Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị Đô thị toàn quốc 2022

Sáng 30/11, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị Đô thị toàn quốc 2022.

 

Đồng chủ trì hội nghị còn có Trưởng Ban Kinh tế trung ương Trần Tuấn Anh; Bộ trưởng Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị.

Cùng dự có Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà; Bộ trưởng Nông nghiệp và phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn, lãnh đạo các Bộ, ngành; đại diện lãnh đạo các tỉnh, thành phố, lãnh đạo các đô thị tham dự trực tiếp tại điểm cầu Hà Nội và trực tuyến tại các địa phương, các chuyên gia, đối tác quốc tế.

Hội nghị toàn quốc triển khai Nghị quyết của Chính phủ về chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 06 của Bộ Chính trị với chủ đề về “Phổ biến Nghị quyết số 148/NQ-CP ngày 11/11/2022 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 24/01/2022 của Bộ Chính trị” là sự kiện quan trọng để cụ thể hóa, đưa các Nghị quyết của Đảng, Nhà nước về phát triển đô thị vào cuộc sống.

Nghị quyết số 06 về “Quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” với 05 nhóm quan điểm và 06 nhiệm vụ giải pháp chủ yếu. Ngay sau khi Nghị quyết 06 được ban hành, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Xây dựng chủ trì phối hợp với các bộ, ngành, địa phương liên quan xây dựng Chương trình hành động của Chính phủ để thực hiện Nghị quyết, tạo khí thế và động lực trong toàn hệ thống chính trị, quyết tâm triển khai đồng bộ và hiệu quả Nghị quyết.

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, Hội nghị Đô thị toàn quốc năm 2022 được tổ chức trong tháng chào mừng ngày Đô thị Việt Nam 8/11, cũng là ngày Đô thị hóa Thế giới là dịp để nhìn lại quá trình đô thị hóa và phát triển đô thị Việt Nam trong thời gian vừa qua, rút ra những điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội, thách thức và cùng thống nhất những giải pháp, cách thức chung để thúc đẩy sự phát triển đô thị nước nhà vững mạnh hơn, bền vững hơn với mục tiêu: Tiếp tục quán triệt sâu rộng những nội dung, nhiệm vụ trọng tâm và tinh thần quan trọng của Nghị quyết số 06-NQ/TW của Bộ Chính trị và phổ biến Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 06 và hướng tới mục tiêu nâng cao nhận thức sâu sắc về vị trí, vai trò, tiềm năng, thách thức của đô thị trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước.

Hội nghị cũng kỳ vọng sẽ tạo có chuyển biến tích cực trong công tác nâng cao lượng và chất của quá trình đô thị hóa, phát triển đô thị trong 10 năm tới, định hướng đến 2045, trong đó chú trọng nâng cao hiệu quả khai thác sử dụng tài nguyên, phát huy nguồn lực đổi mới sáng tạo của đô thị bên cạnh những nguồn lực truyền thống, phát huy lợi thế so sánh, lợi thế cạnh tranh của đô thị trong bối cảnh phát triển quốc gia, khu vực và thế giới.

Trên cơ sở đó, Thủ tướng yêu cầu các đại biểu phát biểu ngắn gọn, đi thẳng vào nội dung chính, quán triệt sâu sắc để tìm ra giải pháp thực hiện tốt chương trình hành động, nhất là trong bối cảnh đô thị hoá gắn với công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước; phát triển đô thị gắn với phát triển kinh tế.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại hội nghị.

Báo cáo tại hội nghị, Bộ trưởng Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho biết, mục tiêu chương trình hành động xác định 11 chỉ tiêu cụ thể về Hệ thống đô thị; hình thái đô thị và liên kết đô thị; tỷ lệ đô thị hóa; hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đô thị và cơ cấu kinh tế đô thị phấn đấu đạt được đến năm 2025 và năm 2030.

Trong đó tỷ lệ đô thị hóa đến năm 2025 đạt tối thiểu 45%, đến năm 2030 đạt trên 50%. Số lượng đô thị trên toàn quốc đạt khoảng 950-1.000 đô thị năm 2025 và khoảng 1.000-1.200 đô thị năm 2030. Đến năm 2025 100% đô thị loại III trở lên hoàn thiện tiêu chí phân loại đô thị về cơ sở hạ tầng đô thị, nhất là hạ tầng về y tế, giáo dục, đào tạo và công trình văn hóa cấp đô thị; hình thành một số trung tâm đô thị cấp quốc gia, cấp vùng đạt các chỉ tiêu về y tế, giáo dục và đào tạo, văn hóa cấp đô thị tương đương mức bình quân của các đô thị thuộc nhóm 4 nước dẫn đầu ASEAN vào năm 2030.

Diện tích sàn nhà ở bình quân trên đầu người tại khu vực đô thị đạt tối thiểu 28 m2 năm 2025 và 32 m2 năm 2030. Kinh tế đô thị đóng góp vào GDP cả nước khoảng 75% năm 2025 và khoảng 85% năm 2030. Xây dựng được mạng lưới đô thị thông minh trung tâm cấp quốc gia và cấp vùng kết nối quốc tế và 3-5 đô thị có thương hiệu được công nhận tầm khu vực và quốc tế đến năm 2030.

Về các nhiệm vụ chủ yếu, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị cho biết, Chính phủ đã cụ thể hóa bằng 5 nhiệm vụ chủ yếu và 33 nhiệm vụ cụ thể gắn với kế hoạch tổ chức thực hiện theo lộ trình cụ thể nhằm đạt được các mục tiêu của Nghị quyết 06. Trong đó nhiệm vụ chủ yếu là thống nhất nhận thức, hành động về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam; Nâng cao chất lượng quy hoạch và quản lý quy hoạch đáp ứng yêu cầu xây dựng, quản lý phát triển đô thị bền vững; Đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng đô thị đồng bộ, hiện đại, liên kết, thích ứng với biến đổi khí hậu. Xây dựng các nhiệm vụ, đề án chuyên ngành; Xây dựng các cơ chế chính sách, văn bản quy phạm pháp luật.

Chương trình hành động của Chính phủ cũng đã đề ra 33 nhiệm vụ cụ thể theo 5 nhóm nhiệm vụ chủ yếu nêu trên, trong đó có 19 nhiệm vụ về xây dựng cơ chế, chính sách, đề án, văn bản quy phạm pháp luật do các bộ ngành và địa phương triển khai thực hiện và 14 nhiệm vụ về đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị đồng bộ, hiện đại, liên kết, thích ứng biến đổi khí hậu. Đây là căn cứ để các bộ, cơ quan ngang bộ và các địa phương xây dựng chương trình, kế hoạch hành động của từng bộ, cơ quan và địa phương theo chức năng, nhiệm vụ được giao và tổ chức triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả, phấn đấu đạt được cao nhất các mục tiêu đã đề ra./.

Vũ Khuyên/VOV

 

Bình luận

    Chưa có bình luận