Viện chính sách Australia - Việt Nam là cơ quan nghiên cứu và đề xuất chính sách đầu tiên của Australia chuyên về quan hệ giữa hai nước do Đại học RMIT sáng lập. Tham dự có Giáo sư Alec Cameron, Chủ tịch kiêm Phó Hiệu trưởng Đại học RMIT.
Hòa bình, hợp tác cùng phát triển vẫn là dòng chảy chính của thời đại
Trong bài phát biểu tại đây, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chia sẻ ba vấn đề quan trọng đó là tình hình thế giới và khu vực; chính sách đối ngoại của Việt Nam, đặc biệt đối với Ấn Độ Dương và khu vực châu Á - Thái Bình Dương; về quan hệ Việt Nam - Australia và triển vọng.
Chủ tịch Quốc hội cho rằng, thế giới bước vào thập niên thứ ba của thế kỷ 21 với vô vàn biến cố khó lường. Lần đầu tiên, nhân loại trải qua một đại dịch với quy mô chưa từng có, tổn thất vượt xa mọi dự báo. Kể từ sau Chiến tranh lạnh, chưa bao giờ môi trường chính trị, kinh tế và an ninh quốc tế lại đứng trước nhiều khó khăn và thách thức như hiện nay.
Theo Chủ tịch Quốc hội, trong bối cảnh đó, bức tranh toàn cầu không chỉ có những gam màu tối mà vẫn lạc quan và hy vọng để hướng về tương lai. Dịch bệnh không làm sụp đổ mà khiến các nước mạnh mẽ và đoàn kết hơn. Các xu hướng chuyển đổi số, chuyển đối xanh, đổi mới sáng tạo đang được thúc đẩy lan tỏa một cách sâu rộng. Thế giới không có chiến tranh, nhân loại không còn đói nghèo là nguyện vọng chung, là mẫu số chung cho nỗ lực của sự hợp tác toàn cầu.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khẳng định, đại dịch COVID-19 và sự tùy thuộc lẫn nhau ngày càng gia tăng giữa các quốc gia, đã chỉ ra rằng: không nước nào dù là cường quốc giàu mạnh có thể tự mình vượt qua hết mọi khó khăn, và cũng không nước nào dù nhỏ đến mấy mà không có cơ hội để vươn lên, để phát triển. Trong nhiều trường hợp, thách thức và khó khăn lại chính là động lực cho đổi mới và phát triển.
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh: "Hòa bình, hợp tác để cùng phát triển vẫn là dòng chảy chính của thời đại chúng ta, là nguyện vọng thiết tha của mọi quốc gia trên thế giới và cũng là khát vọng cháy bỏng của mỗi người dân. Các nước đều chia sẻ nhận thức rằng, không phải chủ nghĩa dân tộc vị kỷ hay cường quyền áp đặt, mà chính chủ nghĩa đa phương, cùng hợp tác, liên kết và hội nhập phù hợp luật pháp quốc tế, mới là cách thức tốt nhất và cũng là con đường sáng để vượt qua khó khăn. Trong tình hình đó, Việt Nam mong muốn và cam kết mạnh mẽ tham gia, cùng với các nước trong đó có Australia, viết tiếp những trang sử mới tươi sáng của khu vực, đóng góp thiết thực cho hòa bình và thịnh vượng chung trên toàn thế giới."
Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế
Chia sẻ về chính sách đối ngoại của Việt Nam, nhất là đối với khu vực Ấn Độ Dương và châu Á - Thái Bình Dương, Chủ tịch Quốc hội cho biết, từ một nước có quan hệ đối ngoại hạn chế, Việt Nam đã có quan hệ ngoại giao với 189/193 quốc gia thành viên Liên hợp quốc. Có quan hệ kinh tế, thương mại với hơn 220 quốc gia, vùng lãnh thổ. Quốc hội Việt Nam cũng có quan hệ với hơn 140 nghị viện trên thế giới...
Khẳng định trong mọi chủ trương, chính sách Việt Nam luôn đặt người dân ở vị trí chủ thể, trung tâm. Vừa là mục tiêu, vừa là động lực của phát triển nhằm thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, giải quyết hài hòa các quan hệ lợi ích giữa các giai tầng trong xã hội, không ngừng nâng cao chất lượng cuộc sống và hạnh phúc của nhân dân, không để ai bị bỏ lại phía sau.
Đảng, Quốc hội, Chính phủ và nhân dân Việt Nam đang nỗ lực thực hiện hai mục tiêu 100 năm: đến năm 2030, kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng, là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập Nước: trở thành nước phát triển, thu nhập cao.
Để đạt được khát vọng cao cả đó, Việt Nam trước hết phát huy mạnh mẽ nội lực của cả dân tộc, đồng thời kiên trì thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hoà bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển.
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh: "Trong 77 năm đấu tranh giữ vững nền độc lập dân tộc và xây dựng phát triển đất nước, Việt Nam luôn kiên trì thực hiện tinh thần cao quý ấy. Với đường lối đối ngoại của Đảng được thông qua tại Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ XIII, chúng tôi tiếp tục thực hiện đa dạng hoá, đa phương hoá quan hệ, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng; Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế; tôn trọng các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế, trong đó có tôn trọng độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, bình đẳng, cùng có lợi; giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình."
