Vụ án xảy ra tại Công ty AIC là một 'điển hình' đau xót về 'lợi ích nhóm'

Vụ án xảy ra tại Công ty AIC là một minh họa điển hình cho "lợi ích nhóm", gây thiệt hại cho Nhà nước.

 

Vụ án này là một minh họa điển hình cho "lợi ích nhóm", "nhóm lợi ích". Đó là sự cấu kết, thông đồng giữa doanh nghiệp với người có thẩm quyền, vì lợi ích vật chất đã thực hiện trái quy định của pháp luật, tạo điều kiện để doanh nghiệp trục lợi, gây thiệt hại cho Nhà nước.
“Dù trốn ra nước ngoài cũng không thoát được sự trừng trị của pháp luật”

36 bị cáo đã phải nhận những mức án khác nhau, từ 30 tháng tù treo đến 30 năm tù giam trong phiên xét xử sơ thẩm vụ án xảy ra tại Công ty CP Tiến bộ Quốc tế AIC, bệnh viện Đồng Nai và các đơn vị liên quan. Trong đó, hai lãnh đạo cao cấp của tỉnh Đồng Nai là cựu Bí thư Trần Đình Thành và cựu Chủ tịch Đinh Quốc Thái đã phải nhận mức án lần lượt là 11 năm tù và 9 năm tù về tội Nhận hối lộ.

"Vụ án này là một minh họa điển hình cho "lợi ích nhóm", "nhóm lợi ích". Đó là sự cấu kết, thông đồng giữa doanh nghiệp với người có thẩm quyền, vì lợi ích vật chất đã thực hiện trái quy định của pháp luật, tạo điều kiện để doanh nghiệp trục lợi, gây thiệt hại cho Nhà nước số tiền hàng trăm tỷ đồng”. Đây là đánh giá mà Viện Kiểm sát Nhân dân (VKSND) TP Hà Nội đưa ra trong bản luận tội với 36 bị cáo.

Cựu Bí thư Đồng Nai - Trần Đình Thành và cựu Chủ tịch Đồng Nai - Đinh Quốc Thái tại phiên tòa.Ở vụ án này, tình tiết đặc biệt đã xảy ra khi có 8 bị cáo bỏ trốn, không có mặt ở tòa. Trong đó, chỉ có bị cáo Nguyễn Đăng Thuyết (Tổng giám đốc công ty Thành An Hà Nội) có bản tường trình từ Mỹ gửi về và xin chịu án theo phán quyết của tòa. Dù các bị cáo không có mặt nhưng Hội đồng xét xử (HĐXX) vẫn tiến hành xét xử, tuyên án dựa trên các lời khai, chứng cứ vật chất khác.

Các bị cáo tuy bỏ trốn, nhưng bản án đã được tuyên, có hiệu lực pháp luật. Đây cũng là cơ sở pháp lý để dẫn độ, khi phát hiện bị cáo lẩn trốn ở các nước có ký Hiệp định Tương trợ tư pháp với Việt Nam. Việc xét xử với các bị cáo bỏ trốn diễn ra đúng theo tinh thần của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nói trước đó: “Dù có trốn ra nước ngoài cũng không thoát được sự trừng trị của pháp luật.”  

Tại phần tuyên án, HĐXX nhận định: Tại thời điểm khởi tố, các bị cáo không có mặt tại nơi cư trú, nơi làm việc. Lực lượng chức năng đã yêu cầu các bị cáo ra đầu thú, niêm yết công khai trên các phương tiện truyền thông, báo chí. Tuy nhiên, các bị cáo đã không ra trình diện.

Quá trình xét xử, các bị cáo có mặt thừa nhận hành vi phạm tội như trong cáo trạng. Với 8 bị cáo vắng mặt, HĐXX căn cứ vào các lời khai của những bị cáo khác, lời khai của người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan, các tài liệu chứng cứ khác để xét xử.

Một minh họa điển hình cho “lợi ích nhóm”

Việc câu kết “lợi ích nhóm” trong vụ án này thể hiện ở chỗ: Nguyễn Thị Thanh Nhàn (cựu Chủ tịch AIC) đã tiếp xúc với cựu Bí thư Đồng Nai - Trần Đình Thành. Thông qua sự giới thiệu của ông Thành, Nhàn gặp gỡ, tiếp xúc với hàng loạt lãnh đạo cao cấp của tỉnh như: cựu Chủ tịch tỉnh Đinh Quốc Thái, cựu Giám đốc Bệnh viện Đồng Nai Phan Huy Anh Vũ, cựu Giám đốc Sở Kế hoạch và đầu tư Bồ Ngọc Thu…

Tất cả những người này đều được Nhàn đưa tiền hối lộ, người thấp nhất là 1 tỷ đồng (bị cáo Bồ Ngọc Thu) và người cao nhất là 14,8 tỷ đồng (bị cáo Phan Huy Anh Vũ). Số tiền nhận hối lộ từ Nguyễn Thị Thanh Nhàn và AIC, các bị cáo là cựu quan chức tỉnh Đồng Nai đều đã nộp đầy đủ để khắc phục hậu quả.

