Tới dự lễ kỷ niệm có ông Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư; các Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động; các nhân chứng lịch sử...
Trình bày diễn văn tại lễ kỷ niệm Bí thư Thành uỷ Hà Nội Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh, Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”, là một trong những chiến công oanh liệt nhất, là bản hùng ca vĩ đại trong thế kỷ 20 - biểu tượng chiến thắng của bản lĩnh, trí tuệ và chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam; là chiến thắng có ý nghĩa lịch sử và thời đại sâu sắc, góp phần rất quan trọng đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta đi đến thắng lợi hoàn toàn.
Ôn lại sự kiện hào hùng 12 ngày đêm chiến đấu anh dũng của nhân dân Thủ đô, ông Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh, dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Trung ương Đảng, của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Quân uỷ Trung ương, Quân chủng Phòng không - Không quân đã chủ động xây dựng kế hoạch tác chiến đánh trả cuộc tập kích bằng B.52 của Mỹ.
Trong 12 ngày đêm chiến đấu anh dũng, quân và dân Thủ đô Hà Nội, thành phố Hải Phòng nòng cốt là Quân chủng Phòng không - Không quân Quân đội nhân dân Việt Nam đã đánh bại hoàn toàn cuộc tập kích chiến lược đường không quy mô lớn chưa từng có, bắn rơi 81 máy bay các loại, trong đó có 34 chiếc B.52, tiêu diệt và bắt sống hàng trăm giặc lái Mỹ. Lần đầu tiên trong lịch sử chiến tranh, “siêu pháo đài bay B.52” thảm bại. Chiến thắng đã làm nức lòng đồng bào, chiến sỹ cả nước và nhân loại tiến bộ, được thế giới biết đến với tên gọi, “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”. Sau thất bại này, nhà cầm quyền Mỹ buộc phải tuyên bố ngừng ném bom và chấp nhận quay trở lại bàn đàm phán Hiệp định Paris “Chấm dứt chiến tranh, lập lại hoà bình ở Việt Nam”. Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” càng khẳng định chân lý bất hủ mang giá trị thời đại sâu sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”.
Trong 12 ngày đêm tháng 12 năm 1972, đế quốc Mỹ đã sử dụng 663 lượt máy bay B.52 và 3.920 lượt máy bay chiến thuật, ném hơn 100.000 tấn bom, đạn xuống Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố, thị xã miền Bắc nước ta. Riêng ở Hà Nội, không lực Mỹ sử dụng 441 lượt máy bay B.52 cùng nhiều máy bay chiến thuật, trút hàng ngàn tấn bom xuống các khu phố, sân bay, nhà ga, bệnh viện, trường học...; huỷ diệt nhiều phố xá, làng mạc; phá sập 5.480 ngôi nhà, trong đó có gần 100 nhà máy, xí nghiệp, trường học, bệnh viện, nhà ga; giết chết 2.368 dân thường, làm bị thương 1.355 người, hủy diệt phố Khâm Thiên - khu vực có mật độ dân số đông nhất Hà Nội vào thời điểm đó.
“Khép lại quá khứ, hướng tới tương lai”
Ông Đinh Tiến Dũng khẳng định, với Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” đi vào lịch sử, Hà Nội đã tiếp nối truyền thống anh hùng, tô đậm thêm hào khí của Thăng Long - Đông Đô, tỏa sáng những giá trị văn minh, văn hiến của cả dân tộc. Trong những ngày chiến đấu ác liệt đó, cả nước với tình yêu thương và trách nhiệm hướng về Thủ đô, bảo vệ Thủ đô - trái tim của cả nước.
Kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, thực hiện đường lối đổi mới do Đảng khởi xướng và lãnh đạo, hơn 35 năm qua, đất nước ta đã đạt được những thành tựu rất đáng tự hào như lời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã phát biểu và Đại hội 13 của Đảng đã khẳng định: "Với tất cả sự khiêm tốn, chúng ta vẫn có thể nói rằng: Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay".
