Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng khẳng định, thành phố sẽ chọn Long Biên là một trong những nơi ưu tiên làm điểm những vấn đề mới của thành phố trên các lĩnh vực, kể cả giao cho quận làm chủ đầu tư những dự án của thành phố trên địa bàn, qua đây tạo sức bật mới cho quận.
Sáng 9/2, Thường trực Thành ủy Hà Nội làm việc với quận Long Biên về kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị năm 2022, phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm năm 2023 và những năm tiếp theo.
Kết luận buổi làm việc, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nêu, mặc dù mới thành lập được 20 năm, nhưng quận Long Biên đã có bước phát triển toàn diện, ấn tượng, nhiều lĩnh vực đi đầu, là điểm sáng của thành phố. Có được thành tích đó là do Đảng bộ quận luôn đoàn kết, có quyết tâm và hoài bão phát triển, có nhiều đổi mới trong lãnh đạo, chỉ đạo, dám nghĩ, dám làm, dám đương đầu với khó khăn, thách thức.
Đối với công tác xây dựng Đảng, Bí thư Thành ủy yêu cầu, tiếp tục nắm chắc tình hình, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức Đảng; đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII, XIII); kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên có biểu hiện suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”...
Theo ông Dũng, quận Long Biên cần tiếp tục rà soát đổi mới sắp xếp tổ chức bộ máy hệ thống chính trị ngày càng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; nâng cao năng lực quản lý, điều hành, quan tâm thực hiện việc thí điểm mô hình chính quyền đô thị; làm tốt hơn nữa công tác quy hoạch phát triển đô thị, quản lý đất đai, trật tự xây dựng và môi trường; cập nhật những chủ trương mới như công nghiệp văn hóa vào chương trình, kế hoạch công tác, tiếp tục đầu tư phát triển hạ tầng; giữ gìn và phát huy văn hóa truyền thống, đưa Long Biên trở thành điểm đến hấp dẫn, nơi đáng sống...
Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng khẳng định, thành phố sẽ chọn Long Biên là một trong những nơi ưu tiên làm điểm những vấn đề mới của thành phố trên các lĩnh vực, kể cả giao cho quận làm chủ đầu tư những dự án của thành phố trên địa bàn, qua đây tạo sức bật mới cho quận. Ông Dũng cũng nêu, quận cần chú trọng thực hiện nhiệm vụ phân cấp, ủy quyền, nhất là khâu cụ thể hóa; qua đó tham mưu, kiến nghị cụ thể đối với hơn 700 thủ tục hành chính đã phân cấp, ủy quyền và các thủ tục còn lại...
Kiến nghị sớm xây cầu Trần Hưng Đạo, Giang Biên
Trước đó, báo cáo tại cuộc làm việc, Bí thư Quận ủy Long Biên Đường Hoài Nam cho biết, quận duy trì tốc độ tăng giá trị sản xuất bình quân hằng năm ở mức cao, từ 15-21%/năm. Cơ cấu ngành kinh tế có sự chuyển dịch đúng định hướng, đến hết năm 2022, tỷ trọng ngành thương mại, dịch vụ chiếm 73,4%; lĩnh vực công nghiệp - xây dựng chiếm tỷ trọng 26,5%; sản xuất nông nghiệp giảm còn 0,1%. Quận hiện có hơn 10.150 doanh nghiệp (gấp 15,7 lần so năm 2004). Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn hằng năm đều đạt và vượt so với kế hoạch. Thu nhập bình quân đầu người năm 2022 là 86,9 triệu/người/năm. Quận không còn hộ nghèo.
Lãnh đạo quận Long Biên kiến nghị thành phố chỉ đạo di dời 14 cơ sở sản xuất, kinh doanh gây ô nhiễm và không phù hợp quy hoạch; tháo gỡ khó khăn trong việc triển khai các dự án phục vụ phát triển thương mại, dịch vụ trên địa bàn quận như: Dự án công viên công nghệ thông tin Hà Nội; Trung tâm Logistics Hateco - Cảng cạn ICD Long Biên; Công viên chuyên đề tại ô quy hoạch C.6/CXTP; điều chỉnh bất cập quy hoạch phân khu đô thị N10; cụ thể hóa quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng, tỷ lệ 1/5.000 và quy hoạch phân khu đô thị sông Đuống (R6), tỷ lệ 1/5.000…
Quận cũng kiến nghị thành phố giao cho quận lập Đề án quản lý 883ha đất nông nghiệp khu vực ngoài đê và 341,2ha đất chưa sử dụng (bãi bồi ven sông Hồng, sông Đuống); đẩy nhanh tiến độ đầu tư một số dự án được triển khai trên địa bàn quận, gồm: Cầu Trần Hưng Đạo; cầu Giang Biên; các nhà máy xử lý nước thải tập trung An Lạc, Phúc Đồng; đầu tư nâng cấp tuyến vận tải thủy sông Đuống; nút giao thông đường Cổ Linh - cầu Vĩnh Tuy...