Có tích luỹ và lợi nhuận mới tự chủ được
Là người phát biểu đầu tiên trong phiên thảo luận hội trường chiều nay 6/1, tại Kỳ họp bất thường lần thứ 2, đại biểu Dương Tấn Quân (đoàn BR-VT) đánh giá cơ quan soạn thảo, thẩm tra, chỉnh lý đã tiếp thu nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội, tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo lấy ý kiến chuyên gia, nhà hoa học nên dự thảo lần này khá hoàn chỉnh, có thể thông qua để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc hiện tại của ngành Y tế.
Liên quan quy định về tự chủ đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước, Điều 108 dự thảo đề xuất 2 phương án và ông đồng tình với phương án 2.
Theo đó, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tự bảo đảm chi đầu tư và chi thường xuyên được quyết định giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh nhưng không vượt quá giá tối đa theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế, trừ giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh theo yêu cầu và giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh hình thành từ hoạt động hợp tác theo hình thức đối tác công tư thực hiện theo quy định tại điểm d khoản 6 và khoản 7 Điều 110.
“Quy định như trên linh hoạt, tạo cơ chế mở cho đơn vị tự chủ tồn tại và phát triển. Giá dịch vụ theo yêu cầu nên để đơn vị tự chủ quyết định dưới sự kiểm soát của Nhà nước, còn nếu ràng buộc thì rất khó đảm bảo tự chủ và xã hội hoá lĩnh vực này” - ông Dương Tấn Quân bày tỏ.
Đề cập giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh, vị đại biểu đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết Điều 110 của dự thảo cũng thể hiện 2 phương án. Ông thiên về phương án 2, tức giá này gồm các yếu tố: Giá thành toàn bộ của dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh; Tích lũy hợp lý để tái đầu tư hoặc lợi nhuận dự kiến (nếu có) và các nghĩa vụ tài chính theo quy định của pháp luật.
“Mục tiêu hướng đến là cơ sở khám chữa bệnh của Nhà nước tự chủ toàn bộ và muốn đảm bảo được hoạt động thì phải có tích luỹ, tái đầu tư và có lợi nhuận để phát triển” – ông Dương Tấn Quân nói.
Cùng nội dung này, đại biểu Điểu Huỳnh Sang (đoàn Bình Phước) nhấn mạnh dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh là dịch vụ đặc biệt, song dự thảo chưa làm rõ nội hàm các yếu tố cấu thành giá để tính đúng, tính đủ, đảm bảo công khai, minh bạch.
Cho rằng việc tách các chi phí sẽ tạo điều kiện tính đúng, đủ, cũng như góp phần để cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nâng cao dịch vụ, tuy nhiên, bà Điểu Huỳnh Sang lưu ý quy định này làm thay đổi cách tính giá khám chữa bệnh hiện hành, phải tính lại toàn bộ, bóc tách các chi phí liên quan trang thiết bị, thuốc. “Cần rõ, cụ thể hơn, chứ cả 2 phương án như dự thảo đều khó thực hiện trên thực tế” - nữ đại biểu nói.
Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Danh Tú (đoàn Kiên Giang) băn khoăn quy định người bệnh, đại diện của người bệnh không được tiếp cận, khai thác hồ sơ bệnh án trong quá trình điều trị và chỉ được nhận bản tóm tắt hồ sơ bệnh án khi có yêu cầu bằng văn bản sau khi đã hoàn thành quá trình điều trị.
“Người bệnh cần được biết, tếp cận hồ sơ bệnh án của chính họ. Người bệnh, đại diện của người bệnh không được tiếp cận, chỉ nhận bản tóm tắt trong khi nhiều chủ thể khác như học sinh, sinh viên, nghiên cứu viên... được đọc, sao chép toàn bộ hồ sơ bệnh án là chưa phù hợp” – ông Tú nói.
Còn nhiều băn khoăn
Đại biểu Điểu Huỳnh Sang (đoàn Bình Phước) cũng cho rằng, một số nội dung được tiếp thu, chỉnh lý về cơ bản chưa đáp ứng yêu cầu khắc phục vướng mắc, bất cập hiện nay. Cac bài học từ thực tiễn, phát sinh từ thực tế ứng phó khủng hoảng cần tiếp tục nghiên cứu.
Hơn nữa, một số quy định cần liên thông với một số luật dự kiến sửa đổi thời gian tới như về đấu thầu, giá, bảo hiểm.
Việc phân cấp chuyên môn, theo bà cũng chưa rõ chức năng, phương thức, cách thức kết nối chuỗi cung ứng dịch vụ, khung năng lực từng cấp... cũng như giải quyết tình trạng quá tải của bệnh viện tuyến trên. Những vấn đề này cần được nghiên cứu làm rõ.
“Dự án luật rất quan trọng, tác động đến mọi người dân, liên quan nhiều luật và phải thể hiện được sự ưu việt của chế độ. Tuy nhiên, 8 nhóm vấn đề lớn được cơ quan thẩm tra gợi mở thảo luận bao gồm có vấn đề nằm ở 1 điều, có nội dung nằm ở 1 mục, thậm chí cả 1 chương. Điều đó cho thấy việc tiếp thu, hoàn thiện là khó khăn và nhiều băn khoăn, chưa thống nhất” - Đại biểu Lê Hoàng Anh (đoàn Gia Lai) nhấn mạnh.
Theo đại biểu, “lượng chưa đủ để chuyển thành chất” khi chỉ có hơn 1 tháng, sau kỳ họp thứ 4 để nghiên cứu, tiếp thu trình tại kỳ họp bất thường để thông qua là không đủ với nhiều vấn đề then chốt, vấn đề khó.
Ông cũng cho biết hồ sơ gửi tới đại biểu không đảm bảo thời gian theo quy định, thậm chí chỉ có vài tiếng để nghiên cứu cả nghìn trang tài liệu, như thế là không đủ. Hơn nữa, nhiều chính sách mới chưa có hồ sơ đánh giá tác động theo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Một khía cạnh nữa, theo ông Lê Hoàng Anh là chưa rõ tính thống nhất, khả thi của các văn bản quy định chi tiết. Số điều khoản giao Chính phủ tăng lên khoảng 40 điều, chiếm hơn 33% số điều luật nhưng các dự thảo nghị định đi kèm chưa cập nhật, bổ sung nên chưa rõ tính khả thi.
Luật Khám bệnh, chữa bệnh liên quan nhiều luật, nhưng hiện cũng chưa rõ tính tương thích, đồng bộ, trong đó có Luật Giá và Luật Đấu thầu sửa đổi.
Hơn nữa, theo đại biểu, một số chính sách với cơ sở khám, chữa bệnh, nhân viên y tế, người bệnh chưa phù hợp, chưa thực sự tháo tháo gỡ khó khăn trên thực tế. Đơn cử như chưa có xã hội hoá với cơ sở khám chữa bệnh công lập có liên doanh, liên kết; Các điều khoản về tài chính chưa tách khám chữa bệnh theo yêu cầu và khám chữa bệnh bình thường; quy định tự chủ, nhất là tự chủ về tài chính chưa rõ ràng... Những chính sách này nếu bổ sung, sửa đổi cũng cần có thời gian đánh giá tác động.
“Với những vấn đề nêu trên, tôi đề nghị cân nhắc việc thông qua dự án luật tại kỳ họp bất thường này” - ông Lê Hoàng Anh nêu quan điểm./.
Ngọc Thành/VOV.VN