Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình đã có những chia sẻ về quãng thời gian đàm phán tại Paris.
Nguyên Bộ trưởng Ngoại giao, nguyên Trưởng phái đoàn Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tại Hội nghị Paris Nguyễn Thị Bình dù đã 95 tuổi nhưng vẫn nhớ như in quãng thời gian tham gia đàm phán tại Paris.
Bà Nguyễn Thị Bình nhớ lại, cuối năm 1968, bà nhận được chỉ thị của Đảng tham gia đàm phán ở Paris. Bà bày tỏ niềm xúc động và lòng cảm ơn tới các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước đã giao cho bà trọng trách lớn là tham gia cuộc đàm phán ở Paris. Trải qua hơn bốn năm đàm phán, bà đã hoàn thành nhiệm vụ là một trong bốn người ký vào Hiệp định Paris.
“Hiệp định Paris là một thắng lợi mang tính quyết định đưa đến giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, là kết quả của gần 20 năm chiến tranh ác liệt, chiến đấu gian khổ của cả dân tộc. Nhân Lễ kỷ niệm này, tôi xin tri ân các chiến sĩ, đồng bào, đã hy sinh vì sự nghiệp thống nhất đất nước”. – Nguyên Phó Chủ tịch nước chia sẻ.
Theo bà Nguyễn Thị Bình, Hiệp định Paris là thắng lợi của ngành ngoại giao Việt Nam, cũng là thắng lợi về mặt quân sự và chính trị đồng thời là thắng lợi của phong trào yêu hòa bình và tiến bộ của thế giới.
“Đó là kết quả của sự đoàn kết, ủng hộ mạnh mẽ của thế giới, đem lại sức mạnh cho Việt Nam trên chiến trường cũng như tại bàn đàm phán. Tôi xin thay mặt cho nhân dân Việt Nam gửi đến đại biểu đại diện phong trào thế giới ủng hộ Việt Nam lời cảm ơn chân thành”, bà Nguyễn Thị Bình nói.
Nguyên Trưởng phái đoàn Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam nhấn mạnh, yếu tố quyết định dẫn tới thắng lợi của Hiệp định Paris là sự lãnh đạo tài tình của Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước. Bà bày tỏ sự tin tưởng rằng với sự lãnh đạo sáng suốt, truyền thống chiến đấu của dân tộc, Việt Nam sẽ phát triển mạnh và bền vững.
Thắng lợi lớn của ngoại giao Cách mạng Việt Nam
Nhà báo Hà Đăng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, thành viên đoàn đàm phán Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tại lễ kỷ niệm cho biết, việc Hoa Kỳ đặt bút ký Hiệp định Paris đã đặt ngang vị trí Bộ trưởng Ngoại giao của bà Nguyễn Thị Bình với Ngoại trưởng Hoa Kỳ William P.Roger, lúc đó là sự công nhận của Hoa Kỳ với Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam.
Ông Hà Đăng nhấn mạnh, việc ký Hiệp định Paris là thắng lợi lớn của ngoại giao cách mạng Việt Nam. Lễ kỷ niệm được tổ chức hôm nay cũng là sự vinh danh xứng đáng những đóng góp to lớn của ngành ngoại giao, “tuy hai là một, tuy một là hai” theo tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, dù là đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa hay đoàn Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam đối với đất nước.
Phát biểu tại lễ kỷ niệm, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã chỉ ra những bài học quý báu về đối ngoại. Ông khẳng định, quá trình đàm phán, ký kết và thực thi Hiệp định Paris là một pho sách vô cùng quý báu về trường phái đối ngoại và ngoại giao Việt Nam với nhiều bài học mãi mãi còn nguyên giá trị, trong đó có những bài học đã trở thành triết lý, quan điểm xuyên suốt đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta trong công cuộc đổi mới, phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc ngày nay.
Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn cho biết thêm, ngoài những bài học nổi bật nói trên, còn nhiều bài học phong phú từ Hội nghị Paris, nhất là các bài học về phong cách, phương pháp và nghệ thuật ngoại giao, cần tiếp tục nghiên cứu, đánh giá và tổng kết để truyền lại cho các thế hệ ngày nay và mai sau./.
Thái An/VOV.VN