Tình nghĩa Việt- Lào: 'Hợp tác toàn diện vì tương lai tươi sáng'

Kế thừa truyền thống đã được gây dựng 60 năm qua, đã có nhiều mô hình, nhiều cách làm hay, thắt chặt thêm tình đoàn kết Việt - Lào.

 

Quan hệ gắn kết Việt Nam - Lào đã được hình thành và hun đúc trong lịch sử. Sau ngày sạch bóng quân thù, Việt Nam và Lào “sánh bước” bên nhau, tiến lên xây dựng xã hội chủ nghĩa. Từ đó, hợp tác toàn diện giữa hai nước giành được những thành tựu to lớn, không ngừng phát triển toàn diện, sâu - rộng trên nhiều lĩnh vực. Tiếp tục loạt phóng sự “Tình nghĩa Việt - Lào, vững bền hơn núi hơn sông”, chương trình hôm nay phát sóng bài 2 có nhan đề “Hợp tác toàn diện vì tương lai tươi sáng”.

Từ sáng sớm, dọc tuyến đường vào Cảng Quốc tế Lào - Việt, khu Kinh tế Vũng Áng, thị xã Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh, đoàn dài xe tải biển số Lào xếp hàng chờ làm thủ tục hải quan. Trên cầu cảng, hàng trăm công nhân đang tập trung làm việc, bốc xếp hàng hóa, để những con tàu rời bến đúng hẹn.

Đứng chân tại một trong ba đầu mối giao thương biển Quốc tế của Việt Nam, Cảng Quốc tế Lào - Việt đã trở thành cầu nối của tình hữu nghị giữa hai nước tại tỉnh Hà Tĩnh. Nơi đây, chính quyền Việt Nam đã tạo điều kiện để Lào sử dụng cầu cảng Vũng Áng số 1, số 2, và cầu cảng số 3 đang được thi công.

Kết quả chuyển tải hàng hóa qua cảng Vũng Áng trong những năm qua đã góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế đối với khu vực bắc Trung bộ Việt Nam, đồng thời thúc đẩy kinh tế Lào tăng trưởng, “rộng đường” ra biển lớn. Điều đó được khẳng định qua những chia sẻ của ông Nguyễn Trinh Cường, Phó Giám đốc Công ty cổ phần Cảng Quốc tế Lào Việt.

Ông Nguyễn Trinh Cường cho rằng, nếu không quá cảnh sang Vũng Áng thông thường hàng hóa của Lào muốn xuất khẩu sang nước thứ 3 sẽ phải đi qua Thái Lan. Khoảng cách từ Lào sang Thái Lan so với về đây sẽ xa hơn khoảng 400 km. Trong những năm gần đây, công ty đã có chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện cho khách hàng có hàng hóa từ Lào quá cảnh sang Việt Nam để xuất đi nước thứ ba, ưu tiên các kho, bến bãi cho khách hàng đó.

Trên cơ sở tinh thần hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện, Chính phủ hai nước Việt Nam và Lào đã tạo mọi điều kiện thuận lợi để thúc đẩy hợp tác kinh tế theo hướng bài bản hơn. Trong số nhiều dự án đầu tư có hiệu quả, đóng góp tích cực vào công cuộc phát triển kinh tế hai nước, Unitel là một biểu tượng thành công mẫu mực.

Là đơn vị liên doanh giữa Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội Viettel (Việt Nam) và Lao Asia Telecom, Unitel được thành lập năm 2008. Hành trình 14 năm của doanh nghiệp này ghi dấu thành tựu ấn tượng: Từ vị trí nhà mạng nhỏ nhất trở thành doanh nghiệp viễn thông đứng đầu ở Lào với thị phần lên tới 57%. Bên cạnh đó, Unitel không ngừng đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội Lào khi tạo việc làm cho 27.000 lao động, là công ty đứng thứ 2 tại Lào về đóng góp thuế và ngân sách.

Ông Nguyễn Ngọc Long, Phó Tổng Giám đốc Unitel cho biết, người Việt Nam, người Lào làm việc trong công ty rất hòa đồng vui vẻ và coi nhau như anh em một nhà. Sự hỗ trợ của đất nước Lào rất lớn. Chúng tôi rất thuận lợi trong các hoạt động kinh doanh tại đất nước Lào.

Trong hợp tác thương mại, 10 tháng năm 2022, kim ngạch thương mại Việt Nam - Lào đạt 1,4 tỷ USD, tăng 28% so với cùng kỳ năm ngoái và kỳ vọng sẽ đạt 2 tỷ USD trong năm nay. Việt Nam tiếp tục giữ vị trí là một trong ba nhà đầu tư lớn nhất tại Lào. Theo ông Viêng Sạ Vặn Vị Lay Phon, Phó chủ tịch Ủy thường trực Ủy ban Hợp tác Lào - Việt, mặc dù chịu ảnh hưởng không nhỏ của đại dịch Covid - 19, song hợp tác kinh tế hai bên không ngừng “đơm hoa, kết trái”, thể hiện rõ qua một số lĩnh vực nổi bật.

