Quy hoạch tổng thể quốc gia có khắc phục được chồng chéo, lãng phí?

Quy hoạch tổng thể quốc gia có vai trò vô cùng quan trọng là cơ sở để lập các quy hoạch khác và là căn cứ xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội lâu dài. Vì vậy, cần có sự tính toán kỹ lưỡng, khoa học và thận trọng, sự rà soát khách quan để tránh ôm đồm, dàn trải, thiếu sót.

 

Quy hoạch có khắc phục được chồng chéo?

Có lẽ cụm từ “quy hoạch treo”, “dự án treo” không còn xa lạ với người dân Việt Nam. Theo Ủy ban Tài chính, Ngân sách Quốc hội, từ 2016 - 2021, 3.085 dự án sử dụng vốn nhà nước có thất thoát lãng phí, 74.378,7ha đất sử dụng sai mục đích, bỏ hoang hóa, vi phạm pháp luật. Trong đó quy hoạch treo, dự án treo còn khá phổ biến. Chỉ tính riêng 7/15 địa phương Đoàn giám sát làm việc đã có 1.739 công trình, dự án được UBND cấp tỉnh phê duyệt, nhưng không triển khai phải hủy bỏ, với tổng diện tích 12.015 ha. Đây là những con số khiến nhiều người không khỏi giật mình khi đất nước còn khó khăn, một bộ phận người dân còn nghèo khó.

Thời gian qua, các ngành, lĩnh vực, địa phương đã tiến hành xây dựng quy hoạch, nhưng nhìn chung các quy hoạch này chưa có sự thống nhất, bao quát, thống nhất trên tất cả các lĩnh vực từ kinh tế, xã hội, văn hóa, môi trường… Trong khi đó, quy hoạch mỗi vùng, miền, địa phương, ngành, lĩnh vực lại có những đặc thù riêng. Vì vậy, việc thực hiện các quy hoạch còn rời rạc, dẫn tới một số quy hoạch ảnh hưởng, tác động và gây hệ lụy đến sự phát triển kinh tế, xã hội. Trước tình trạng này, Đảng và Chính phủ đã quyết tâm xây dựng Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo các đại biểu quốc hội, Quy hoạch tổng thể quốc gia có vai trò vô cùng quan trọng và đây là cơ sở để lập các quy hoạch khác và là căn cứ xây dựng, triển khai các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội cả trước mắt và lâu dài nên rất cần có sự tính toán kỹ lưỡng, khoa học và thận trọng, sự rà soát khách quan để tránh ôm đồm, dàn trải và thiếu sót. Song, nhiều đại biểu cũng lo ngại và đặt câu hỏi, liệu Quy hoạch tổng thể quốc gia có khắc phục được tình trạng chồng chéo, lãng phí không?

Thảo luận tại tổ về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, đại biểu Trần Thị Vân, tỉnh Bắc Ninh cho rằng, đối với các quy hoạch cấp thấp hơn, như quy hoạch tỉnh đã được phê duyệt trước đó sẽ phải điều chỉnh để phù hợp với quy hoạch vùng, quốc gia được phê duyệt sau. Đại biểu Trần Thị Vân lo ngại, điều này sẽ làm mất rất nhiều thời gian. Không những thế, khi điều chỉnh quy hoạch sẽ phá vỡ, dịch chuyển các quy hoạch khác khi tích hợp.

Còn đại biểu Tạ Văn Hạ tỉnh Quảng Nam đặt câu hỏi, liệu Quy hoạch tổng thể quốc gia có khắc phục được tình trạng chồng chéo không? Đại biểu Tạ Văn Hạ đã đưa ra dẫn chứng về việc quy hoạch một dòng sông: “Chúng ta đã từng có chuyện một dòng sông thì quy hoạch thủy điện, tích nước lại để phát điện, nhưng rồi quy hoạch thủy lợi cũng dòng sông đó thì hạ lưu cần phải xả nước để phục vụ tưới tiêu, rồi đến quy hoạch môi trường, v.v… Vấn đề cùng một dòng sông mà đã có 3 quy hoạch như vậy thì tích hợp như thế nào để tránh chồng chéo? Chúng ta kết nối như thế nào giữa quy hoạch của Việt Nam, phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam kết nối như thế nào với các nước khu vực và thế giới?”, đại biểu nêu câu hỏi.

 Không quy hoạch xa rời thực tiễn

Đây là lần đầu tiên chúng ta thực hiện xây dựng Quy hoạch tổng thể quốc gia. Quy hoạch là nền móng cho sự phát triển lâu dài của đất nước một cách bài bản và có căn cứ khoa học. Theo các đại biểu quốc hội, Quy hoạch tổng thể quốc gia cần tích hợp được các quy hoạch đã được xây dựng nhưng không phải là cộng dồn đơn thuần của các quy hoạch đó mà phải tránh được việc xảy ra các xung đột trong hệ thống quy hoạch. Quy hoạch tổng thể cần phải mang tính khái quát, bao quát cao nhưng cũng đủ cụ thể để triển khai thực hiện. Quy hoạch tổng thể phải thể hiện sự thống nhất của cả nước chứ không phải 63 nền kinh tế, thể hiện được mối liên kết giữa quy hoạch các ngành, các lĩnh vực… Quy hoạch tổng thể cũng thể hiện rõ sự phân cấp giữa trung ương và địa phương, trách nhiệm quản lý nhà nước về quy hoạch tránh phân tán, dàn trải, chồng chéo gây lãng phí. Đặc biệt, không để một số nội dung quy hoạch xa rời thực tiễn.

