Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh tầm nhìn của Quy hoạch tổng thể quốc gia đặt ra rất dài, chúng ta phải thay đổi nguồn nhân lực một cách căn bản, chất lượng thì mới thực hiện được các chiến lược, kịch bản tăng trưởng.
Sáng 6/1, tại Kỳ họp bất thường lần thứ 2, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự thảo Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Các ý kiến cho rằng, quy hoạch tổng thể quốc gia nếu làm tốt sẽ hình thành sa bàn, bệ phóng để phát triển nhanh hơn, tốt hơn. Tuy vậy, đại biểu cũng băn khoăn về nhiều nội dung.
Không cập nhật sẽ lạc hậu
Nêu ý kiến tại phiên thảo luận, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đánh giá, đây là vấn đề khó, với xuất phát điểm ban đầu là Luật Quy hoạch được Quốc hội thông qua vào năm 2019. Ông đánh giá Chính phủ đã chuẩn bị tờ trình đầy đủ, nhiều ý tưởng và thể hiện được tinh thần của luật quy hoạch; nhất trí với báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội.
Chủ tịch nước phân tích, tầm nhìn của quy hoạch đặt ra rất dài với 30 năm, trong một thế giới luôn biến đổi thì cần lưu ý đến yếu tố khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo trong quá trình phát triển của đất nước. Nếu chúng ta chậm, không cập nhật thì sẽ lạc hậu. Đây là vấn đề rất lớn, yếu tố quyết định cho sự phát triển cho nên phải có tầm nhìn trong định hướng của quốc gia.
Chủ tịch nước cũng cho rằng, đi liền với khoa học công nghệ thì phải đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Nếu không có nguồn nhân lực tốt thì không thể nào thực hiện được quy hoạch. Hiện nay nhiều nước trên thế giới đã có kinh nghiệm và Việt Nam cần phải đặt vấn đề này để “đi tắt đón đầu”. Chúng ta phải thay đổi nguồn nhân lực một cách căn bản, chất lượng thì mới thực hiện được các chiến lược, những kịch bản tăng trưởng.
Chủ tịch nước cũng lưu ý nước ta là một trong những nước chịu ảnh hưởng lớn của biến đổi khí hậu, do đó khi đặt vấn đề về quy hoạch tại những trục chính, những đô thị, khu vực đông dân cư phải đảm bảo an sinh xã hội cho người dân, giảm thiểu thiệt hại thiên tai, phát triển bền vững.
Liên quan đến một số mục tiêu cụ thể được đề ra trong quy hoạch, theo Chủ tịch nước, cần phải chọn phương án tăng trưởng cao (quy hoạch đưa ra 2 kịch bản tăng trưởng) vì chỉ có tăng trưởng nhanh chóng mới có thể mở rộng quy mô nền kinh tế, đạt mục tiêu đến năm 2045 trở thành nước có thu nhập cao; củng cố thế và lực của đất nước trong quá trình hội nhập quốc tế. Tuy nhiên, hiện dự thảo chưa rõ chi phí như thế nào để thực hiện các kịch bản, phát triển bền vững.
Cũng theo Chủ tịch nước, thể chế phải phù hợp để đất nước hội nhập quốc tế; thể chế mà lạc hậu, chậm trễ thì sẽ kìm hãm phát triển. Đảng ta coi đột phá trong thể chế rất quan trọng trong quá trình tổ chức, thực hiện các mục tiêu phát triển đất nước.
Trong khi đó, đại biểu Trần Hoàng Ngân (đoàn TP.HCM) nói “ta đi hơi chậm nhưng có thuận tiện là dựa vào quy hoạch “mẹ” để làm quy hoạch “con” và đánh giá hồ sơ có sự chuẩn bị công phu, nhiều nét lớn đột phá, lồng ghép được nhiều quy hoạch, đặc biệt là quy hoạch đất và biển - những không gian trước vẫn chưa rõ".
Đề cập các hành lang kinh tế, vùng kinh tế trọng điểm, chuyên gia kinh tế Trần Hoàng Ngân cho rằng, cái nào cũng quan trọng nhưng cần thứ tự ưu tiên theo giai đoạn. Ngoài ra, quy hoạch nào chưa làm ngay, chưa đền bù cho người dân phải công bố rõ để cho người dân được quyền xây dựng, sửa chữa nhà cửa…
Nhấn mạnh quy hoạch phải khả thi, ông Trần Hoàn Ngân lưu ý làm rõ nguồn lực để thực hiện quy hoạch, đừng “vẽ” như New York, Paris rồi không làm được.