Nghị viện hai nước là cầu nối quan trọng kết nối mục tiêu phát triển hai quốc gia
Một nội dung quan trọng khác được Chủ tịch Quốc hội chia sẻ đó là quan hệ Việt Nam - Australia và triển vọng của mối quan hệ đó. Trong nửa thế kỷ qua, lịch sử quan hệ hai nước tuy có lúc thăng trầm, nhưng hợp tác cùng phát triển luôn là dòng chảy chính.
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, quan hệ nghị viện giữa quốc hội Việt Nam và Australia đã có nhiều bước tiến vượt bậc, góp phần quan trọng vào sự phát triển của quan hệ song phương. Với nhiều thỏa thuận hợp tác được ký kết, hai bên thường xuyên trao đổi đoàn nghị sĩ, trao đổi kinh nghiệm trong các lĩnh vực hoạt động nghị viện, nhất là trong xây dựng thể chế và hệ thống pháp luật.
Chủ tịch Quốc hội cho rằng: "Quan hệ song phương bền chặt chỉ có thể được xây dựng trên nền tảng quan hệ sâu sắc giữa người dân hai bên. Do đó, là những người đại biểu của nhân dân, nghị viện hai nước là cầu nối quan trọng kết nối mục tiêu phát triển của hai quốc gia, và nguyện vọng tăng cường hữu nghị giữa nhân dân hai nước. Có thể nói quan hệ Việt Nam - Australia đang phát triển bền chặt hơn bao giờ hết. Sau 50 năm, các thế hệ lãnh đạo và nhân dân hai nước đã cùng nhau vượt qua một chặng đường dài để đưa quan hệ hai nước phát triển đến một tầm mức mà ở thời điểm thiết lập quan hệ ngoại giao, không một ai, dù là người lạc quan nhất, cũng có thể hình dung ra được."
Năm 2023 là Năm hữu nghị kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Australia. Đây là thời điểm để hai đảng cầm quyền, hai quốc hội, hai chính phủ và nhân dân hai nước thúc đẩy hợp tác thực chất, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, nắm bắt thời cơ và cùng nhau vượt qua mọi khó khăn, đưa quan hệ đối ngoại lên một tầm cao mới.
Để hiện thực hóa mục tiêu đó, đi đôi với các lĩnh vực hợp tác toàn diện đang được triển khai, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh 3 nội dung đó là cần tăng cường gắn kết kinh tế - thương mại coi đây là trọng tâm và động lực phát triển củas quan hệ Đối tác chiến lược giữa hai nước; làm sâu sắc hơn nữa hợp tác chiến lược, quốc phòng và an ninh; xây dựng thành công các trụ cột hợp tác chiến lược về tri thức, giáo dục, đào tạo và đổi mới sáng tạo; cùng hỗ trợ nhau thực hiện thành công quá trình chuyển đổi số và chuyển đổi xanh hướng tới phát triển bền vững.
Lạc quan về tương lai quan hệ Việt Nam - Australia trong 50 năm tới, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, hai nước đang đứng trước những cơ hội lớn lao để đưa quan hệ tiếp tục phát triển mạnh mẽ, hướng tới tầm vóc cao hơn. Như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói “dĩ bất biến, ứng vạn biến”; bày tỏ tin tưởng rằng, quan hệ bền chặt, cùng có lợi và tôn trọng lẫn nhau giữa Việt Nam và Australia sẽ tiếp tục là nhân tố “bất biến” để hai nước vượt qua và chiến thắng những“vạn biến” khó lường tại khu vực và thế giới.
Cũng tại Viện chính sách Australia - Việt Nam, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã trả lời một số câu hỏi tại diễn đàn về giải pháp nhằm thúc đẩy quan hệ hai nước trên trong một số lĩnh vực đáng chú ý.
Trả lời câu hỏi quan hệ hai nước sẽ như thế nào trong chặng đường 50 năm kế tiếp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, trong 50 năm tới, dù tình hình thế giới có diễn biến thế nào, chắc chắn mối quan hệ của hai nước sẽ ngày càng trưởng thành hơn, ngày càng gắn kết bền chặt hơn và có điều kiện để hiện thực hóa khát vọng hợp tác một cách có hiệu quả hơn trên tất cả các lĩnh vực, không chỉ về quốc phòng, an ninh, chính trị ngoại giao, kinh tế, thương mại, đầu tư, khoa học công nghệ, giáo dục, đào tạo, du lịch và lao động. Ngoài ra, hai bên có thể mở rộng sang lĩnh vực hợp tác khác như chuyển đổi số, hợp tác trong việc thích ứng biến đổi khí hậu và chuyển đổi năng lượng công bằng.
Trả lời câu hỏi về những thách thức mà hai nước cần phải vượt qua để tăng cường hơn nữa thương mại và đầu tư hai chiều, Chủ tịch Quốc hội thông tin, trong chiến lược tăng cường hợp tác kinh tế mà hai Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính, Thủ tướng Australia đưa ra vào năm 2021 đã xác định 8 lĩnh vực hợp tác trọng tâm cần phải thúc đẩy.
Trong đó, lĩnh vực đầu tiên được nhấn mạnh, đó là giáo dục kỹ năng và đào tạo. Theo Chủ tịch Quốc hội, con người luôn giữ vai trò, vị trí trung tâm, vừa là nguồn lực nội sinh, nhưng vừa là động lực và là mục tiêu của công cuộc đổi mới của Việt Nam, cũng như phát triển kinh tế xã hội của Australia về các lĩnh vực hợp tác truyền thống khác./.
Lê Tuyết/VOV