Theo ông Ngô Minh Tuấn, Trưởng Ban Thư ký Giải Báo chí toàn quốc về xây dựng Đảng, ở những mùa giải đầu tiên, “chất” xây dựng Đảng trong các tác phẩm chưa đồng đều giữa trung ương với địa phương, hay giữa các loại hình báo chí, đến nay, chất xây dựng Đảng có thể thấy được hết ở các loại hình báo chí.
Giải Báo chí toàn quốc về xây dựng Đảng - Giải Búa liềm vàng đã về đích ở mùa giải thứ 7 với 110 tác phẩm lọt vào vòng chung khảo được lựa chọn từ 2.031 tác phẩm tham dự giải. Các tác phẩm xuất sắc nhất sẽ được vinh danh vào tối nay (3/2), đúng ngày kỷ niệm 93 năm thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam.
Giải thưởng danh giá nhà báo nào cũng khao khát đạt được
Kể từ mùa giải đầu tiên được tổng kết vào ngày 3/2/2017, đến nay, Giải Báo chí toàn quốc về xây dựng Đảng - Giải Búa liềm vàng do Ban Tổ chức Trung ương, Báo Nhân Dân, Đài Truyền hình Việt Nam, Tạp chí Cộng sản và Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp tổ chức đã trở thành một thương hiệu uy tín, danh giá và được giới chuyên môn đánh giá cao.
Trước thềm lễ trao giải lần thứ VII, trao đổi với phóng viên VOV.VN, ông Ngô Minh Tuấn, Tổng Biên tập Tạp chí Xây dựng Đảng, Phó Chủ tịch Hội đồng sơ khảo, Trưởng Ban Thư ký Giải báo chí toàn quốc về xây dựng Đảng cho biết, để có được sự ghi nhận của báo giới, coi đây là một giải thưởng để những người cầm bút khao khát đạt được trong sự nghiệp của mình, có 4 yếu tố cơ bản.
Trước hết là ở công tác tổ chức, cực kỳ chặt chẽ, bài bản.
Thứ hai, Ban Tổ chức giải thưởng đã huy động được tất cả các lực lượng từ các cấp ủy, tổ chức Đảng ở Trung ương tới địa phương, Ban cán sự Đảng, Đảng đoàn ở các cơ quan nhà nước, cơ quan dân cử, Ban Tổ chức cấp ủy, các Ban Tuyên giáo, Hội Nhà báo các cấp cùng tham gia, có thể nói đã huy động được cả hệ thống chính trị vào cuộc.
Một yếu tố quan trọng đặc biệt làm nên uy tín của giải chính là sự khách quan, công tâm, minh bạch trong công tác chấm giải. Cơ quan thường trực của giải đã tham mưu cho Ban Chỉ đạo thành lập 2 hội đồng sơ khảo và chung khảo là những nhà báo có uy tín, kinh nghiệm, những người có kinh nghiệm về công tác xây dựng Đảng, những nhà báo có lương tâm, trách nhiệm với nghề. Giám khảo nào chấm thiên vị sẽ không được mời tham gia ở mùa sau.
Giá trị của giải còn được thể hiện ở khâu tổ chức lễ trao giải, không chỉ trang trọng, mà những phần thưởng cũng góp phần làm tăng sự danh giá của giải. Ví như, cúp Búa liềm vàng được mạ bằng vàng thật, hay mức tiền thưởng của Giải Búa liềm vàng hiện nay đang đứng ở hàng cao nhất.
Các tác phẩm thể hiện rõ “chất” xây dựng Đảng
PV: Là Trưởng Ban Thư ký Giải báo chí toàn quốc về xây dựng Đảng, theo dõi từ những mùa giải đầu tiên, ông đánh giá thế nào về chất lượng các tác phẩm vào chung khảo và sẽ được trao giải lần này?
Ông Ngô Minh Tuấn: Ở giải năm nay rất đáng mừng các tác phẩm được Hội đồng sơ khảo lựa chọn đưa vào chấm chung khảo bảo đảm được cơ cấu hài hòa các thể loại, các loại hình đồng thời cũng hài hòa cả về cơ cấu vùng miền. Tính báo chí và “chất” xây dựng Đảng trong các tác phẩm rõ rệt hơn trước rất nhiều.
Nếu ở những mùa giải đầu tiên, “chất” xây dựng Đảng trong các tác phẩm báo chí chưa đồng đều giữa trung ương với địa phương, hay giữa các loại hình báo chí, đến nay, chất xây dựng Đảng có thể thấy được hết ở các thể loại. Nhiều tác phẩm cho thấy sự công phu trong tìm kiếm chủ đề, cách thức thể hiện, thu thập thông tin, tư liệu, phản ánh đậm hơi thở cuộc sống, bám sát được các trọng tâm trong thông tin tuyên truyền về xây dựng Đảng, hệ thống chính trị của năm 2022. Mùa giải năm nay, số lượng tác phẩm (2.031 tác phẩm tham dự giải) tương đương với năm 2021 và vượt hơn hẳn so với các năm trước, chất lượng tác phẩm đồng đều và tốt hơn so với mùa trước.