Theo các đại biểu, việc quy hoạch liên kết vùng cũng đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế, xã hội. Vì thế, đại biểu Trần Quốc Tuấn tỉnh Trà Vinh cho rằng, cần đề xuất chính sách phát triển liên kết vùng một cách thực chất. Trong phần nội dung đánh giá chung về hiện trạng phát triển và tổ chức không gian phát triển đất nước giai đoạn vừa qua có nêu 8 nhóm hạn chế, trong đó có nhóm hạn chế thứ nhất đó là không gian phát triển đô thị bị chia cắt theo địa giới hành chính, liên kết vùng hạn chế, một số địa phương phát triển không dựa vào lợi thế của mình. Nguyên nhân dẫn đến hạn chế này là do thiếu cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển kinh tế liên vùng. Còn tình trạng cục bộ địa phương theo đơn vị hành chính, các yếu tố thể chế liên quan như tổ chức điều phối vùng chưa có thẩm quyền đủ mạnh,… “Tôi cho rằng liên kết vùng là một trong những định hướng quan trọng được nhấn mạnh tại các nghị quyết của Bộ Chính trị trong thời gian gần đây. Đồng thời, chúng ta cũng đã xác định rõ những hạn chế, yếu kém của liên kết vùng trong thời gian vừa qua. Do vậy, tôi kiến nghị trong quy hoạch này cần phải đề cập sâu hơn về việc xây dựng các cơ chế điều phối, chính sách phát triển liên vùng để làm căn cứ cho các quy hoạch khác, đảm bảo phát triển mang tính bền vững và bao trùm”, đại biểu Trần Quốc Tuấn nói.

Đại biểu Nguyễn Quốc Luận, tỉnh Yên Bái khẳng định, thời gian qua, vấn đề liên kết vùng vẫn còn nhiều hạn chế, các công trình, dự án liên kết vùng mới tập trung ở hạ tầng, các hoạt động liên kết, hợp tác giữa các vùng về phát triển kinh tế - xã hội giữa các địa phương chưa được quan tâm. Tính liên kết giữa các địa phương trong các hoạt động phát triển trên thực tế còn khá mờ nhạt, liên kết vùng chưa phát huy hết vai trò và thế mạnh của từng địa phương trong một vùng cũng như giữa các vùng với nhau. Do vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo cần nghiên cứu bổ sung các định hướng và các nội dung lớn về liên kết vùng, cần xây dựng hệ thống cơ chế, chính sách hoàn chỉnh, đồng bộ cho liên kết vùng, có cơ chế điều phối quản trị vùng, nghiên cứu thành lập Quỹ phát triển vùng để tập trung nguồn lực triển khai đồng bộ các dự án mang tính liên tỉnh, liên vùng. Đồng thời, cần làm rõ mối quan hệ liên kết giữa các vùng với các trung tâm kinh tế của các nước trong khu vực và trên thế giới.

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Anh, tỉnh Bắc Ninh:

Các địa phương đã xây dựng quy hoạch của địa phương và trình Thủ tướng Chính phủ để chờ phê duyệt. Sẽ xử lý như thế nào đối với những nội dung đã được thông qua trước đó, nếu trái với quy hoạch quốc gia thì gần như phải làm lại. Đến lúc này chúng ta lại thông qua nữa sẽ lại một vòng quay lại, chưa kể về nội dung có sự vướng mắc, phải giải quyết nhưng tốn kém về tiền bạc thì cơ quan nào, ai phải chịu trách nhiệm?

Đại biểu Trịnh Xuân An, tỉnh Đồng Nai:

Quy hoạch tổng thể quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn năm 2050 là nhiệm vụ mới quan trọng nhưng hết sức phức tạp, chưa có tiền lệ, chưa có nhiều kinh nghiệm. Việc xác định các nội dung của quy hoạch phải được tính toán một cách khoa học, hợp lý, bảo đảm đường hướng chiến lược phải rõ, cụ thể nhưng không được mâu thuẫn, thay thế cho các nội dung đã được xác định trong các văn bản khác. Theo đó, quy hoạch tổng thể quốc gia phải là tổng hợp có chọn lọc các định hướng lớn để phát triển đất nước, không phải là bản tập hợp hay phép cộng đơn giản của các quy hoạch thành phần.

Đại biểu Trần Quang Minh, tỉnh Quảng Bình:

Quy hoạch cần quy định các nguyên tắc cơ bản làm cơ sở để quy hoạch vùng, địa phương, đồng thời làm kỷ cương trong việc tuân thủ quy hoạch một khi đã ban hành. Quy hoạch cần lấy phương châm ưu tiên phát huy những lợi thế, tiềm năng sẵn có hơn là ưu tiên xây dựng, hình thành những đoạn tuyến, hành lang mới, nhất là quy hoạch các sân bay, cảng biển cần phải thận trọng, tránh lãng phí, không hiệu quả và cần làm rõ hơn những định hướng liên kết của 6 vùng theo nghị quyết đã đề ra.

 

Bình luận

    Chưa có bình luận