Bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm: Thể chế hóa bằng nghị định là cần thiết

Việc thể chế hóa kết luận của Bộ Chính trị trong bối cảnh hiện nay sẽ tạo niềm tin vững chắc cho đội ngũ cán bộ, công chức dấn thân...

 

Cần chế tài đối với người trù dập, cản trở cán bộ dám nghĩ, dám làm

Tại buổi họp báo thường kỳ Chính phủ tháng 1/2023, Thứ trưởng Bộ nội vụ Nguyễn Duy Thăng cho biết, nghị định về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung sẽ được xây dựng theo trình tự rút gọn. Bộ Nội vụ sẽ cố gắng trình Chính phủ trong quý 2/2023.

Theo đó, nội dung của nghị định chủ yếu tập trung làm rõ phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng. Trong phạm vi điều chỉnh quy định các nguyên tắc, các điều kiện, các quy trình thủ tục để bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm. Làm rõ quy trình thủ tục thực hiện bảo vệ, khuyến khích.

Kèm theo đó, làm rõ điều kiện khuyến khích như thế nào, các hình thức khuyến khích bảo vệ ra sao để thể chế hóa chủ trương của Đảng trong thực tiễn.

Trao đổi với phóng viên VOV.VN, ông Thang Văn Phúc – nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ cho biết, cần sớm xây dựng cơ chế bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đột phá vì việc chung. Bởi đây sẽ là cơ sở để động viên cán bộ tích cực phát huy trí tuệ, năng lực, mạnh dạn đề xuất ý tưởng của mình trong thực hiện nhiệm vụ, đáp ứng yêu cầu thực tiễn đặt ra của cơ quan, đơn vị.

Ông Thang Văn Phúc – nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ.Việc thể chế hóa cần căn cứ vào các luật căn bản như Luật cán bộ, công chức, Luật viên chức, Luật phòng, chống tham nhũng…. Cùng với đó, quá trình xây dựng nghị định cần được nghiên cứu một cách kỹ lưỡng, thấu đáo, làm rõ ranh giới giữa cái đúng – cái sai, giữa làm vì tập thể với làm vì lợi ích nhóm, lợi ích cá nhân. Trong đó, làm rõ biểu hiện của dám nghĩ, dám làm vì tập thể, vì cái chung; cơ quan đón nhận các đề xuất, kiến nghị, các sáng tạo, đổi mới như thế nào để đảm bảo được tính bí mật và bảo vệ người đề xuất, người dám đấu tranh, phát hiện…

Bên cạnh đó, cũng cần quy định, trường hợp cán bộ dám nghĩ, dám làm vì việc chung và thành công thì thế nào, không thành công sẽ bị xử lý ra sao.

“Bên cạnh quy định khuyến khích, bảo vệ cán bộ dám đột phá, sáng tạo vì lợi ích chung cũng cần có chế tài đối với những người trù dập, cản trở người dám nghĩ, dám làm”, ông Thang Văn Phúc đồng thời cho biết, xây dựng Nghị định cần cụ thể những trường hợp nào được xem xét khen thưởng, tôn vinh khi đạt kết quả tốt; có chính sách khuyến khích thỏa đáng, kể cả tinh thần và vật chất.

Lằn ranh giữa đổi mới, sáng tạo và cố ý làm trái khá mỏng manh

Cho rằng lằn ranh giữa đổi mới, sáng tạo và cố ý làm trái khá mỏng manh, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Thang Văn Phúc nhấn mạnh, việc xây dựng một cơ chế đủ mạnh để bảo vệ người dám nghĩ, dám làm, từ đó hạn chế tình trạng sợ sai, sợ chịu trách nhiệm là điều rất cần thiết. Song đây là điều không hề dễ vì liên quan đến nhiều ngành nghề, lĩnh vực. Vì vậy, quá trình xây dựng nghị định phải xác định rõ quan điểm, thái độ mạch lạc, đảm bảo tính minh bạch, công khai, thể hiện quyền dân chủ, quyền công dân, nhất là đề cao tinh thần trách nhiệm và tinh thần đấu tranh, xây dựng.

“Việc xây dựng nghị định rất phức tạp vì đụng chạm đến nhiều quyền lợi, không chỉ quyền lợi về kinh tế mà còn có quyền lợi chính trị… Do đó, nghị định cần được xây dựng chặt chẽ, mạch lạc, quy định những vấn đề mang tính nguyên tắc, chứ không thể quy định tới hàng trăm ngành nghề khác nhau”, ông Thang Văn Phúc nêu ý kiến.

Theo chuyên gia này, bên cạnh phần lớn đội ngũ cán bộ, đảng viên đều thực hiện tốt các quy định, cơ chế, chính sách thì cũng có những người lợi dụng kẽ hở trong chính sách, quy định để vụ lợi. Vì vậy, bên cạnh việc xây dựng cơ chế, cụ thể hóa bằng những quy định để bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung thì cũng cần có “bộ lọc” để lọc những người “núp bóng” sáng tạo, đổi mới mà phục vụ lợi ích cá nhân.

Đề cập việc thời gian qua xuất hiện nhiều tiêu cực nên không ít cán bộ bị kỷ luật, ông Đinh Duy Hòa – nguyên Vụ trưởng Vụ cải cách hành chính, Bộ Nội vụ cho rằng, thực tế cũng xuất hiện tâm lý sợ mắc sai lầm, khuyết điểm, sợ trách nhiệm trong một bộ phận cán bộ, đảng viên, dẫn đến tình trạng co cụm, đùn đẩy trách nhiệm khiến công việc không “chạy”.

Do đó, việc thể chế hóa kết luận của Bộ Chính trị trong bối cảnh hiện nay sẽ tạo niềm tin vững chắc cho đội ngũ cán bộ, công chức dấn thân, tiên phong để tạo nên những đột phá.

Song, ông Đinh Duy Hòa cũng cho rằng, đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm của cán bộ, đảng viên trước hết không được vượt qua khung khổ luật pháp. Hơn thế nữa, là cán bộ, công chức trong bộ máy thì phải hoàn thành đúng trách nhiệm được giao. Nếu trong quá trình triển khai gặp vấn đề vượt ra khỏi khung khổ luật pháp thì phải thực hiện chế độ báo cáo lãnh đạo cấp trên hoặc cơ quan cấp trên ý tưởng, kế hoạch của mình để được xem xét, tránh trường hợp “tiền trảm hậu tấu”.

Ông Đinh Duy Hòa (Ảnh: Thi Uyên)Trong Kết luận 14 của Bộ Chính trị đã nêu khi cán bộ thực hiện thí điểm mà kết quả không đạt hoặc chỉ đạt được một phần mục tiêu đề ra hoặc gặp rủi ro, xảy ra thiệt hại thì cấp có thẩm quyền phải kịp thời xác định rõ nguyên nhân khách quan, chủ quan, đánh giá công tâm để xem xét, xử lý phù hợp, nếu thực hiện đúng chủ trương, có động cơ trong sáng, vì lợi ích chung thì được xem xét miễn hoặc giảm nhẹ trách nhiệm. Do đó, điều này cần được cụ thể hóa đưa thành văn bản để bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám đi tiên phong.

“Những người làm tốt trong câu chuyện dám nghĩ, dám làm phải được khen thưởng xứng đáng để kịp thời động viên, khuyến khích họ”, ông Đinh Duy Hòa cho biết./.

Kim Anh/VOV.VN

 

Bình luận

    Chưa có bình luận