Có được kết quả này, ngay từ đầu năm, Ban Tổ chức Trung ương đã ban hành kế hoạch thông tin tuyên truyền về xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị với 5 trọng tâm: Tăng cường xây dựng chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị, kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, những biểu hiện tự diễn biến, tự chuyển hóa, công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, chạy chức chạy quyền, lợi ích nhóm; Tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hệ thống chính trị trong giai đoạn mới; Tiếp tục cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020-2025, tình hình kết quả xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế xã hội thực hiện chiến lược phát triển kinh tế xã hội 10 năm 2021-2030 tầm nhìn đến 2045 theo hướng khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh hạnh phúc; Đổi mới nội dung phương thức nâng cao chất lượng công tác giáo dục chính trị tư tưởng, tiếp tục bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng theo tinh thần Nghị quyết 35 của Bộ Chính trị khóa XII, phản bác các quan điểm sai trái, luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch, tích cực đấu tranh chống diễn biến hòa bình; Xây dựng Đảng về đạo đức và thực hiện các quy định về nêu gương của cán bộ đảng viên, thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, XII, Kết luận số 21 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII gắn với việc thực hiện Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh việc thực hiện học tập và làm theo tư tưởng đạo đức phong cách Hồ Chí Minh, thắt chặt hơn nữa mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với Nhân dân, thực sự dựa vào dân để xây dựng Đảng.
Trên cơ sở này, tất cả các cơ quan báo chí ở Trung ương và địa phương tổ chức nội dung tuyên truyền về xây dựng Đảng, từ đó lựa chọn các tác phẩm tốt để dự Giải Búa liềm vàng.
Một yếu tố nữa giúp làm cho nội dung các tác phẩm dự giải năm 2022 tốt hơn là việc tổ chức bồi dưỡng kiến thức về xây dựng Đảng, hệ thống chính trị cho đội ngũ phóng viên, biên tập viên trong cả nước. Ban Tổ chức Trung ương phối hợp với Bộ Thông tin-Truyền thông đã tổ chức 1 lớp bồi dưỡng trực tiếp kết hợp trực tuyến trong cả nước, một số địa phương đã nối mạng trực tuyến tới huyện, tổng số có 1.700 cán bộ, phóng viên, biên tập viên các cơ quan báo chí từ trung ương đến địa phương tham gia. Có thể khẳng định, chưa bao giờ có được một lớp tập huấn lớn như thế để cung cấp thông tin, định hướng đồng thời trang bị kỹ năng viết. Vì thế, như trên tôi đã nói, các tác phẩm dự giải năm nay đã thể hiện tính báo chí cũng như “chất” xây dựng Đảng rất rõ rệt. Những yếu tố đó góp phần tạo nên chất lượng báo chí của Giải Búa liềm vàng năm nay tốt hơn rất nhiều.
Hơn 2.000 tác phẩm dự giải đã phản ánh trung thực bức tranh đất nước năm 2022
PV: Ông có thể chia sẻ về những điểm đặc biệt, nổi bật của các tác phẩm được trao giải năm nay?
Ông Ngô Minh Tuấn: Với 2.031 tác phẩm dự giải năm nay, về cơ bản, các tác phẩm đã đi theo dòng nội dung chủ lưu: "xây" là chủ đạo, là chiến lược cơ bản lâu dài; "chống" là cấp bách, thường xuyên. Qua các tác phẩm được gửi về, chúng ta có thể thấy một bức tranh toàn cảnh, trung thực về đời sống chính trị, kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng, đối ngoại của đất nước trong năm 2022 với gam màu sáng đẹp.
Các tác phẩm được trao giải năm nay có ở đủ các loại hình, ở nhiều mảng đề tài. Nhiều tác phẩm cho thấy có sự nghiên cứu sâu để góp phần phát triển lý luận về xây dựng Đảng. Có những loạt bài đi sâu tìm ra nguyên nhân của hiện tượng nhiều cán bộ đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị đạo đức lối sống, tự diễn biến tự chuyển hóa; có tác phẩm bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác với những quan điểm sai trái của các thế lực thù địch; có tác phẩm đi sâu về công tác tổ chức xây dựng Đảng như công tác cán bộ, công tác tổ chức cơ sở Đảng, nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên. Có những tác phẩm nội dung rất tốt, có thể xem như một thông điệp với thế giới rằng Việt Nam đang hướng đến xây dựng một đất nước hạnh phúc, bảo đảm quyền con người.