“Phần lớn doanh nghiệp Việt Nam đầu tư kinh doanh tại Lào có hiệu quả, góp phần vào việc phát triển kinh tế - xã hội. Việc đầu tư của Việt Nam tính tới thời điểm hiện tại có tổng 417 dự án, với tổng giá trị đầu tư là 4,3 tỷ USD. Đặc biệt, trong năm 2022 này, đã phê duyệt 3 dự án mới và 3 dự án điều chỉnh vốn điều lệ với giá trị 65,92 triệu USD, tăng 2,5 lần so với giai đoạn cùng kỳ của năm 2021" - ông Viêng Sạ Vặn Vị Lay Phon nói.

Cảng quốc tế Lào - Việt.Bên cạnh thúc đẩy thương mại, đầu tư hai chiều, hợp tác trong lĩnh vực giáo dục cũng là điểm sáng quan trọng trong việc xây dựng mối quan hệ hữu nghị đặc biệt giữa Việt Nam và Lào. Hiện có khoảng 14.000 lưu học sinh Lào đang học tập tại Việt Nam. Chính phủ Lào đã đào tạo gần 5000 cán bộ, sinh viên Việt Nam trong mấy thập kỷ qua. Đây là những con số “biết nói” thể hiện sự nỗ lực, quyết tâm và có ý nghĩa quan trọng trong hợp tác lĩnh vực giáo dục giữa hai nước.

Tại Đại học Vinh, tỉnh Nghệ An, cái nôi có bề dày truyền thống về đào tạo sinh viên Lào, những hoạt động giao lưu văn hóa thắm tình hữu nghị thường xuyên diễn ra. Nơi đây đã trở thành mái nhà chung để sinh viên Việt - Lào cùng nhau học tập, chia sẻ, tháo gỡ khó khăn, trao đổi các vấn đề trong cuộc sống. Dưới mái trường này, các Câu lạc bộ hoa Chăm-pa, Câu lạc bộ tiếng Việt được thành lập đã tạo sân chơi giao lưu văn hóa ý nghĩa, hỗ trợ tích cực cho lưu học sinh Lào trong quá trình học tập tại nhà trường.

Anh Sỉ Von Rư Va Bùn Thạ Vy, nghiên cứu sinh của trường Đại học Vinh chia sẻ: “13 năm học tập dưới mái ấm trường Đại học Vinh, cá nhân tôi nói riêng luôn nhận được sự giúp đỡ từ phía nhà trường, sự giúp đỡ chí tình của các bạn sinh viên Việt Nam trường Đại học Vinh, nhất là các Câu lạc bộ”.

Kế thừa truyền thống hữu nghị tốt đẹp đã được gây dựng 60 năm qua, đã có nhiều mô hình, nhiều cách làm hay, thắt chặt thêm tình đoàn kết và hợp tác cùng nhau phát triển, điển hình như mô hình kết nghĩa bản - bản giữa 10 tỉnh của Lào có chung đường biên giới với 10 tỉnh của Việt Nam. Phong trào kết nghĩa còn lan tỏa rộng khắp giữa các tỉnh, thành phố không có chung đường biên giới. Hoạt động này đã góp phần thúc đẩy hợp tác trên các lĩnh vực: Kinh tế, thương mại, đầu tư, du lịch, văn hóa, giáo dục, y tế, quốc phòng.

Hai bên thường xuyên phối hợp tốt hoạt động tuyên truyền cho cán bộ, nhân dân về truyền thống đoàn kết, hữu nghị đặc biệt Việt Nam - Lào, cùng thực hiện tốt Hiệp định quy chế biên giới quốc gia, thống nhất nhiều chủ trương, biện pháp nhằm đập tan âm mưu phá hoại của các thế lực thù địch, góp phần giữ vững an ninh chính trị, môi trường hòa bình, hữu nghị, ổn định, hợp tác và phát triển bền vững.

Ông Phạm Ngọc Cảnh, Phó Trưởng ban Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Nghệ An cho rằng, từ việc kết nghĩa đó người dân của hai nước hiểu nhau hơn, cùng nhau vì mục đích chung là tình hữu nghị của hai nước. Trước COVID-19, Nghệ An tổ chức các đội tình nguyện là tham gia ở các nước bạn Lào như dạy tiếng Việt, khám, chữa bệnh và có một số mô hình phát triển kinh tế. Từ thực tiễn đấy thì chắc chắn rằng thì tình cảm với các nhân dân hai nước gắn chặt hơn và cùng trách nhiệm với nhau trong sự phát triển".

Mỗi bước tiến của hai dân tộc hôm nay đều ghi nhận sự đóng góp tích cực của hai bên, làm cho quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào ngày càng keo sơn bền chặt. Đúng như lời cầu, lời chúc tại các buổi lễ buộc chỉ cổ tay trong các dịp kết nghĩa Việt - Lào:

“Đã thương nhau rồi, nay buộc chỉ cổ tay

Chỉ buộc chặt, se mối tình Lào - Việt

Sợi chỉ này thay cho lời cầu chúc

Cầu bình an, cầu hạnh phúc... ai noọng ơi”./.

Nhóm PV/VOV1-VOV5

 

Bình luận

    Chưa có bình luận