Trách nhiệm của người nghệ sĩ trước hiện thực đất nước

Nhân kỷ niệm 80 năm Đề cương về văn hóa Việt Nam, Báo TNVN có cuộc trò chuyện với PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ về vấn đề này

 

80 năm qua, từ điểm tựa vững chắc của Đề cương về văn hóa Việt Nam, nền văn hóa, văn nghệ nước ta đã có sự phát triển mạnh mẽ, toàn diện và vững chắc, phục vụ sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, mở rộng giao lưu, hợp tác nhiều mặt với nhiều nước. Đề cương về văn hoá Việt Nam năm 1943 đã được ra đời như thế nào, thưa ông?

Năm 1943, tình hình thế giới và trong nước có nhiều biến đổi. Chiến thắng của Hồng quân Liên Xô đã tạo nên cục diện mới của cuộc Chiến tranh thế giới lần thứ hai. Ở trong nước, tổ chức Đảng và Mặt trận Việt Minh đã bắt rễ vào quần chúng và đang tạo ra những xung lực mới cho phong trào cách mạng. Trước tình hình biến chuyển nhanh chóng, trong điều kiện không thể triệu tập được Hội nghị toàn thể Trung ương, Ban Thường vụ Trung ương Đảng họp từ ngày 25 - 28/2/1943 bàn về việc mở rộng Mặt trận Dân tộc thống nhất và xúc tiến chuẩn bị khởi nghĩa vũ trang. Hội nghị chủ trương mở rộng hơn nữa Mặt trận Dân tộc thống nhất chống phát xít Nhật - Pháp (Mặt trận Việt Minh); chủ trương liên minh với tất cả các đảng phái và các nhóm yêu nước trong và ngoài nước chưa gia nhập Việt Minh; quyết định lập Hội Văn hóa Cứu quốc.

Đảng ta, đứng đầu là đồng chí Tổng Bí thư Trường Chinh, nhận rõ vai trò, đóng góp to lớn và quan trọng của văn hóa. Vì cách mạng là văn hóa, văn hóa là cách mạng, là đổi mới tận gốc rễ chế độ thực dân, phong kiến sang chế độ dân chủ, cộng hòa, loại bỏ chính sách ngu dân và nô dịch của bè lũ phát xít, thực dân, những khuynh hướng tư tưởng, văn hóa sai lầm, xây dựng một nền văn hóa mới, lớp người mới của chế độ mới. Trong bối cảnh và những vấn đề nóng bỏng của đất nước, nhất là trên lĩnh vực tư tưởng, văn hóa, đồng chí Tổng Bí thư Trường Chinh đã bắt tay khởi thảo Đề cương về văn hóa Việt Nam. Đề cương về văn hóa đã chỉ rõ nguy cơ của nền văn hoá Việt Nam dưới ách đô hộ của phát xít Nhật, Pháp; phân tích mối quan hệ giữa cách mạng chính trị và cách mạng văn hóa; khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng đối với cách mạng văn hóa. Đề cương về văn hóa đã vạch ra phương hướng đấu tranh đúng đắn chống thực dân, phát xít và bè lũ tay sai, xây dựng đường lối văn hoá mới của Đảng, tập hợp các nhà văn hóa, trí thức, văn nghệ sĩ để tham gia sự nghiệp giải phóng dân tộc.

Đề cương về văn hóa Việt Nam (1943) được ví như là tuyên ngôn, là cương lĩnh đầu tiên của Đảng ta về văn hóa và cách mạng, có ý nghĩa khai sáng, mở đường cho văn hoá Việt Nam

Thưa ông, vậy Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943 có những điểm đáng chú ý nào?

Đây là lần đầu tiên Đảng Cộng sản Đông Dương nêu một văn kiện có tính chất như một cương lĩnh văn hóa; xác định nội dung, tính chất, tổ chức, định hướng phát triển của một cuộc cách mạng văn hóa chỉ có thể gắn với cuộc cách mạng giải phóng dân tộc và tương lai của nền văn hóa ấy sau khi cách mạng đã thành công.

Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943 có 5 vấn đề chính: (I) Cách đặt vấn đề; (II) Lịch sử và tính chất nền văn hóa Việt Nam; (III) Nguy cơ của văn hóa Việt Nam dưới ách phát-xít Nhật, Pháp; (IV) Vấn đề cách mạng và văn hóa Việt Nam; (V) Nhiệm vụ cần kíp của những nhà văn hóa Mác-xít Đông Dương và nhất là những nhà văn hóa Mác-xít Việt Nam.

Ở phần “Cách đặt vấn đề” đã nêu: “A. Mặt trận văn hóa là một trong ba mặt trận (kinh tế, chính trị, văn hóa), ở đó người cộng sản phải hoạt động; B. Không phải chỉ làm cách mạng chính trị mà còn phải làm cách mạng văn hóa nữa; C. Có lãnh đạo được phong trào văn hóa, Đảng mới ảnh hưởng được dư luận, việc tuyên truyền của Đảng mới có hiệu quả”.

Đề cương về văn hóa nêu rõ, sự nghiệp văn hóa là của toàn dân, đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng; tính chất nền văn hóa mới Việt Nam là dân tộc về hình thức, tân dân chủ về nội dung. Xác định ba nguyên tắc: “Dân tộc hóa”; “Đại chúng hóa”; “Khoa học hóa”. Khẳng định việc kế thừa, xây dựng và phát triển nền văn hóa hàng ngàn năm của dân tộc, tự tôn văn hóa dân tộc, khắc phục tư tưởng tự ti, tự phụ; nâng cao lòng yêu nước, chí khí anh hùng, độc lập, tự do. Đó là những phẩm chất cao quý của con người Việt Nam: yêu nước, đoàn kết, dũng cảm, sẵn sàng xả thân vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân. Nền văn hóa dân tộc do lớp lớp thế hệ người Việt Nam sáng tạo, xây đắp, bảo vệ, phát huy; nhận rõ và chống mọi chủ trương, hành động làm cho văn hóa xa rời hay gây hại đối với đông đảo quần chúng. Văn hóa mới, văn hóa cách mạng phải hướng mọi sáng tạo, mọi hoạt động phục vụ đông đảo quần chúng nhân dân, không ngừng nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân. Bảo đảm và nâng cao tính khoa học trong xây dựng nền văn hóa Việt Nam, làm cho văn hóa không ngừng được khoa học hóa, tiên tiến hóa, chống lại những gì làm cho văn hóa, đúng hơn là sản phẩm văn hóa, phản khoa học, phản tiến bộ. Là việc kế thừa, phát huy tinh hoa văn hóa nhân loại, từ đông, tây, kim, cổ.

Trong dịp kỷ niệm 40 năm Đề cương về văn hóa Việt Nam ra đời (1943 - 1983), đồng chí Tổng Bí thư Trường Chinh cho rằng: “Vì trong hoàn cảnh hoạt động bí mật, Trung ương chưa đủ điều kiện nghiên cứu sâu các vấn đề liên quan đến cách mạng văn hóa Việt Nam… Nhưng Đề cương về văn hóa đã thu tóm được những vấn đề cơ bản của văn hóa Việt Nam dưới ánh sáng của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, trong điều kiện lúc đó của Việt Nam”.

Yêu cầu lớn được đặt ra, các văn nghệ sĩ viết, sáng tác cho ai? về điều gì? sáng tác, biểu đạt như thế nào?

80 đã qua kể từ khi ra đời Đề cương về văn hóa Việt Nam, ông đánh giá thế nào về chặng đường phát triển của văn hóa, văn nghệ nước nhà?

Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công. Trong phiên họp đầu tiên của Hội Đồng chính phủ (ngày 3/9/1945), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu lên 6 nhiệm vụ cấp bách của Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hoà, trong đó có 2 nhiệm vụ cấp bách thuộc về văn hóa: “Một là, cùng với diệt giặc đói phải diệt giặc dốt. Hai là, phải giáo dục tinh thần cho nhân dân”.

Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ Nhất khai mạc ngày 24/11/1946 tại Nhà hát Lớn thành phố Hà Nội với hơn 200 đại biểu trong cả nước tham dự. Trong diễn văn khai mạc, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Nền văn hóa mới của nước nhà lấy hạnh phúc của đồng bào, của dân tộc làm cơ sở”. Từ cách đặt vấn đề “Tây phương hay Đông phương có cái gì tốt, ta học lấy để tạo ra một nền văn hóa Việt Nam, trau dồi cho văn hóa Việt Nam thật có tinh thần thuần túy Việt Nam để hợp với tinh thần dân chủ”.

Từ ngày 16 - 20/7/1948, tại Việt Bắc, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ đạo tổ chức Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ hai. Trong thư gửi các đại biểu tham dự Hội nghị, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Trong sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc vĩ đại của dân tộc ta, Văn hoá gánh một phần rất quan trọng. Từ ngày chính quyền dân chủ thành lập đến nay, các nhà văn hoá ta đã cố gắng và đã có thành tích. Song từ nay trở đi chúng ta cần phải xây dựng một nền văn hoá kháng chiến kiến quốc của toàn dân”.

Nhìn lại những năm tháng anh dũng, náo nức đi vào cuộc trường chinh chống thực dân Pháp thời đó, thấy nổi rõ những đổi thay to lớn, mang tính bước ngoặt của nền văn hóa, văn nghệ cách mạng với hai nhiệm vụ kháng chiến kiến quốc và những định hướng cơ bản của Đề cương về văn hóa Việt Nam. Một yêu cầu lớn được đặt ra, các văn nghệ sĩ viết, sáng tác cho ai? về điều gì? sáng tác, biểu đạt như thế nào? Đây là vấn đề lớn và rất quan trọng của nhận thức, tư duy, tài năng, bút pháp, trách nhiệm của người nghệ sĩ trước hiện thực đất nước.

Sau 9 năm trường kỳ kháng chiến với nhiều hy sinh, gian khổ, dân tộc ta đã làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Đất nước ta bước vào một giai đoạn cách mạng mới, miền Bắc xây dựng nền móng ban đầu của chủ nghĩa xã hội, cùng miền Nam tiếp tục cuộc chiến đấu tiến tới thống nhất đất nước. Văn kiện Đại hội III của Đảng (9/1960) xác định đường lối xây dựng nền văn hoá có nội dung xã hội chủ nghĩa và tính dân tộc. Nền văn học, nghệ thuật của ta có bước phát triển mạnh mẽ về đội ngũ, không gian, cảm hứng, điều kiện sáng tạo, hiện thực đời sống và công chúng của chính nền văn nghệ đó.

Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội được thông qua tại Đại hội lần thứ VII (6/1991) xác định nền văn hóa mà chúng ta xây dựng là “nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”, là một trong sáu đặc trưng cơ bản của chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam. Nghị quyết Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá VII) lần đầu đưa ra khái niệm: “Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, một động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời là một mục tiêu của chủ nghĩa xã hội”. Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa VIII) ra Nghị quyết về “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”.

Đại hội lần thứ X của Đảng (4/2006) khẳng định: “Tiếp tục phát triển sâu rộng và nâng cao chất lượng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, gắn kết chặt chẽ và đồng bộ hơn với phát triển kinh tế - xã hội, làm cho văn hóa thấm sâu vào mọi lĩnh vực của đời sống xã hội”.

Xuất phát từ thực tiễn đất nước sau gần 30 năm đổi mới và phát triển, Hội nghị lần thứ chín, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) đã thảo luận và ra Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 9/6/2014 về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của đất nước”.

