Chiều 15/12, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội xem xét báo cáo công tác dân nguyện của Quốc hội tháng 11/2022 (trong đó có công tác dân nguyện tháng 10/2022).
Trình bày báo cáo, Trưởng Ban Dân nguyện Dương Thanh Bình cho biết, cử tri và nhân dân vui mừng, phấn khởi về tình hình kinh tế - xã hội trong nước tiếp tục ổn định và phát triển, dịch bệnh được kiểm soát tốt, sản lượng một số sản phẩm thủy sản trọng điểm tăng cao; công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực lãng phí tiếp tục có nhiều chuyển biến tích cực.
Tuy vậy, cử tri và nhân dân đặc biệt lo lắng về tình trạng nhiều cây xăng dừng bán hàng, bán cầm chừng trong thời gian qua; tình trạng nhiều người lao động bị cắt việc, thôi việc khi Tết Nguyên đán đã gần kề; tình trạng rút bảo hiểm xã hội một lần của người lao động; tình trạng thiếu thuốc chữa bệnh vẫn diễn ra trên diện rộng...
Theo báo cáo của Thanh tra Chính phủ và Bộ Công an, trong tháng 10 và tháng 11 năm 2022, tình hình công dân khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh có chiều hướng tăng so với tháng 9/2022, nhất là các đoàn đông người.
Đáng lưu ý trong thời gian qua trên địa bàn cả nước còn xảy ra một số vụ việc phức tạp về an ninh, trật tự, trong số đó có nhiều vụ việc xuất phát từ tranh chấp dân sự, kinh tế liên quan đến đất đai, khai thác mặt nước giữa các cá nhân với nhau, như trường hợp sử dụng băng nhóm “xã hội đen” để giải quyết tranh chấp đất tại xã Cửa Dương, thành phố Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang.
Nguyên nhân của tình trạng trên phần lớn do công tác quản lý đất đai của chính quyền cấp cơ sở bị buông lỏng trong thời gian dài; một số cán bộ thiếu tinh thần trách nhiệm trong thực thi công vụ; người dân lợi dụng sự buông lỏng quản lý, lợi dụng kẽ hở của pháp luật tự ý bao chiếm đất công, đất rừng.
Theo ông Dương Thanh Bình, về việc này, khi thực hiện giám sát trực tiếp tại Kiên Giang, Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về chuyên đề tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo đã có ý kiến đề nghị UBND tỉnh Kiên Giang cần quan tâm chỉ đạo tăng cường công tác quản lý đất đai, xử lý nghiêm đối với trường hợp xây dựng công trình trái phép, lấn chiếm đất công, đất rừng và chỉ đạo lực lượng công an tăng cường bám sát địa bàn, thực hiện các giải pháp, biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý kịp thời trường hợp sử dụng băng nhóm “xã hội đen” để giải quyết mâu thuẫn, tranh chấp trong nhân dân nhưng chuyển biến còn chậm.
Trưởng ban Dân nguyện Quốc hội cũng cho biết, trong kỳ báo cáo tại các địa phương xảy ra 15 vụ việc vi phạm trong quản lý đất đai, trong đó có 11 vụ việc cơ quan có thẩm quyền đã xử phạt vi phạm hành chính, 4 vụ việc cơ quan tiến hành tố tụng đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, truy cứu trách nhiệm hình sự những người sai phạm.
Bên cạnh đó, xảy ra 16 vụ việc liên quan đến ô nhiễm môi trường, các cơ quan chức năng đã đình chỉ hoạt động, yêu cầu khắc phục hậu quả và ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính lên đến hàng tỉ đồng.
Từ thực tế trên, Ban Dân nguyện đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quan tâm, thực hiện và chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương có giải pháp thiết thực, hiệu quả chỉ đạo, điều hành thị trường xăng dầu, khắc phục tình trạng thiếu hụt xăng, dầu cục bộ vừa qua, tránh tái diễn tình trạng trên để người dân an tâm lao động, sản xuất.
Cùng với đó, quan tâm, đảm bảo đời sống cho người lao động trong dịp Tết Nguyên đán sắp đến; có chính sách, biện pháp phù hợp để hỗ trợ, định hướng cho các doanh nghiệp trong sản xuất, kinh doanh trong thời gian tới...
Bên cạnh đó chỉ đạo Bộ Công an tiếp tục có giải pháp mạnh mẽ, quyết liệt nhằm ngăn chặn, xử lý nghiêm đối với các trường hợp sử dụng băng nhóm “xã hội đen” để giải quyết tranh chấp, mâu thuẫn trong nhân dân, nhất là địa bàn Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang; đánh bạc qua mạng, cá độ bóng đá…/.
Ngọc Thành/VOV.VN