Quốc hội xem xét nhiều nội dung cấp bách
Báo cáo về việc chuẩn bị kỳ họp bất thường lần thứ 2, Quốc hội khóa XV (dự kiến diễn ra từ 5-9/1/2023) tại phiên họp 18 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, sáng 21/12, Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, 5 nội dung sẽ được trình Quốc hội.
Trong đó, Quốc hội xem xét, quyết định Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; thông qua dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi); quyết định một số vấn đề về tài chính, ngân sách.
Ngoài ra, Quốc hội xem xét tổng kết, đánh giá việc thực hiện quy định tại khoản 3 Nghị quyết số 30/2021/QH15; xem xét, quyết định việc tiếp tục thực hiện một số chính sách liên quan đến công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại Nghị quyết số 30/2021/QH15 và cho phép tiếp tục sử dụng giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc hết thời hạn hiệu lực từ ngày 01/01/2023 mà chưa kịp gia hạn theo quy định của Luật Dược.
Đồng tình báo cáo của Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn cho biết, đến nay, cơ bản các Bộ, ngành đã chuẩn bị tương đối đầy đủ, kỹ lưỡng hồ sơ các nội dung tại Kỳ họp bất thường.
Về quy hoạch tổng thế quốc gia thời kỳ 2021-2030, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cho biết, Chính phủ đặc biệt quan tâm, dành nhiều thời gian thảo luận, cho ý kiến, đến giờ này, quy hoạch tổng thể quốc gia đã được chuẩn bị kỹ lưỡng.
Đối với nội dung liên quan đến Nghị quyết 30/2021/QH15 và Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), Bộ Y tế đã nghiêm túc tiếp thu đầy đủ và toàn diện ý kiến của các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Đối với một số nội dung khác, về xử lý bất cập tại các trạm BOT, Bộ Giao thông Vận tải vẫn đang tiếp tục triển khai, đôn đốc các địa phương. Để chuẩn bị kỹ lưỡng theo đúng ý kiến của lãnh đạo Quốc hội, Chính phủ rút nội dung này để trình Quốc hội tại Kỳ họp tháng 5/2023.
Cấp bách nhưng phải chuẩn bị kỹ
Cho ý kiến tại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nhấn mạnh, hai nội dung quan trọng là Quy hoạch tổng thể quốc gia và Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) cần phải bố trí thời gian thỏa đáng và hợp lý, đồng thời phải đảm bảo chất lượng.
Cũng theo ông Trần Quang Phương, trong công văn triệu tập dự họp, Tổng Thư ký Quốc hội đề nghị các đoàn ĐBQH có hình thức thích hợp để nắm tình hình nhân dân và có báo cáo để gửi Ban Dân nguyện tổng hợp và báo cáo Quốc hội, khi không tiếp xúc cử tri trước và sau kỳ họp này.
“Khi tổ chức tiếp xúc cử tri sau Kỳ họp thứ 4 thì nhân dân rất quan tâm đến Kỳ họp bất thường này dù mới chỉ có dự kiến” – ông Trần Quang Phương nói, đồng thời lưu ý các cơ quan liên quan phối hợp chặt chẽ việc tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Văn Tùng tán thành với đề xuất Quốc hội họp tập trung tại nhà Quốc hội và không tổ chức tiếp xúc cử tri trước, sau kỳ họp. Tuy nhiên, nội dung kỳ họp cần được thông tin rộng rãi để nhân dân biết, các đoàn đại biểu Quốc hội có hình thức phù hợp nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của cử tri.
Đánh giá dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) đã được tiếp thu cơ bản, nhưng ông Hoàng Thanh Tùng đề nghị cần rà soát kỹ lưỡng hơn nữa trước khi trình Quốc hội.
Kết luận, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, căn cứ vào đề xuất của Chính phủ, công tác chuẩn bị thì đã chín muồi để tổ chức kỳ họp bất thường lần 2. Thời gian cận Tết có nhiều công việc bận rộn nhưng không vì thế mà ảnh hưởng đến xem xét công việc quan trọng quốc gia.
“Kỳ họp bất thường chỉ giải quyết vấn đề cấp bách, được chuẩn bị kỹ lưỡng, đảm bảo quy trình, thủ tục theo quy định của pháp luật, tạo sự đồng thuận cao. Bất thường chỉ là tiến độ chứ không coi nhẹ chất lượng. Vấn đề cấp bách mà chưa chuẩn bị kịp thì đưa vào phiên thường kỳ, đó là nguyên tắc” – ông Vương Đình Huệ nhấn mạnh.
Chủ tịch Quốc hội cũng đồng tình phải bố trí thời gian hợp lý cho nội dung quy hoạch tổng thể quốc gia và dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi)./.
Ngọc Thành/VOV.VN