Riêng về chủ đề đấu tranh với những luận điệu xuyên tạc về nhân quyền ở Việt Nam, năm nay có nhiều bài viết được thể hiện phong phú, sinh động, sâu sắc, lập luận chặt chẽ, có tính thuyết phục cao. Đây là đề tài rất khó, nhưng một số báo đã thể hiện thành công, trong đó có 2 tác phẩm đoạt giải cao.
Xuất phát từ thực tiễn gần đây có một số trường hợp cán bộ xin nghỉ khi chưa hết nhiệm kỳ hay chưa đến tuổi nghỉ hưu, nhiều tác phẩm đã có phân tích, khái quát hướng tới văn hóa từ chức, cán bộ xin nghỉ, xin thôi chức có thể không vì sai phạm, lỗi lầm, hay vi phạm pháp luật mà có thể hướng tới văn hóa từ chức khi cán bộ cảm thấy cần phải nhường vị trí đó cho những cán bộ giỏi hơn, mang lại lợi ích cho đất nước, nhân dân nhiều hơn. Câu chuyện phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực ở các mùa giải trước cũng được đề cập tới rồi nhưng năm nay nhiều tác phẩm đã tiến thêm một bước, chỉ ra giải pháp để thu hồi được tài sản tham nhũng, tiêu cực. Vấn đề đang được dư luận quan tâm hiện nay là trọng dụng nhân tài, làm sao để tiến cử cho Đảng những cán bộ có đức có tài cũng được nhiều báo quan tâm.
Một mảng nội dung nữa cũng rất quan trọng là triển khai, đưa Nghị quyết Đại hội XIII cùng với Nghị quyết Đảng bộ các cấp sớm đi vào cuộc sống, đạt được kết quả cũng được nhiều tác phẩm dự giải năm nay chỉ ra những cách làm sinh động, sáng tạo của nhiều địa phương, có những hình thức chuyển tải từ Nghị quyết thành các chương trình hành động, đặc biệt còn phát hiện ra những điểm nghẽn, vướng mắc từ cơ chế đến cách vận hành để có biện pháp tháo gỡ.
Năm nay, sau khi Ban Tổ chức cơ cấu thêm 2 giải chuyên đề: giải tác phẩm xuất sắc về tổ chức thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng và giải xuất sắc về đổi mới, nâng cao chất lượng công tác giáo dục chính trị tư tưởng, đã có nhiều tác phẩm đi sâu về chủ đề này, phản ánh được cách làm để đổi mới, nâng cao chất lượng công tác giáo dục chính trị tư tưởng bằng những việc làm cụ thể, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ làm.
Ngoài ra, nhiều tác phẩm tiếp tục đề cập câu chuyện muôn thuở trong công tác xây dựng Đảng, như phát triển đảng viên ở vùng sâu vùng xa, vùng có đạo, trong doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp tư nhân, đồng thời đề xuất giải pháp rất tốt.
Mảng đề tài về những tấm gương tiêu biểu trong học tập làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, cán bộ đảng viên nêu gương ở mọi miền Tổ quốc, ở các cấp các ngành cũng có nhiều tác phẩm chất lượng tốt.
PV: Ông có thể cho biết tiêu chí chấm giải năm nay có gì mới so với các năm trước hay không?
Ông Ngô Minh Tuấn: Công tác chấm giải năm nay vẫn theo tiêu chí chung, đó là phải rõ ràng về thể loại; thời lượng và số kỳ đúng quy định; phải phản ánh trung thực sự việc, hiện tượng; cách diễn đạt phải trong sáng, dễ hiểu, cảm xúc. Năm nay, Ban Tổ chức giải có lưu ý thêm với Hội đồng chấm giải phải khuyến khích và đánh giá cao tác phẩm cho thấy có sự dấn thân của người viết, xông pha vào những nơi gian khó để phát hiện ra những tấm gương tiêu biểu, tập thể làm tốt, địa phương làm tốt hay những vấn đề mang tính phát hiện, để thấy được quyết tâm, nỗ lực của toàn Đảng, toàn dân trong thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
PV: Theo ông, các tác phẩm tham dự giải có tác động ra sao tới công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực hiện nay của Đảng ta?
Ông Ngô Minh Tuấn: Những tác phẩm có chất lượng về đề tài phòng chống tham nhũng, tiêu cực là những “tiếng chuông” cảnh tỉnh, cảnh báo. Những tác phẩm có tính lan tỏa rộng rãi trong các tầng lớp nhân dân, sẽ tác động tới các cơ quan pháp luật phải đề cao trách nhiệm hơn nữa, làm đúng, làm khẩn trương, không để vụ việc chìm xuồng, không để người có tội chạy tội được. Nói cách khác, các tác phẩm có chất lượng đã góp phần tạo nên sức ép dư luận để các cơ quan bảo vệ pháp luật phải làm tốt và làm đúng hơn nữa trách nhiệm của mình.
PV: Xin cảm ơn ông./.
Thanh Hà/VOV.VN