Sáng 16/2, tại trụ sở Trung ương Đảng, lãnh đạo Đảng, Nhà nước tổ chức gặp mặt đại biểu trí thức, nhà khoa học, văn nghệ sĩ Xuân Quý Mão năm 2023.
Chủ trì hội nghị có Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng, Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà.
Dự hội nghị gặp mặt có đại diện các ban, bộ, ngành, các tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp, các liên hiệp hội, hội chuyên ngành về khoa học, kỹ thuật, văn học, nghệ thuật Trung ương và hơn 300 đại biểu đại diện cho giới trí thức, nhà khoa học, văn nghệ sĩ có nhiều thành tích xuất sắc trong công tác, đóng góp xây dựng nền khoa học công nghệ, giáo dục, đào đạo của đất nước và nền văn hóa Việt Nam.
Tại cuộc gặp mặt, các đại biểu là những trí thức, nhà khoa học, văn nghệ sĩ đã trao đổi, chia sẻ cởi mở về những kinh nghiệm, kết quả nổi bật và quyết tâm cống hiến, khát vọng của bản thân, của ngành, của giới mình; bày tỏ tình cảm, niềm vui, vinh dự và ấn tượng sâu sắc trước việc Lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các cơ quan đã tổ chức buổi gặp mặt đầu Xuần năm mới, thể hiện sự quan tâm, chăm lo của Đảng, Nhà nước đối với các trí thức, nhà khoa học và văn nghệ sĩ.
Nhiều ý kiến bày tỏ mong muốn Đảng, Nhà nước tiếp tục quan tâm, động viên, xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách, tạo điều kiện thuận lợi để đội ngũ trí thức,nhà khoa học, văn nghệ sĩ không ngừng lớn mạnh, đóng góp nhiều hơn nữa, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong tình hình mới.
Đã đến lúc cần có một chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa, văn học nghệ thuật
Phát biểu tại buổi gặp mặt, PGS.TS, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân - Chủ tịch Liên hiệp các hội văn học nghệ thuật Việt Nam, Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam cho biết, Đảng ta luôn khẳng định, văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, đồng thời cũng là một nguồn lực nội sinh, trọng yếu trong sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước; phát triển văn hóa gắn bó mật thiết với phát triển con người, phải đặt văn hóa ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội...
Qua đó, ông đề nghị Đảng, Nhà nước, các ban, bộ, ngành Trung ương và các địa phương cùng toàn xã hội tăng cường các giải pháp mạnh mẽ để chăm lo, đào tạo, phát triển đội ngũ văn nghệ sĩ. Cần đặt toàn bộ sự phát triển văn học nghệ thuật Việt Nam vào chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa quốc gia và là một trong những giải pháp chiến lược để tăng cường sức mạnh mềm, đưa Việt Nam ra với thế giới, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Nhấn mạnh trong các văn bản, chiến lược và kế hoạch phát triển công nghiệp văn hóa Việt Nam, văn học - nghệ thuật chưa có vị trí tương xứng, ông Đỗ Hồng Quân cho rằng, đã đến lúc cần có một chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa, văn học nghệ thuật.
“Những loại hình văn học nghệ thuật trực tiếp liên quan đến việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, chủ quyền dân tộc, đến những giá trị cốt lõi của văn hóa, con người Việt Nam, Nhà nước cần tập trung đầu tư, hỗ trợ tối đa. Cần đổi mới chính sách đãi ngộ, sử dụng đối với đội ngũ văn nghệ sĩ, tôn vinh tài năng và cống hiến của họ, phấn đấu có những tài năng lớn ở các loại hình về văn học và nghệ thuật; thu hẹp dần khoảng cách thụ hưởng văn hóa của người dân thuộc các vùng miền và các nhóm xã hội khác nhau”, ông Đỗ Hồng Quân kiến nghị.
Tạo môi trường làm việc, sống và cống hiến cho trí thức
Đối với lĩnh vực giáo dục đào tạo, GS.TS, nhà giáo ưu tú Lê Anh Tuấn, Chủ tịch Hội đồng Đại học Bách Khoa nêu ý kiến, đầu tư cho giáo dục đại học gắn kết với khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và thu hút nhân tài là động lực quan trọng để phát triển nguồn lực, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Các cơ sở giáo dục đại học tự chủ càng mạnh thì càng cần tiếp tục được đầu tư để trở thành những cơ sở giáo dục đại học xuất sắc, đủ sức cạnh tranh với các đại học danh tiếng trên thế giới.
Tại hội nghị, GS.TS Nguyễn Quốc Sỹ, nhà khoa học Vật lý và Công nghệ Plasma, Viện sĩ Viện Hàn lâm Khoa học điện Liên bang Nga, Chủ tịch Viện Công nghệ VinIT đã có những chia sẻ rất tâm huyết về việc thu hút tập hợp lực lượng cho sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, trong đó chủ thể quyết định là lực lượng trí thức.
Theo vị giáo sư, cần tạo môi trường làm việc sống và cống hiến cho trí thức; đánh giá khách quan, khen thưởng kịp thời, có chế độ đãi ngộ hợp lý cho đội ngũ này.
Bên cạnh đó, để sử dụng hiệu quả đội ngũ trí thức cần có những cá nhân xuất sắc, những thủ lĩnh trí thức như con chim đầu đàn, tập hợp, dẫn dắt, chỉ huy trong từng ngành, từng lĩnh vực, từng dự án, đồng thời là người chịu trách nhiệm trước hệ thống chính trị và nhân dân trong lĩnh vực, công nghệ của mình.
“Chúng ta phải phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng những thủ lĩnh trí thức làm nòng cốt cho kế hoạch thu hút, tập hợp trí thức trong và ngoài nước. Việc này phải được thực hiện thông qua thực tế cuộc sống, năng lực chuyên môn và hiệu quả công việc. Tiếp đó là cần nghiên cứu, đúc kết kinh nghiệm các nước trong việc tập hợp lực lượng trí thức, đồng thời phải có chiến lược hợp tác chặt chẽ, sâu rộng, hiệu quả với các quốc gia phát triển có tiềm lực tri thức của thế giới”.
GS.TS Nguyễn Quốc Sỹ nói như vậy, đồng thời đề nghị tập trung xây dựng phát triển các tập đoàn khoa học công nghệ mạnh để triển khai các dự án KHCN, làm nền tảng cho việc phát triển kinh tế, phục vụ cho công cuộc CNH-HĐH đất nước. Tập đoàn KHCN đồng thời là cái nôi tập hợp, đào tạo và phát triển tri thức cho tương lai./.
Kim Anh/VOV.VN