Chiều 24/11, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc về Truyền thông chính sách, với chủ đề “Nhận thức - Hành động - Nguồn lực”. Dự hội nghị tại đầu cầu Trụ sở Chính phủ có Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam; các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ; đại diện lãnh đạo các Ban, Bộ, ngành; lãnh đạo các cơ quan Thông tấn, báo chí chủ lực quốc gia. Dự hội nghị tại các điểm cầu 63 UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố và lãnh đạo các sở, ngành, cơ quan báo chí của địa phương.
Tại Hội nghị, các đại biểu đã nghe báo cáo, và đưa ra các ý kiến phân tích, đánh giá sâu sắc, trách nhiệm, thẳng thắn, sát thực tế, chỉ ra những kết quả đạt được, những tồn tại, hạn chế và cả những khó khăn, vướng mắc đang gặp phải và đề xuất các giải pháp, định hướng, nhiệm vụ để tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả công tác truyền thông chính sách trong thời gian tới.
Phát biểu tại hội nghị, Uỷ viên Trung ương Đảng, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV) Đỗ Tiến Sỹ nhấn mạnh, khi chủ trương của Đảng đã có thì phải cụ thể hoá qua các chính sách, pháp luật của Nhà nước và hoạt động của chính quyền các cấp.
“Khi truyền thông chính sách không đầy đủ, không kịp thời không đi trước, thiếu chính xác, dễ dẫn tới chính sách bị bóp méo, thậm chí có thể bị xuyên tạc, bị hiểu sai, dẫn đến không có hoặc ít có sự đồng thuận của nhân dân, làm cho hiệu quả của những nỗ lực của Chính phủ khó đạt được như kỳ vọng".
Nhận thức được như vậy, VOV đã chủ động phát huy vai trò của mình công tác đấu tranh phản bác những thông tin xuyên tạc chính sách. Là cơ quan truyền thông chủ lực, VOV chủ động nắm bắt được ngay từ khi chính sách đang trong giai đoạn hình thành, nắm bắt được cả những ý kiến phản biện trong quá trình hình thành chính sách, để khi chính sách ra đời thì ngay lập tức cơ quan truyền thông không bị động.
“Chúng tôi chủ động truyền thông với cách nhìn đa dạng, đa chiều, bám sát nội dung chính sách, đảm bảo đúng định hướng để đối tượng do chính sách tác động thấy rõ nội dung, sau đó là cảm xúc và đồng thuận. Nói cho người ta nghe thì âm thanh hình ảnh phải tốt, nói cho người ta tin thì nội dung phải tốt, nói cho người ta theo thì phải có ví dụ minh họa”, Tổng Giám đốc Đỗ Tiến Sỹ nêu rõ.
Bên cạnh đó, với đặc điểm là cơ quan báo chí đa loại hình, VOV xác định đối tượng chịu sự tác động của chính sách. Ví dụ, chính sách đối với đồng bào dân tộc phải đẩy mạnh trên VOV4, phát thanh bao phủ diện rộng với đồng bào dân tộc, với các đồng chí thuộc lực lượng công an, quân đội đang ở nơi biên cương, hải đảo. Thứ hai, truyền thông chính sách phải có thông điệp, từ đó phân bố tin, bài, hình ảnh, giờ phát tin, giờ phát sóng…
Trong thời đại số, với nhiều phương tiện hiện đại, theo ông Đỗ Tiến Sỹ, VOV đang nâng cao nguồn lực về con người, chất lượng cán bộ tiếp tục được bồi dưỡng để đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ.
Cũng tại hội nghị, Tổng Giám đốc VTV Lê Ngọc Quang cho biết, thời gian qua, nhất là những năm gần đây, các cơ quan báo chí ngày càng gặp nhiều khó khăn và thách thức. Đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng mọi mặt kinh tế, đời sống, xã hội. Đa phần doanh nghiệp đều cắt giảm ngân sách dành cho quảng cáo trên truyền hình, cũng như báo chí.
Đồng thời, thói quen của khán giả cũng đang thay đổi rất nhanh, dành nhiều thời gian cho các nền tảng số để giải trí và cập nhật tin tức. Điều này càng đẩy mạnh việc dịch chuyển ngân sách quảng cáo từ báo chí truyền thống sang quảng cáo trên nền tảng số, khiến nguồn thu của các cơ quan báo chí giảm mạnh.
“Tôi cũng đề nghị Chính phủ, các bộ, các ngành, các địa phương, các cơ quan chức năng cần có cơ chế nghiên cứu cơ chế cụ thể để cơ quan báo chí phối hợp với cơ quan chủ trì soạn thảo chính sách tham gia thực hiện truyền thông chính sách, trong đó có việc đặt hàng và đặt hàng giao nhiệm vụ, thường xuyên thiết lập kênh kết nối xuyên suốt và phối hợp hiệu quả các cơ quan để đảm bảo các hoạt động này được triển khai ổn định bền vững và có hiệu quả”, ông Lê Ngọc Quang nêu ý kiến./.
Vũ Khuyên/VOV