “bốc thuốc”, “kê đơn” đúng để chữa trị. Nhưng để mang lại hiệu quả thực sự, vẫn cần hơn nữa sự quyết liệt, quyết tâm, khẩn trương của các cấp, các ngành chức năng để sớm hoàn thiện hành lang pháp lý.
Trong bài trước, VOV đã nêu rõ thực trạng và phân tích nguyên nhân của tình trạng các bệnh viện thiếu khẩn cấp các loại thuốc vật tư, thiết bị y tế để phục vụ công tác khám chữa bệnh; cũng như hàng loạt công trình, dự án ì ạch, chậm tiến độ tại các địa phương có nguyên do của “căn bệnh”... sợ sai. Đồng thời chỉ rõ tâm lý “Không làm để bảo toàn cá nhân” đang trở thành gánh nặng cho xã hội, cản trở sự phát triển của đất nước.
Nhận diện rõ “căn bệnh” này, Đảng, Nhà nước đã có những chủ trương, định hướng lớn - cơ sở cho các bộ, ngành, địa phương tích cực triển khai các giải pháp đồng bộ, căn cơ để khắc phục. Tuy nhiên, khoảng cách từ chủ trương đến triển khai áp dụng cần nhanh chóng được rút ngắn để quyết tâm tháo gỡ, thực sự nâng đỡ, khơi nguồn cho những cống hiến tâm huyết vì sự nghiệp chung. Đây cũng là nội dung phần 3 trong loạt bài với nhan đề: Thuốc nào trị "bệnh sợ sai”?
Từng là địa phương trong nhóm 11 tỉnh, thành phố có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công thấp nhất cả nước (tính đến giữa quý 3/2022), thành phố Hà Nội đã triển khai nhiều giải pháp để tháo gỡ. Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Hà Nội xác định đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền giữa các cấp chính quyền thành phố là một giải pháp hành động quan trọng. Thành phố đã xây dựng Đề án phân cấp nhà nước, ủy quyền trên nguyên tắc cấp nào làm tốt hơn thì giao cho cấp đó thực hiện trong khuôn khổ quy định của pháp luật. Nhờ vậy Hà Nội không chỉ nhanh chóng thoát đáy giải ngân vốn đầu tư công, mà còn tháo gỡ được nhiều điểm nghẽn, giúp khơi thông nguồn lực cho phát triển kinh tế, xã hội.
Từ kinh nghiệm thực tế của địa phương, ông Vũ Đức Bảo, Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy Hà Nội cho biết: “Ban thường vụ Thành ủy kiên quyết tập trung thực hiện phân cấp phân quyền. Thứ nhất tạo nhận thức đúng cho cán bộ đảng viên, đặc biệt công chức viên chức thực hiện có ý thức trách nhiệm. Thứ hai, tạo dựng cơ sở pháp lý, điều kiện và kiên quyết tổ chức phân quyền theo quy định. Thứ ba, tổ chức lại bộ máy làm việc các cấp để khi phân cấp trên nguyên tắc công việc chạy hơn, rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, đặc biệt người đứng đầu. Bởi thế không còn tình trạng vòng vo, né tránh, không chịu trách trách nhiệm”.
Cách làm của thành phố Hà Nội bám sát tinh thần của Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, đó là: một trong 3 đột phá chiến lược của nhiệm kỳ này là đột phá về thể chế, trong đó bao gồm cả đẩy mạnh phân cấp phân quyền.
Đảng ta đã nhận diện được nguy cơ, nhận định chính xác tình hình thực tế và có những chủ trương đúng đắn- cơ sở cho việc triển khai các giải pháp để tháo gỡ những vấn đề đang đặt ra nóng bỏng hiện nay. Không phải đến Đại hội lần thứ XIII, tinh thần “đột phá thể chế” mới được xác định, mà liên tiếp trong 3 kỳ đại hội Đảng trước đó, từ Đại hội XI, Đại hội XII đến Đại hội XIII, đều xác định rõ 3 đột phá chiến lược trong văn kiện. Trong đó đột phá đầu tiên là hoàn thiện thể chế, hệ thống pháp luật. Nhiều luật, văn bản pháp luật đã được rà soát, sửa đổi bổ sung cho phù hợp với tình hình thực tế, như sửa đổi, ban hành các Nghị định, thông tư của luật Khám chữa bệnh; Luật đấu thầu (sửa đổi) đang được Quốc hội đóng góp ý kiến; Luật Đất đai đang được lấy ý kiến toàn dân để sửa đổi...
Tính đến thời điểm này cũng đã 12 năm, chủ trương Đại hội Đảng đề ra và cũng là nhiệm vụ trọng tâm trong suốt 3 nhiệm kỳ của Chính phủ, từ nhiệm kỳ 2011-2015 đến nay đã gần hết 3 nhiệm kỳ. Nhiều chính sách đã được triển khai, mang lại những kết quả tích cực. Tuy nhiên, đột phá chiến lược trong một số lĩnh vực vẫn chưa được đáp ứng được yêu cầu. Đáng tiếc đó là những bất cập nổi cộm, gây bức xúc, dễ nhìn ra, như bất cập trong ngành y về đấu thầu thuốc vật tư y tế, liên doanh liên kết, thuê, mượn thiết bị trong các bệnh viện công - thực trạng nổi cộm từ 2-3 năm nay, nhưng đến nay các bệnh viện vẫn kêu cứu do cạn kiệt phương tiện khám chữa bệnh vì không đủ cơ sở pháp lý thể đấu thầu. Đó là hàng nghìn dự án tồn tại, vướng mắc, chậm tiến độ, thậm chí là dự án treo với diện tích hơn 18 nghìn ha chưa thể giải quyết do thiếu luật, thiếu nghị định hoặc thiếu thông tư để hướng dẫn triển khai...