Sau khi đã được sự ủng hộ của các lãnh đạo của tỉnh, Nguyễn Thị Thanh Nhàn chỉ đạo nhân viên AIC thực hiện theo “quy trình 70 bước”. Trong đó có việc thông thầu, tạo “quân xanh, quân đỏ”, chi ngoài sổ sách cho lãnh đạo tỉnh… Kết quả của chuỗi hành vi này là AIC đã trúng thầu trái quy định 16 gói thầu, rồi “nâng khống” giá trị các gói thầu, gây thiệt hại cho Nhà nước tổng cộng hơn 152 tỷ đồng.

Cựu Chủ tịch AIC Nguyễn Thị Thanh Nhàn.Tại phiên tòa, các bị cáo là cựu lãnh đạo tỉnh Đồng Nai đều thừa nhận sai phạm. Không một bị cáo nào kêu oan. Thậm chí, khi các luật sư đưa ra các tình tiết lập luận để gỡ tội, đề nghị thay đổi tội danh Nhận hối lộ thì chính các bị cáo còn gạt đi.

“Căn cứ để cấu thành tội phạm của bị cáo bị truy tố như thể hiện trong cáo trạng. Những căn cứ này xác đáng, đúng người, đúng tội, đúng quy định của pháp luật. Bị cáo ngay từ đầu đã thừa nhận hành vi của mình là vi phạm. Bị cáo không có yêu cầu thay đổi về tội danh. Bị cáo vi phạm cái gì thì tòa sẽ phán quyết theo đúng sai phạm. Xin tòa tiếp tục xem xét để xét xử bị cáo về tội Nhận hối lộ”. - Cựu Bí thư Đồng Nai Trần Đình Thành khai trước tòa.

Ông Thành cũng cho rằng, nguyên nhân dẫn đến hành vi phạm tội là bởi “rất tin tưởng vào năng lực của AIC và nữ lãnh đạo”. Khi dự án thiếu vốn, ông Thành đã nhờ bà Nhàn xin vốn từ Trung ương. Khi nút thắt về vốn được tháo gỡ, ông Thành đã đứng ra kết nối và sau đó AIC trúng 16 gói thầu trái quy định của pháp luật.

Nói lời sau cùng, cựu Bí thư Đồng Nai xin lỗi cán bộ, nhân dân tỉnh Đồng Nai vì những sai phạm của mình đã tạo nên hình ảnh xấu: “Đây là bản án chung thân dành cho lương tâm bị cáo. Mất tiền là mất ít, mất danh dự là mất nhiều, nhưng mất lòng tin là mất tất cả”.

Trong khi đó, cựu Chủ tịch Đồng Nai Đinh Quốc Thái cho rằng, đã phạm tội vì “những suy nghĩ đơn giản”. Cựu Chủ tịch tỉnh Đồng Nai cúi đầu nhận lỗi trước HĐXX, xin lỗi nhân dân Đồng Nai. Ông Thái cho rằng, đây là bài học không chỉ cho bị cáo mà còn cho những người khác trong quá trình thực hiện nhiệm vụ của mình.

Các bị cáo còn lại đều bày tỏ sự ăn năn, hối hận khi phạm tội và mong muốn HĐXX cho hưởng một mức án thấp nhất, được hưởng sự khoan hồng của pháp luật. Xem xét hành vi, động cơ của các bị cáo, tòa cấp sơ thẩm cũng đã tuyên đến 6 án treo cho các bị cáo có vai trò thứ yếu. Điển hình như bị cáo Lê Lâm Đồng, Trịnh Huy Cường, Chu Văn Hiếu, Nguyễn Văn Bằng… đều được hưởng án treo và được trả tự do ngay tại tòa./.

Ngày 4/1/2023, Hội đồng xét xử TAND TP Hà Nội tuyên phạt bị cáo Nguyễn Thị Thanh Nhàn (cựu Chủ tịch Công ty AIC) 14 năm tù về tội "Đưa hối lộ" và 16 năm tù về tội "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng", tổng hình phạt là 30 năm tù.

Cùng bị truy tố về 2 tội danh này, Trần Mạnh Hà (cựu Phó Tổng giám đốc Công ty AIC) bị tuyên phạt 25 năm tù.

Bị cáo Hoàng Thị Thúy Nga (Phó Tổng giám đốc Công ty AIC) nhận mức án 12 năm tù về tội "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng".

Cựu Bí thư Đồng Nai Trần Đình Thành lĩnh 11 năm tù về tội "Nhận hối lộ". Cùng tội danh, cựu Chủ tịch tỉnh Đồng Nai Đinh Quốc Thái bị tuyên phạt 9 năm tù.

Phan Huy Anh Vũ (cựu Giám đốc Bệnh viện Đồng Nai) nhận 9 năm tù về tội "Nhận hối lộ", 10 năm tù về tội "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng", tổng mức hình phạt là 19 năm tù.

Bồ Ngọc Thu (cựu Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Đồng Nai) bị tuyên 3 năm 6 tháng tù về tội "Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ".

Các bị cáo còn lại lĩnh các mức án từ 30 tháng tù treo đến 6 năm 6 tháng tù giam.

Trọng Phú/VOV.VN

 

Bình luận

    Chưa có bình luận