Cuộc cách mạng công nghệ lần thứ 4 (4.0) tạo những tiền đề quan trọng cho công cuộc phát triển văn hóa

Cuộc cách mạng 4.0 đang ảnh hưởng mạnh mẽ đến sự phát triển của văn hóa, văn nghệ. Chúng ta phải làm gì để bước tiếp chặng đường 80 năm qua trước yêu cầu mới, thưa ông?

Cuộc cách mạng công nghệ lần thứ 4 (4.0) tạo những tiền đề quan trọng cho công cuộc phát triển văn hóa, làm cho văn hóa là nền tảng, là mục tiêu, là động lực, là sức mạnh nội sinh quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Quá trình này tạo tiền đề để các ngành văn hóa, văn nghệ phát huy tối đa sức sáng tạo, những phương thức biểu đạt mới và hiện đại chưa từng có trong lịch sử nhân loại, đặt ra cả cơ hội và thách thức trong quá trình lãnh đạo và quản lý văn hóa.

Sự phát triển của internet, hoạt động của các trang mạng xã hội đã hình thành nên những kênh truyền thông đa diện, đa sắc màu, giúp mọi người bày tỏ các ý kiến, quan điểm sáng tạo, sáng tác khác nhau, góp phần thúc đẩy tự do biểu đạt, đa dạng văn hóa trong xã hội. Các ứng dụng công nghệ thực tế ảo, trí tuệ nhân tạo, kết nối vạn vật, dữ liệu lớn, in 3D và nhiều hướng tư duy mới buộc Việt Nam phải thay đổi trong hoạt động quản lý di sản, tổ chức các hoạt động văn hóa, nghệ thuật để đáp ứng nhu cầu thay đổi của chính văn hóa, nghệ thuật và mong muốn của xã hội.

Sáng tạo, đổi mới trở thành nguồn lực quan trọng cho sự phát triển của nhiều quốc gia. Xây dựng nền văn hóa số thích ứng với nền kinh tế số, xã hội số, công dân số. Khai thác kinh tế sáng tạo, các ngành công nghiệp văn hóa sáng tạo để tạo ra kinh tế số, kinh tế xanh đang là xu hướng lớn được các quốc gia sử dụng nhằm gia tăng sức mạnh mềm, từ đó tạo ra các lợi thế về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội.

Xây dựng, bổ sung và hoàn thiện các cơ chế, chính sách phát triển các ngành công nghiệp văn hóa trong thời kỳ mới nhằm cải thiện điều kiện kinh doanh sản phẩm, dịch vụ văn hóa, nâng cao hiệu quả việc thực thi quyền sở hữu trí tuệ và các quyền liên quan, thúc đẩy cạnh tranh lành mạnh trên thị trường.

Thực hiện đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của các ngành công nghiệp văn hóa gắn với ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại; nâng cao hàm lượng khoa học kỹ thuật trong chuỗi sản xuất sản phẩm, dịch vụ của các ngành công nghiệp văn hóa; phát triển mạng lưới doanh nghiệp, trong đó hình thành một số tập đoàn lớn về công nghiệp văn hóa ở các lĩnh vực truyền thông, điện ảnh, âm nhạc, phát thanh và truyền hình, xuất bản, phần mềm và các trò chơi trực tuyến; đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm, dịch vụ văn hóa. Xây dựng và phát triển thị trường sản phẩm dịch vụ văn hóa của Việt Nam ở nước ngoài; có chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp trong quá trình tham gia và phát triển thị trường quốc tế. Những thay đổi này ảnh hưởng rất lớn và mạnh mẽ đối với quá trình sáng tạo, tiếp nhận và hưởng thụ văn hóa.

Phát triển văn học, nghệ thuật phải đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế, xây dựng con người Việt Nam theo tinh thần Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 16/6/2008 của Bộ Chính trị về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới. Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng./.

Xin cảm ơn PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ!

Thành Công thực hiện

 

Bình luận

    Chưa có bình luận