Theo Bí thư Thành uỷ Hà Nội, những năm qua, mặc dù gặp nhiều khó khăn Việt Nam vẫn có tốc độ tăng trưởng GDP cao nhất khu vực Đông Nam Á và nằm trong số ít các quốc gia đạt mức tăng trưởng cao trên thế giới. Tính đến năm 2022, quy mô nền kinh tế nước ta ước đạt gần 400 tỷ USD; thu nhập bình quân đầu người đạt hơn 4.000 USD; quy mô thương mại khoảng 750 tỷ USD, thuộc nhóm 20 nền kinh tế hàng đầu về thương mại quốc tế; xuất khẩu gạo và nhiều mặt hàng nông, lâm nghiệp đứng hàng đầu thế giới,... Việt Nam hiện có quan hệ ngoại giao với 190 trong tổng số 193 quốc gia thành viên Liên Hiệp quốc; là thành viên tích cực và có trách nhiệm của nhiều tổ chức quốc tế.
Thủ đô Hà Nội là trái tim của cả nước có vị trí đặc biệt quan trọng, là “... trung tâm đầu não chính trị - hành chính quốc gia, trái tim của cả nước; trung tâm lớn về kinh tế, văn hoá, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ…”, đạt được nhiều thành tựu to lớn, trong đó: Kinh tế phát triển theo hướng bền vững, tăng trưởng liên tục với tốc độ khá cao, bình quân giai đoạn 2011 – 2020, tổng sản phẩm trên địa bàn tăng 6,83%/năm, gấp 1,15 lần mức tăng chung của cả nước; (GRDP/người) năm 2020 đạt 5.325 USD (gấp 2,3 lần năm 2010); riêng năm 2022, GRDP tăng gần 8,9%, (GRDP/người) đạt gần 6.100 USD.
Hà Nội hiện là một trong những trung tâm thương mại, tài chính - tiền tệ của cả nước; sự nghiệp phát triển văn hoá, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ Nhân dân, công tác bảo đảm an sinh xã hội đạt nhiều kết quả tích cực; chất lượng cuộc sống của người dân không ngừng được nâng lên; diện mạo Thủ đô có nhiều đổi thay, văn minh, hiện đại hơn. Chính trị, xã hội ổn định, quốc phòng, an ninh tiếp tục được giữ vững; quan hệ đối ngoại, hội nhập quốc tế được mở rộng; vai trò, vị thế, uy tín của Thủ đô ngày càng được nâng cao...
Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị, năng lực, phương thức lãnh đạo, sức chiến đấu của cấp uỷ, tổ chức đảng các cấp, chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên có chuyển biến tích cực; sự chỉ đạo, điều hành của chính quyền, hoạt động của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội tiếp tục được đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động,...
Cùng với cả nước, Hà Nội bước vào năm 2023 - năm có ý nghĩa quan trọng, “năm bản lề” tạo nền tảng thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ 13 của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ 17 và các mục tiêu của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2025, trong bối cảnh tình hình quốc tế và trong nước có những thuận lợi, cơ hội và khó khăn, thách thức đan xen.
Với phương châm: “Đoàn kết - Dân chủ - Kỷ cương - Sáng tạo - Phát triển”, Đảng bộ Thành phố xác định quyết tâm chính trị cao trong xây dựng, phát triển Thủ đô giai đoạn 2020 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045; với mục tiêu tổng quát: Đến năm 2030, Thủ đô Hà Nội là Thành phố “Văn hiến – Văn Minh - Hiện đại”; trở thành trung tâm, động lực thúc đẩy phát triển vùng đồng bằng Sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước; hội nhập quốc tế sâu rộng, có sức cạnh tranh cao với khu vực và thế giới, phấn đấu phát triển ngang tầm thủ đô các nước phát triển trong khu vực. Đến năm 2045, Thủ đô Hà Nội là thành phố kết nối toàn cầu, có mức sống và chất lượng cuộc sống cao, với GRDP/người đạt trên 36.000 USD; kinh tế, văn hoá, xã hội phát triển toàn diện, đặc sắc và hài hoà; tiêu biểu cho cả nước; có trình độ phát triển ngang tầm thủ đô các nước phát triển trong khu vực và trên thế giới./.
Đ.Hưng/VOV.VN