Mùa xuân đã về trên khắp các nẻo đường của Tổ quốc. Thật diệu kỳ là cứ mỗi độ Xuân về, cả dân tộc lại chào đón ngày kỷ niệm thành lập Đảng cộng sản Việt Nam. Trong không khí vui tươi, phấn khởi mừng Đảng, mừng Xuân ấy, mỗi người dân đất Việt bước vào năm Quý Mão 2023 với một niềm tin mạnh mẽ, đất nước sẽ tiếp tục có bước chuyển mình vươn dậy cùng mùa xuân, khẳng định vị thế, hình ảnh đất nước và con người Việt Nam.
Chia sẻ cảm xúc với PV VOV2, ông Nguyễn Đức Hà, nguyên Vụ trưởng Vụ Cơ sở Đảng - Ban Tổ chức Trung ương, không giấu nổi niềm tự hào, tin tưởng trong chặng đường 93 năm qua của Đảng mà theo ông đó là tâm trạng chung của tuyệt đại đa số người dân Việt Nam.
Không những thế, Xuân Quý Mão năm nay còn có một dấu ấn đặc biệt khi đất nước vừa đi qua một năm có thể nói đầy thắng lợi với tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 8,02%, cao nhất trong 10 năm qua. Đây cũng là dịp tròn 2 năm triển khai thực hiện Nghị quyết XIII của Đảng và cũng là năm đồng bào và chiến sỹ cả nước được đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước chúc Tết trong đêm giao thừa. Dư âm này sẽ tạo hiệu ứng vô cùng lớn, lan tỏa trong toàn dân, và nhờ đó niềm tin của dư luận vào Đảng cũng được củng cố nâng lên rất nhiều.
Hạnh phúc của nhân dân - thước đo thành công cho Nghị quyết XIII của Đảng
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khi tổng kết nhiệm kỳ khóa XII và nhìn lại 35 năm đổi mới đã nhấn mạnh: "Chúng ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, phát triển mạnh mẽ, toàn diện hơn so với những năm trước đổi mới. Với tất cả sự khiêm tốn, chúng ta vẫn có thể nói rằng: Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay". Đây cũng chính là động lực để chúng ta vững tin bước vào năm mới Quý Mão 2023 - là năm giữa nhiệm kỳ - năm bản lề, có ý nghĩa quan trọng trong việc thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, đem lại niềm tin cho người dân cả nước.
Nhắc lại lời của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, “Đại hội XIII của Đảng chỉ là mở đầu, làm được hay không, có biến Nghị quyết Đại hội thành hiện thực sinh động hay không, có làm ra của cải vật chất, mang lại “giàu có và hạnh phúc” cho nhân dân hay không mới là thành công”, ông Nguyễn Đức Hà muốn khẳng định rằng: Nghị quyết chính là sự tổng kết sâu sắc lý luận và thực tiễn, thể hiện ý chí nguyện vọng của toàn đảng, toàn dân. Tinh thần nội dung Nghị quyết dù rất đúng và trúng nhưng điều quan trọng là Nghị quyết phải đi vào thực tế cuộc sống, biến thành các chương trình, kế hoạch hành động cụ thể.
Nhìn lại 2 năm đưa Nghị quyết 13 đi vào cuộc sống, theo ông Nguyễn Đức Hà, những vấn đề lớn, những vấn đề cơ bản, những vấn đề cốt lõi của Nghị Quyết đã được Bộ Chính trị, Ban Bí thư từng bước cụ thể hóa bằng các nghị quyết, bằng các kết luận, các quy định rất chi tiết, rõ ràng.
“Trong những năm đầu của nhiệm kỳ, Trung ương tập trung vào việc cụ thể hóa những vấn đề lớn quan trọng mà Nghị quyết Đại hội 13 đã đề ra để những năm cuối nhiệm kỳ này chúng ta vừa tập trung chỉ đạo vừa quyết liệt tổ chức thực hiện để đưa nghị quyết của Đại hội vào cuộc sống. Và quan trọng hơn là phải biến nó thành cơm áo gạo tiền để nâng cao đời sống, đem lại hạnh phúc cho nhân dân. Đó mới chính là kết quả cuối cùng”, ông Hà chia sẻ.
Muốn nhân dân hạnh phúc thì phải mang lại hạnh phúc cho nhân dân. “Hạnh phúc giờ đây không chỉ là cơm no, áo ấm, nhiều tiền, lắm của, ai cũng được học hành, mà còn ở sự phong phú về tâm hồn, được sống giữa tình thương và lòng nhân ái, lẽ phải và công bằng”, đúng như lời của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng. Và thực tiễn nhiều năm qua, khi nhìn vào các chỉ số thu nhập bình quân đầu người tăng lên hằng năm, tỷ lệ nghèo đa chiều giảm dần qua từng nhiệm kỳ, hệ thống an sinh xã hội phát triển theo hướng toàn diện, tiến tới bao phủ toàn dân để “không ai bị bỏ lại phía sau,” quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân được bảo vệ, có thể thấy, đây là những minh chứng sinh động cho sự quan tâm của Đảng, Nhà nước.
