Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh điều này khi tới dự và phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị trực tuyến của Chính phủ với các địa phương tổng kết công tác năm 2022 và triển khai Kết luận của Trung ương, Nghị quyết của Quốc hội khoá XV về kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2023, sáng 3/1.
Đây là năm thứ 6 liên tiếp Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tới dự hội nghị này. Được tổ chức thường niên vào dịp đầu năm mới, hội nghị bàn về những cơ hội, thách thức và sẽ đưa ra những quyết sách quan trọng để đưa đất nước vững bước vào thời kỳ phát triển mới.
Bày tỏ vui mừng tới dự hội nghị trong không khí vui tươi phấn khởi của những ngày đầu năm mới 2023 và chuẩn bị đón Xuân Quý Mão, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đánh giá năm 2022 Chính phủ đã nỗ lực phấn đấu đạt nhiều thành tích và tiến bộ hơn năm 2021 đúng như mong muốn của Tổng Bí thư trong bài phát biểu chỉ đạo tại hội nghị năm ngoái.
Nổi bật là kinh tế nước ta vẫn tiếp tục tăng trưởng nhanh, đạt 8,02%, cao hơn nhiều so với kế hoạch 6 - 6,5%, mức cao so với các nước trong khu vực và trên thế giới. Thu ngân sách nhà nước tăng 14% so với năm 2021; tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng 11,5% so với năm trước; trong đó vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài được giải ngân đạt hơn 22 tỉ USD, tăng 13,5%. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt mức kỷ lục 732 tỉ đô la Mỹ (USD), tăng 10% so với năm 2021; tiếp tục duy trì xuất siêu năm thứ 8 liên tiếp với kim ngạch khoảng 11 tỉ USD.
Kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định; chỉ số giá tiêu dùng được kiểm soát ở mức 3,15% so với cùng kỳ; các cân đối lớn của nền kinh tế nhìn chung được bảo đảm; thị trường tài chính - tiền tệ vẫn cơ bản ổn định. Đáng chú ý, nhiều vấn đề tồn đọng kéo dài, nhất là việc xử lý các ngân hàng thương mại yếu kém, những doanh nghiệp, dự án chậm tiến độ, kém hiệu quả được tập trung tháo gỡ, xử lý, bước đầu đạt được kết quả tích cực.
Đặc biệt, Chính phủ và Ban Kinh tế Trung ương đã chủ động, tích cực chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tổng kết lý luận và thực tiễn, xây dựng trình Bộ Chính trị xem xét, ban hành các nghị quyết mới về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh ở toàn bộ 6 Vùng kinh tế - xã hội của cả nước, với tinh thần "Tiền hô hậu ủng", "Nhất hô bá ứng", "Trên dưới đồng lòng", "Dọc ngang thông suốt" sẽ góp phần tích cực thực hiện thắng lợi đường lối đổi mới của Đại hội lần thứ XIII của Đảng về phát triển vùng - một vấn đề có ý nghĩa chiến lược, rất quan trọng cả về lý luận và thực tiễn trong việc phát triển nhanh, bền vững các vùng nói riêng và cả nước nói chung.
Tuy nhiên, theo Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, chúng ta tuyệt nhiên không chủ quan, thoả mãn, say sưa với những kết quả, thành tích đã đạt được, bởi đất nước vẫn đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức lớn. Để tiếp tục phát huy những kết quả, thành tích đã đạt được, khắc phục những hạn chế, yếu kém còn tồn tại, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đề nghị, hội nghị cần nhìn thẳng vào sự thật, tập trung phân tích thấu đáo, khách quan và rút ra một số bài học kinh nghiệm, trong đó cần tiếp tục kế thừa, phát huy 3 bài học đã rút ra được tại các hội nghị trước đó.
Đó là kế thừa, phát huy những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử qua hơn 35 năm đổi mới và những kết quả toàn diện đạt được từ đầu nhiệm kỳ đến nay. Tăng cường sự đoàn kết, thống nhất, nỗ lực phấn đấu, chung sức, đồng lòng của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta.
Cả hệ thống chính trị, bao gồm các cơ quan lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể kiên quyết, kiên trì đổi mới sáng tạo, phối hợp, kết hợp nhịp nhàng, đồng bộ, bài bản hơn nữa trong việc lãnh đạo, chỉ đạo quán triệt, tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII, tạo ra những chuyển biến tích cực trong việc phát huy đầy đủ vai trò lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, quyền làm chủ của Nhân dân; giải quyết kịp thời, đúng đắn, sát hợp và có hiệu quả các vấn đề thực tiễn đặt ra, nhất là các vấn đề quan trọng, nhạy cảm, bức xúc xã hội.
Tranh thủ được sự đồng thuận, đồng tình, ủng hộ, cổ vũ, động viên, góp ý kịp thời của cán bộ, đảng viên, các lão thành, các tầng lớp nhân dân, các cơ quan thông tin, báo chí,... tạo nên sức mạnh tổng hợp, đồng tâm nhất trí của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội".
Nhấn mạnh, năm 2023 là năm thứ 3, năm bản lề, có ý nghĩa rất quan trọng trong việc thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh thêm 5 vấn đề mang tính định hướng để hội nghị cùng suy nghĩ, trao đổi. Trong đó Chính phủ cần chú trọng củng cố, tăng cường nền tảng kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, nâng cao năng lực nội tại và tính tự chủ của nền kinh tế trên cơ sở lành mạnh hoá, giữ vững sự phát triển ổn định, an toàn của hệ thống các tổ chức tín dụng, thị trường tiền tệ, thị trường bất động sản, thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp.
Tập trung ưu tiên cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; giải quyết có hiệu quả những khó khăn, hạn chế, yếu kém, cả trước mắt lẫn lâu dài, của nền kinh tế để giữ vững đà phục hồi, tăng trưởng nhanh và bền vững, thực chất hơn; tạo chuyển biến mạnh hơn trong việc thực hiện các đột phá chiến lược, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng yêu cầu tiếp tục củng cố, tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh; giữ vững ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội; nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế. Chủ động phòng ngừa, đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu chống phá của các thế lực thù địch, phản động; tuyệt đối không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống.
Thực hiện đồng bộ các giải pháp bảo đảm an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội; tích cực đấu tranh phòng, chống các loại tội phạm và tệ nạn xã hội; thực hiện các giải pháp bảo đảm an ninh mạng, an toàn giao thông, phòng, chống cháy, nổ.
Đặc biệt, đẩy mạnh và làm tốt hơn nữa công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị, đặc biệt là hệ thống các cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp từ Trung ương đến địa phương. Xây dựng Chính phủ, chính quyền các địa phương thật sự trong sạch, liêm chính, vững mạnh, hoạt động hiệu lực, hiệu quả./.
Văn Hiếu/VOV