Hai người lính Thái Bình 'bước ra' từ cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc

Cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở biên giới phía Bắc để lại nhiều vết tích ở 6 tỉnh biên giới và trong lòng những người lính một thời lửa đạn.

 

Trong suốt 10 năm gian khổ đó, lớp lớp thanh niên quê lúa Thái Bình đã lên đường nhập ngũ. Họ trực tiếp tham gia vào binh lửa, để lại một phần cơ thể ở biên cương, rồi họ trở về đời thường. Thế nhưng, mỗi người lại có một số phận, người thì vất vả, lam lũ, người thì nỗ lực học hành để có chỗ đứng trong xã hội.

Hai người lính ở thành phố Thái Bình mà chúng tôi gặp, dù mái đầu đã bạc, thế nhưng hồi ức về những năm tháng trong quân ngũ mãi là niềm tự hào trong cuộc đời của họ.

Người găm mảnh đạn trong đầu, người bỏ lại chiến trường một phần cơ thể

Ông Bùi Văn Trọng (64 tuổi) ở phường Kỳ Bá - thành phố Thái Bình là một trong những nhân chứng lịch sử của sự kiện tháng 2 năm 1979. Ký ức về cuộc chiến năm đó vẫn luôn dai dẳng trong tâm hồn ông.

Đầu năm 1979, ông Trọng tốt nghiệp ngành cơ điện và đang công tác tại Đông Anh, Hà Nội thì được điều động nhập ngũ, xét tuyển vào lực lượng Công an vũ trang.

“Cuộc chiến xảy ra, ai cũng nóng lòng được bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ biên cương. Khi nghe tin đồng bào mình bị sát hại, bị thương tích rồi chúng phá phách tài sản của nhân dân, của nông trường thì chúng tôi ai cũng muốn ra trận. Chúng tôi là lực lượng hậu cần bên trong để tăng cường, tiếp viện và hỗ trợ cho tuyến đầu” - ông Trọng nói về nhiệm vụ của mình.

Ông Bùi Văn Trọng kể lại những hồi ức ở chiến trường.

Ông Trọng cùng đồng đội đã chứng kiến sự tàn khốc trên chiến trường, chứng kiến những nông trường, trang trại của bà con bị tàn phá chỉ trong nháy mắt.

Ký ức khiến ông nhớ nhất là khi cùng đồng đội lên Hà Giang để nắm bắt tình hình.

“Gặp những công nhân nông trường, nhất là những người đồng hương Thái Bình, họ cứ ôm lấy chúng tôi. Họ khóc. Chúng tôi hết sức đau lòng, chỉ cố gắng động viên họ cứ yên tâm, anh em sẽ quyết tâm bảo vệ biên cương Tổ quốc, quyết tâm bảo vệ đất nước để giữ hạnh phúc cho đồng bào”, ông Trọng nghẹn ngào.

Những lời động viên dù nhỏ, những cái ôm dù ngắn nhưng nó đã là động lực to lớn để mỗi chiến sĩ, mỗi người dân các tỉnh biên giới, kiên trì bám biên để bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc.

Cũng ở phường Kỳ Bá - Thái Bình, cựu chiến binh Nguyễn Văn Thanh (61 tuổi) bước vào cuộc chiến ác liệt năm 1984 bằng lá đơn tình nguyện. Tạm gác lại ước mơ học lái xe chỉ với suy nghĩ mình là thanh niên, đất nước chưa ngơi tiếng súng thì mình phải có nghĩa vụ lên đường. Mặc dù đã chuẩn bị tinh thần đối mặt với khó khăn, gian khổ nhưng ông cũng không thể hình dung hết sự ác liệt của “lò vôi thế kỷ” Vị Xuyên. Nơi ấy được ví như “cối xay thịt”.

Nét khắc khổ trên khuôn mặt người lính Nguyễn Văn Thanh còn hằn lại sau trận chiến.Dáng vẻ khập khiễng, đôi mắt khắc khổ, ăn nốt bát cơm sau một ngày làm việc vất vả, ông Thanh bắt đầu kể về quãng đời binh lửa ở Vị Xuyên- nơi ông đã gửi lại một phần cơ thể của mình.

“Năm 1984, khi tôi vừa lên mặt trận Vị Xuyên thì chứng kiến bộ đội ta hy sinh rất nhiều. Tôi nghe tiếng súng đùng đoàng suốt ngày. Tôi vác đồng đội của mình trong bùn và máu rồi tôi bắt xe để đưa liệt sỹ ra ngoài an táng. đúng như người ta nói Vị Xuyên là cái “cối xay thịt”. Anh em ra chiến trận đều rất trẻ, thương lắm. Đồng đội chiến đấu bên nhau, chỉ có con đường tiến lên phía trước chứ không có lựa chọn nào khác.