Đặc biệt khi nhấn mạnh về thành quả sau 37 năm thực hiện đường lối đổi mới đất nước do Đảng khởi xướng và lãnh đạo, ông Hà bày tỏ niềm tự hào khi kinh tế Việt Nam đã đạt tốc độ tăng trưởng khá ấn tượng, nhanh chóng đưa Việt Nam từ một trong những quốc gia nghèo nhất trên thế giới trở thành quốc gia thu nhập trung bình, đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ tiềm lực vị thế và uy tín quốc tế như hiện nay. Đó cũng là cơ sở niềm tin để khơi dậy khát vọng của nhân dân về một xã hội xã hội chủ nghĩa phồn vinh, hạnh phúc.
Đổi mới công tác cán bộ để Nghị quyết XIII thực sự đem lại ấm no, hạnh phúc cho nhân dân
Nhiều ý kiến cho rằng muốn Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng thực sự đem lại ấm no, hạnh phúc cho nhân dân, cần phải coi trọng đội ngũ cán bộ các cấp. Thực tế trong những năm qua, chúng ta đã từng bàn nhiều, làm nhiều về công tác cán bộ, và được xem là “then chốt của then chốt” trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Tuy nhiên, đây là công việc vô cùng khó khăn, phức tạp, không thể chỉ làm trong một sớm một chiều, mà phải tiến hành một cách căn cơ, bài bản.
Đặc biệt trong bối cảnh hiện nay để có thể tạo sự đột phá cho đất nước, mang lại ấm no, hạnh phúc cho nhân dân thì công tác cán bộ càng quan trọng hơn bao giờ hết, nhất thiết phải có một bộ máy đủ mạnh, gồm những người vừa có đức, vừa có tài, hết lòng lo cho đất nước, cho nhân dân, đưa đất nước ta vượt qua khó khăn, thử thách, phát triển bền vững, nâng tầm vị thế, cơ đồ của đất nước lên tầm cao mới, sánh vai với các cường quốc năm châu.
“Trong những năm vừa qua chúng ta đã phải trả những cái giá quá đắt về công tác cán bộ, chúng ta đã mất mát quá nhiều cán bộ ở tất cả các cấp, kể cả cán bộ cấp cao. Chính vì thế Đại hội XIII của Đảng mới nhấn mạnh, phải xác định công tác cán bộ là then chốt của then chốt trong công tác xây dựng chỉnh đốn Đảng”. Chia sẻ điều này, nguyên Vụ trưởng Vụ Cơ sở Đảng - Ban Tổ chức Trung ương, Nguyễn Đức Hà cho rằng, trong những năm qua từ Ban chấp hành Trung ương đến Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã tập trung rất nhiều công sức cho việc xây dựng các quy định, các quy chế, quy trình về công tác cán bộ. Tuy nhiên trong thời gian tới, công việc này vẫn tiếp tục phải tập trung nhiều hơn nữa. Cũng theo ông Hà cần phải tổng kết rút kinh nghiệm, cái gì còn phù hợp, cái gì không còn phù hợp phải bổ sung, hoàn thiện. Cái gì chưa có thì phải xây dựng mới.
Vậy để công tác cán bộ được triển khai đúng định hướng, lựa chọn được những người vừa có đức vừa có tài, chúng ta cần có những giải pháp gì? Nêu quan điểm về vấn đề này, ông Hà khẳng định ngoài việc phải đổi mới công tác cán bộ trên tất cả các khâu từ đánh giá cán bộ đến quy hoạch, luân chuyển, bổ nhiệm cán bộ thì một yêu cầu nữa vô cùng quan trọng, đó là đào tạo rèn luyện, thử thách cán bộ trong thực tiễn.
“Chúng ta phải đổi mới, đưa cán bộ đi luân chuyển, đào tạo trong thực tiễn, về những nơi khó khăn, gian khổ, phức tạp, dễ có những phát sinh để kiểm nghiệm. Nếu vượt qua được khó khăn, thử thách, vượt qua được những cám dỗ lợi ích thì mới thành công”
Giờ đây ngoài Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng tiêu cực, thì ở các địa phương cũng đã có Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng tiêu cực ở cấp tỉnh, ông Hà tin rằng với hệ thống trên dưới đồng lòng như vậy thì sự chỉ đạo sẽ thông thoáng hơn, quyết liệt hơn và đạt hiệu quả cao hơn trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng.
Thanh Hương/VOV2