Sáng 3/2, tại Bộ Công Thương, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự và phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị thúc đẩy sản xuất, tiêu dùng trong nước và mở rộng thị trường xuất khẩu năm 2023.
Báo cáo tại hội nghị, Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, năm 2022 dưới sự lãnh đạo trực tiếp, thường xuyên của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công thương đã chủ động, sáng tạo trong triển khai kịp thời, đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ được giao và đã đạt được kết quả quan trọng. Về cơ bản đã bảo đảm đủ nguồn cung nguyên, nhiên, vật liệu và hàng hoá thiết yếu phục vụ sản xuất của doanh nghiệp và tiêu dùng của người dân, mặc dù có thời điểm thiếu xăng dầu cục bộ ở một số địa phương nhưng đã được khắc phục kịp thời, bảo đảm nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước.
Sản xuất công nghiệp phục hồi tích cực ở hầu hết các ngành, lĩnh vực và địa phương; Thương mại điện tử tăng trưởng mạnh; Cán cân thương mại hàng hóa tháng 01/2023 vẫn duy trì xuất siêu 3,6 tỷ USD (cùng kỳ xuất siêu 1,6 tỷ USD); tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng 20% (cùng kỳ tăng 1,3%).
Bên cạnh những kết quả đạt được, Ông Nguyễn Hồng Diên đã chỉ ra những khó khăng thách thức, tồn tại, hạn chế cần tập trung khắc phục, những phương hướng, nhiệm vụ năm 2023 và kiến nghị, đề xuất với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nhiều vấn đề quan trọng như việc chỉ đạo rà soát, sửa đổi, bổ sung và ban hành mới những cơ chế, chính sách đủ mạnh, khả thi nhằm hỗ trợ phát triển SXKD phù hợp với bối cảnh mới. Chỉ đạo tổng kết cơ chế, chính sách về hội nhập kinh tế quốc tế, nhất là việc thực hiện chính sách thu hút đầu tư FDI trong lĩnh vực công nghiệp, thương mại…
Phát biểu tại hội nghị thay mặt Chính phủ Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao và biểu dương sự nỗ lực và những kết quả quan trọng mà ngành Công Thương đạt được trong năm 2022 và tháng 01/2023 đóng góp tích cực vào thành tựu chung của đất nước.
Đông thời Thủ tướng cũng chỉ rõ nhưng kết quả đạt được, những khó khăn và tồn tại, hạn chế và thách thức. Trong thời gian tới Thủ tướng đề nghị Bộ Công Thương cần phát huy những kết quả đã đạt được, tiếp tục đoàn kết, chung sức, đồng lòng để thực hiện những nhiệm vụ trọng tâm cần tập trung triển khai trong năm 2023, trong đó nhấn mạnh, Thực hiện đồng bộ các giải pháp để phục hồi và phát triển sản xuất với trọng tâm là tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy cả phía cung và phía cầu và đẩy mạnh chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, xã hội số, tạo động lực đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Thực hiện đồng bộ các giải pháp đẩy mạnh xuất khẩu, tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động đối ngoại, các hợp tác song phương, đa phương để duy trì, mở rộng và tìm kiếm thị trường, khai thác tối đa dư địa xuất khẩu của các ngành, lĩnh vực có lợi thế và thế giới có nhu cầu.
Đẩy mạnh sức mua trong nước, thực hiện các Chương trình XTTM thị trường trong nước, đẩy mạnh phân phối hàng hóa qua nền tảng số, thương mại điện tử để mở rộng tiêu dùng nội địa, phát triển thương hiệu hàng Việt Nam; Chú trọng đầu tư hiện đại hóa hệ thống phân phối ở vùng nông thôn, miền núi để đẩy mạnh đưa hàng Việt về nông thôn; kết hợp chặt chẽ giữa thương mại truyền thống với hiện đại, khai thác hiệu quả thị trường 100 triệu dân trong nước còn nhiều tiềm năng; đồng thời, theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả, thị trường các mặt hàng thiết yếu để điều hành phù hợp, hiệu quả, bảo đảm nguồn cung về điện, xăng dầu cho thị trường trong mọi tình huống
Tăng cường hơn nữa chất lượng và hiệu quả công tác quản lý thị trường; đẩy mạnh công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, gian lận xuất xứ....
Làm tốt hơn nữa công tác thị trường, bao gồm cả dự báo, cân đối cung cầu, giá cả thị trường các mặt hàng thiết yếu, đặc biệt là mặt hàng xăng dầu, theo dõi sát diễn biến để điều hành phù hợp, hiệu quả, không để đứt gãy, bảo đảm nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong mọi tình huống.
Đặc biệt Thủ tướng yêu cầu, phải coi doanh nghiệp là trung tâm đổi mới sáng tạo, là trọng tâm của sự phát triển ngành Công Thương, tiếp tục tạo ra thay đổi, nâng cao sức cạnh tranh bằng việc tạo ra môi trường thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh.
Có giải pháp cụ thể để huy động và phát huy tối đa các nguồn lực, nhất là nguồn lực xã hội hóa với các hình thức đầu tư phù hợp cho mục tiêu phát triển; tập trung phát triển hạ tầng công nghiệp và thương mại, hạ tầng năng lượng, thương mại điện tử.
Về các kiến nghị của Bộ Công Thương Thủ tướng đề nghị Bộ khẩn trương có văn bản cụ thể gửi các cấp có thẩm quyền xem xét, xử lý trên tinh thần vì lợi ích quốc gia dân tộc vì mục tiêu phát triển ngành Công Thương và mục tiêu chung của đất nước./.
Vũ Khuyên/VOV