Năm 1984, khi đang làm trung đội phó, đơn vị chúng tôi huấn luyện bên Quản Bạ. Chúng tôi ăn Tết trước để lên nhận địa hình cho anh em và tôi đã bị thương trên đó (mất một chân). Sau khi bị thương, tôi trở về quê hương, lúc đó 21 tuổi”, ông Thanh nhớ lại.

Những người lính tuổi 18, 20 tham gia mặt trận Vị Xuyên. (Ảnh tư liệu)Cuộc mưu sinh của 2 người lính thời bình

Cuộc chiến kết thúc, người còn người mất, ông Bùi Văn Trọng mang trong mình một mảnh đạn nằm trong đầu làm “hành trang” trở về (hiện mảnh đạn đã được lấy ra). Nơi miền quê nghèo quanh năm cấy lúa trồng khoai, ông Trọng quyết tâm học tập để thay đổi cuộc sống. Những năm sau đó, ông Trọng tiếp tục học đại học. Phẩm chất người lính cụ Hồ cùng nhiều năm lăn lộn nơi chiến trường đã giúp ông rèn luyện được nhiều kỹ năng. Quá trình học tập của ông diễn ra thuận lợi, nhiều lần ông được tuyên dương, trở thành một thương binh tiêu biểu, tàn nhưng không phế.

Ông Trọng tìm lại những bức hình còn sót lại từ cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở biên giới phía Bắc.Khi học xong, ông Trọng về công tác tại tỉnh Thái Bình, tích cực tham gia công tác ở cơ sở, giữ nhiều vị trí như Đội trưởng, Đội phó đội sản xuất, Đội trưởng, Chủ nhiệm, phó Chủ nhiệm và sau đó chuyển lên huyện ủy và lên tỉnh.

Nói về mảnh đạn trên đầu, ông Trọng chia sẻ: “Tôi bị chấn thương sọ não. Mỗi khi trái gió trở trời khiến tôi đau nhức rất khó chịu. Nhiều khi đi cấp cứu, tưởng không qua khỏi. Tuy nhiên, nhờ quá trình luyện tập, nghị lực của bản thân, tôi đã vượt qua bệnh tật để trở về với cuộc sống bình thường”.

Ông Trọng chỉ vị trí viên đạn xuyên lên đầu như thế nào.Sau này, dù đã nghỉ hưu nhưng ông Trọng vẫn không ngừng cống hiến sức mình cho quê hương. Là Tổ trưởng Tổ dân phố ở phường Kỳ Bá, Tp Thái Bình nhưng với ông, đó là một vị trí vinh dự và tự hào, một công việc có ích cho xã hội và bà con.

Còn với ông Nguyễn Văn Thanh, khi đôi chân không còn lành lặn, cuộc đời ông rẽ sang một hướng khác.

Sau khi lấy vợ, cả gia đình bốn người sinh hoạt trong chiếc lều được dựng tạm ở một góc phố nhỏ. Ông Thanh cùng vợ là bà Hiên mưu sinh bằng đủ loại nghề, từ bán bánh rán, bánh bao, bỏng ngô hay thuốc lá để nuôi 2 con (1 trai, 1 gái) ăn học.

Túp lều nhỏ được ông Thanh cùng vợ dựng lên từ những ngày mới cưới tới nay.Những lúc rảnh rỗi, ông Thanh lại dùng chân còn lành lặn của mình chạy xe ôm để mưu sinh. Cả nhà chỉ có duy  nhất một chiếc giường. Những khi mưa bão, căn lều bị thấm dột, nước chảy lênh láng, chiếc tivi cũ kĩ phủ đầy bụi bật mãi mới lên hình. Đây có lẽ là vật dụng giá trị nhất trong gia đình ông, cũng là  đồ tặng của bà con hàng xóm.

Mất đi một chân, ông Thanh có tỷ lệ thương tật hơn 80%. Chiếc chân giả được gắn từ đùi xuống khiến ông đi lại khó khăn. Nhưng, ngay cả chiếc chân giả đó cũng không nguyên vẹn. Chiếc chân bị vỡ đang được bó dây chằng chịt vì không đủ tiền đi sửa.

“Gom góp từng đồng tiền lẻ để cho các cháu đi học, với ước mơ cuộc đời của chúng sẽ thay đổi, dù chân tôi có bó dây cả đời cũng chẳng sao, tôi yên phận rồi” - ông Thanh tâm sự. 