“Khâu thể chế rất quan trọng. Đầu tư công hiện nay có hạn mà đầu tư còn dàn trải, không nuôi dưỡng được nguồn thu. Bây giờ phải chuyển hướng sang các vùng động lực tăng trưởng; đẩy mạnh hợp tác công tư. Nhìn lại sân cỏ Mỹ Đình, rất đau xót. Nếu có sự hợp tác, liên doanh, giao khu vực tư quản lý khai thác thì có lẽ đã khác” - ông Ngân nói.
Còn nhiều băn khoăn
Đại biểu Nguyễn Công Huân (đoàn Bình Dương) nói đây là công trình rất đồ sộ, thời gian chuẩn bị ngắn nhưng qua rất nhiều vòng góp ý nên bây giờ công trình đã được định hình. Tuy nhiên, ông cho thấy rằng, chỉ cần tiếp thu, chỉnh lý, sửa đổi những góp ý của cơ quan thẩm tra là Ủy ban Kinh tế của Quốc hội thì từ nay đến hôm bấm nút thông qua e là khó sửa được hết.
Phân tích các chỉ tiêu và số liệu liên quan đến lĩnh vực môi trường, biến đổi khí hậu, phát thải nhà kính..., đại biểu Nguyễn Công Huân nói, cần có số liệu nước biển 10 năm qua dâng bao nhiêu, nhiều kịch bản mà các tổ chức quốc tế đang xây dựng thì chúng ta đang rơi vào kịch bản nào?, nếu nhiệt độ trái đất tăng 1,5 độ C thì có nguy hiểm không, nếu không có kịch bản chính xác thì quy hoạch sẽ không có giải pháp hiệu quả.
“Nếu tiếp cận theo hướng không phê duyệt quy hoạch “mẹ” thì sẽ không có quy hoạch “con”, ảnh hưởng đến hoạt động phát triển kinh tế xã hội thì cần phải phê duyệt quy hoạch tổng thể quốc gia. Nhưng nếu ta tiếp cận theo cách bản thân Luật Quy hoạch năm 2017 có nhiều vấn đề tồn tại như giám sát của Quốc hội đã chỉ ra, mà căn cứ vào đó để lập báo cáo tổng thể thì tôi thấy khiên cưỡng, nhất là trong bối cảnh tình hình thế giới phức tạp, thay đổi hàng ngày” - ông Huân băn khoăn.
Đại biểu Nguyễn Mạnh Hùng (đoàn Cần Thơ) băn khoăn tính khả thi của mục tiêu về mức thu nhập. Khi đặt ra được mục tiêu khả thi thì mới tính toán được các bước đi, giải pháp tiếp theo; còn nếu mục tiêu không khả thi thì các bước đi sẽ gặp khó khăn.
“Tôi rất băn khoăn về mục tiêu, tầm nhìn này. Mục tiêu thu nhập bình quân đầu người tới 2050 tối đa 32.000 USD là mục tiêu khá khó khăn cho năm 2050”, ông Hùng nói.
Vị đại biểu Quốc hội này cũng cho biết cơ sở dữ liệu lập quy hoạch, hiện còn dở dang, như cơ sở dữ liệu đất đai chưa đầy đủ, nên chưa thể định hình đang có gì, sẽ làm gì; hay cơ sở dữ liệu về con người, xã hội vẫn đang phân tán, chưa thống nhất… Khi cơ sở dữ liệu thiếu thì căn cứ lập quy hoạch chưa đảm bảo tính khả thi cao.
Hiện Quy hoạch tổng thể quốc gia đang đưa ra các vùng kinh té, hành lang kinh tế, vùng động lực… nhưng lại có chồng lấn, chồng chéo trong đầu tư nguồn lực. Ai sẽ là người tổng chỉ huy, xử lý những mâu thuẫn, chồng chéo này?
Ông Nguyễn Mạnh Hùng đề nghị cần có giải trình, đánh giá rõ hơn để các vùng không cạnh tranh mà hỗ trợ nhau phát triển; bổ sung các cơ chế, chính sách cho thấy sự kết nối, liên kết giữa các vùng kinh tế, vùng động lực phát triển hay hành lang kinh tế./.
Ngọc Thành/VOV.VN