Nhìn lại sau gần 3 nhiệm kỳ đột phá về thể chế, tình trạng Luật chờ nghị định, nghị định chờ thông tư vẫn chưa cải thiện được nhiều. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Trường Giang cho rằng: “Thông tư của các Bộ vẫn còn tình trạng chậm dẫn đến việc giảm đi hiệu lực, hiệu quả của luật được Quốc hội thông qua. Giải pháp thì đối với mỗi Luật được Quốc hội thông qua cũng cần có kế hoạch triển khai thi hành cụ thể, bài bản từ việc ban hành Nghị định vào thời điểm nào. Thứ hai, tăng cường sự giám sát, đặc biệt giám sát, đôn đốc cơ quan được giao quy định chi tiết, Nghị định phải có hiệu lực đồng thời với Luật được Quốc hội thông qua”.
Tuy nhiên nếu chỉ trông chờ vào sự hoàn thiện của hệ thống pháp luật mới giải quyết các vấn đề đặt ra thì chắc chắn Hà Nội và một số địa phương không thể tăng tỷ lệ giải ngân, không thể tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong nhiều lĩnh vực. Mà thực tiễn đang cần có những bộ óc tư duy có tầm và có tâm, dám nghĩ, dám làm, dám đổi mới sáng tạo. Đó là bản lĩnh của người đứng đầu quyết liệt trong mọi hành động vì lợi ích chung.
Tại Văn kiện Đại hội XIII, Đảng ta đã xác định, một trong những trọng tâm thực hiện của nhiệm kỳ 2021-2025 đó là: Có chính sách khuyến khích và cơ chế phù hợp bảo vệ những cán bộ, đảng viên có ý chí chiến đấu cao, gương mẫu thực hiện nguyên tắc của Đảng và pháp luật của Nhà nước, dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách và quyết liệt trong hành động vì lợi ích chung. Ngày 22/9/2021 Bộ Chính trị đã ra Kết luận số 14 về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung- bước tiếp theo trên tinh thần văn kiện đại hội XIII của Đảng. Đây là cơ sở- điểm tựa cho các địa phương sáng tạo cách thức tổ chức để triển khai.
Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái Đỗ Đức Duy chia sẻ: “Chủ trương của Đảng như vậy lãnh đạo các địa phương sẽ tự tin và vững tâm hơn khi mình dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám mạnh dạn đổi mới vì mục tiêu phát triển của địa phương, cũng như đất nước”.
Cùng với việc hoàn thiện thể chế, Kết luận 14 được coi là liều thuốc hữu hiệu để trị "bệnh sợ sai”, góp phần nâng đỡ, nuôi dưỡng sự sáng tạo, đổi mới, quyết liệt hành động của cán bộ, nhất là người đứng đầu, vì lợi ích chung. Tuy nhiên đáng tiếc là một chủ trương mang tính giải pháp hiệu quả, “đi trước đón đầu” lại chưa được kịp thời quán triệt, triển khai sâu rộng bởi nhiều lý do. Nhiệm kỳ 2021-2025 đã đi được nửa chặng đường, nhưng Kết luận 14 hiện vẫn đang trong giai đoạn ấp ủ xây dựng Nghị định, chưa rõ thời gian ban hành áp dụng.
Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng, đơn vị được giao xây dựng Nghị định cho biết: “Khi được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao xây dựng Nghị định quy định về khuyến khích, bảo vệ cán bộ dám nghĩ dám làm, năng động sáng tạo, trong tháng 12/2022, Bộ Nội vụ đã phối hợp với Bộ Tư pháp để thống nhất hình thức, quy trình xây dựng Nghị định. Hiện Bộ Tư pháp đồng ý với Bộ Nội vụ báo cáo Chính phủ xây dựng Nghị định theo hình thức rút gọn. Sau khi báo cáo, Thủ tướng đã đồng ý xây dựng Nghị định này theo hình thức rút gọn. Đến thời điểm này, Bộ Nội vụ đang thành lập Ban soạn thảo để chuẩn bị xây dựng dự thảo Nghị định”.
Những ách tắc là hệ quả của "bệnh sợ sai" trong các lĩnh vực đang từng ngày ảnh hưởng đến an sinh xã hội, đến sự phát triển của đất nước. Căn bệnh đã được “chỉ mặt”, “đặt tên” và “bốc thuốc”, “kê đơn” đúng để chữa trị. Nhưng để mang lại hiệu quả thực sự, vẫn cần hơn nữa sự quyết liệt, quyết tâm, khẩn trương của các cấp, các ngành chức năng để sớm hoàn thiện hành lang pháp lý rõ ràng - căn cứ để các đơn vị, địa phương giải quyết những vấn đề tồn đọng đặt ra trong thực tiễn. Khoảng cách ngắn hay dài từ chủ trương đến thực tiễn là tuỳ theo cách thức tổ chức triển khai thực hiện của những bộ phận thực thi./.
Nguyên Nhung-Lại Hoa/VOV1