Chiếc chân giả được bó chằng chịt dây từ đùi xuống. Hoàn cảnh quá khó khăn khiến ông không có điều kiện để sửa đôi chân.Mỗi khi được hỏi về những đứa trẻ trong gia đình, đôi mắt ông sáng lấp lánh đầy tự hào: “Chúng học giỏi lắm, lại ngoan nữa, cả hai đứa đều thi đỗ đại học, vừa đi học, vừa đi làm phụ giúp bố mẹ”.

Kể được một lúc, ông lại lặng lẽ bước ra chiếc bàn bày đồ bán hàng bên ngoài đợi khách tới mua. Cả gia đình bốn người sống dựa vào đây, hai vợ chồng ngày nào cũng quần quật từ sáng sớm đến tối muộn, tần tảo lo lắng hết lòng cho gia đình nhỏ của mình.

Trên đầu giường treo đầy những bức ảnh kỉ niệm. Ông Thanh chỉ cho chúng tôi từng bức ảnh gắn với mỗi sự kiện trong đời ông, từ khi chiến tranh kết thúc, đến khi ông lập gia đình, những khoảnh khắc người đàn ông còn một chân mưu sinh… đều được người vợ lưu giữ.

Trong túp lều nhỏ, những bức ảnh đầu giường mãi là những kỉ niệm khó quên nhất của hai vợ chồng ông Thanh.Những người lính trở về từ cuộc chiến năm ấy, dù bản thân không còn lành lặn, dù trong mình còn mang nhiều vết thương, nhưng với họ, sự cống hiến, hy sinh cho Tổ quốc là những tháng ngày đẹp nhất. Họ lúc nào cũng cảm thấy may mắn vì còn được trở về sau chiến trận. Cống hiến với họ cũng là cách để tri ân những người đã nằm xuống nơi biên cương./.

"5 giờ sáng ngày 17/2/ 1979, Trung Quốc đã huy động hơn 60 vạn quân với 9 quân đoàn chủ lực và 32 sư đoàn bộ binh độc lập, 6 trung đoàn với 550 xe tăng, xe bọc thép, 4 sư đoàn và trung đoàn pháo binh với hàng nghìn khẩu pháo các loại mở cuộc tiến công xâm phạm lãnh thổ Việt Nam trên toàn tuyến phía Bắc Việt Nam, từ Phong Thổ (Lai Châu) đến Móng Cái (Quảng Ninh) với chiều dài hơn 1.400km, mở đầu cuộc chiến tranh xâm lược lần thứ nhất (thời nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa) bao gồm các tỉnh: Lai Châu, Hoàng Liên Sơn, Hà Tuyên, Cao Bằng, Lạng Sơn và Quảng Ninh của Việt Nam. 

Ngày 5/3/1979, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam quyết định tổng động viên lực lượng bảo vệ Tổ quốc; cùng ngày Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng đã ký lệnh “Tổng động viên” cả nước. Đây có thể nói là lời “Hịch  non sông đất nước” thời đại Hồ Chí Minh.

...Trong lúc chiến sự trên toàn tuyến biên giới phía Bắc đang diễn ra, ngày 5/3/1979, Trung Quốc tuyên bố đã hoàn thành kế hoạch “Dạy cho Việt Nam một bài học” và ra lệnh rút quân về nước.

 Sau khi tuyên bố rút quân, Trung Quốc vẫn duy trì 12 sư đoàn và hàng chục trung đoàn độc lập áp sát biên giới Việt Nam, thường xuyên gây tình trạng căng thẳng, tiếp tục lấn chiếm lãnh thổ Việt Nam ở mọi quy mô, thực hiện kiểu chiến tranh phá hoại nhiều mặt. Bắt đầu từ ngày 28/4/1984, Trung Quốc lần lượt huy động hơn 50 vạn quân lấn chiếm biên giới Vị Xuyên (tỉnh Hà Tuyên cũ, nay là Hà Giang). Cuộc chiến đấu ở chiến trường Vị Xuyên kết thúc vào tháng 10/1989 cũng đồng thời là dấu mốc kết thúc chiến tranh bảo vệ lãnh thổ phía Bắc, giữ vững toàn vẹn từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc" - Trích "Hồi ức chiến tranh Vị Xuyên" - Thiếu tướng Nguyễn Đức Huy. 

CTV Quỳnh Trang/VOV.VN

 

Bình luận

    Chưa có bình luận