Lãnh đạo bệnh viện sợ sai khi đấu thầu thuốc: Đại biểu Quốc hội nêu giải pháp

Các đại biểu Quốc hội nêu thực trạng tâm lý sợ sai khi mua sắm thuốc, vật tư y tế trong nhiều bệnh viện, cơ sở y tế và giải pháp khắc phục.

 

Bệnh viện không có máy điều trị

"Trong hơn 8 tháng qua, kể từ khi các bệnh viện tuyến Trung ương và ngành Y tế xảy ra tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế, Chính phủ, các Bộ, ngành tổ chức nhiều cuộc họp, gặp gỡ lắng nghe ý kiến từ cơ sở đề xuất, nhưng đến giờ chúng tôi thấy chưa có thay đổi nào về chính sách", đại biểu Quốc hội Nguyễn Tri Thức, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM, nói.

Tại Bệnh viện Chợ Rẫy, khi dùng các máy cao cấp như máy xạ trị, CT thì phải mua của hãng độc quyền. Một bóng đèn dùng trong máy CT khoảng 3 - 4 tháng là hỏng, phải thay. Máy độc quyền của một hãng, nên khi thay bóng đèn hoặc các linh kiện kèm theo, phải mua đúng loại của hãng đó mới sử dụng được. Tuy nhiên, nếu ghi rõ là mua bóng đèn của hãng cụ thể, sẽ bị coi là vi phạm chỉ định thầu.

"Theo quy định, đấu thầu phải tham khảo ba gói giá. Nhưng khi mua máy cao cấp, chỉ có một hãng độc quyền thì lấy đâu ra 3 gói báo giá khác theo quy định hiện hành của Luật Đấu thầu để tham khảo?", ông Thức nói và cho hay đang có thực trạng máy móc cao cấp ở các bệnh viện hư hỏng nhưng rất khó sửa chữa, rất bế tắc.

Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy nhấn mạnh, khi máy móc cao cấp ở bệnh viện công hỏng, khó sửa chữa, bệnh nhân, nhất là bệnh nhân nghèo, sẽ chịu thiệt thòi, không đảm bảo quyền lợi khám chữa bệnh. Nguyên nhân là người giàu có thể ra bệnh viện tư chữa trị, nhưng người dân nghèo khó chi trả được giá dịch vụ ở bệnh viện tư.

Đánh giá đây là vấn đề khẩn thiết, ông Thức đề nghị đại biểu Quốc hội có ý kiến để các bệnh viện sớm có cơ chế sửa chữa máy móc cao cấp khi hư hỏng.

"Anh em Bệnh viện Chợ Rẫy như ngồi trên lửa vì máy CT hỏng mà không biết làm sao để mua thiết bị thay thế. Từ nay đến Tết Nguyên đán chỉ còn hơn 2 tháng, trang thiết bị y tế không được sửa chữa sẽ ảnh hưởng hoạt động chung của bệnh viện. Bệnh nhân không có máy để điều trị", ông nói.

Bệnh viện Mắt Thái Bình, trong một thời gian dài, thiếu thủy tinh thể nhân tạo phục vụ phẫu thuật cho các bệnh nhân. Thái Bình không phải tỉnh duy nhất có nhiều bệnh viện thiếu thuốc men, trang thiết bị y tế. Vài tháng qua, nhiều bệnh viện ở Cần Thơ, Hậu Giang, Khánh Hòa, Phú Thọ... cũng thiếu một số thuốc, vật tư y tế do chậm đấu thầu mua sắm, ảnh hưởng quyền lợi bệnh nhân.

Nguồn cơn của tâm lý sợ sai

Trả lời bên hành lang Quốc hội về vấn đề này, đại biểu Nguyễn Anh Trí cho rằng, nguyên nhân bởi các giám đốc không "mặn mà", thậm chí ngần ngại thực hiện các gói thầu mua sắm thiết bị y tế.

"Đây là điều đáng quan ngại vì hậu quả chủ yếu tác động đến người bệnh, Nhân dân, ảnh hưởng chất lượng khám chữa bệnh, gây tốn kém cho người bệnh vì họ phải mua vật tư, thuốc ở ngoài và cũng không quản lý được chất lượng, rất nguy hiểm", GS Nguyễn Anh Trí cho hay.

Song, nguyên nhân sâu xa được GS Nguyễn Anh Trí chỉ ra, đó là hệ thống pháp luật còn nhiều chỗ thiếu, bất cập, không cập nhật kịp với tình hình.

"Thực ra, cán bộ y tế đã được cử làm quản lý, tôi biết họ không phải kém và cũng không phải ai cũng xấu cả. Nhưng vì lâu nay chúng ta thiếu một hành lang pháp lý chuẩn mực, đầy đủ, cho nên họ làm bị vướng, bị sai, nhất là chống dịch như chống giặc, rồi cứu bệnh như cứu hỏa, toàn những việc rất gấp cho nên rất dễ bị sai", đại biểu Nguyễn Anh Trí nói.

Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (đoàn TP.HCM) nhận định, nguồn cơn của tâm lý sợ sai, ngại đấu thầu thuốc, vật tư y tế trong các bệnh viện hiện nay do Luật Đấu thầu và Luật Giá hiện hành có nhiều điểm bất cập.

Về công tác đấu thầu thuốc, vật tư y tế, bà Lan cho rằng, quy định về hoạt động này còn rất chung chung và chưa cụ thể, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh, đẩy mạnh công tác thanh tra thời gian qua đã bộc lộ nhiều bất cập, điểm yếu.

Theo bà, trong đấu giá, điều quan trọng nhất là gói thầu giá rẻ nhất, nhưng "tiền nào của đấy", ngành Y tế không thể áp dụng định luật này. "Chúng ta tiết kiệm được 1 đồng hôm nay nhưng lại mất hàng trăm đồng hôm sau vì người bệnh phải tốn thời gian điều trị, Nhà nước phải chi trả bảo hiểm nhiều thuốc điều trị không chất lượng", bà Lan nói.

Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan.Mục tiêu của đấu thầu nhằm hạn chế tiêu cực, để được mặt hàng tốt với giá tốt, nhưng thực chất qua đấu thầu lại phát sinh nhiều tiêu cực. Do vậy, cần một chương riêng về mua sắm, đấu thầu trang thiết bị y tế trong dự thảo Luật Đấu thầu sửa đổi sắp tới.

Trong đó, quy định cụ thể các hành vi cấm với nhóm đối tượng, nhà thầu, chủ đầu tư, chuyên gia.... các gói thầu thi công xây dựng, sửa chữa, phục chế, chế tác các công trình… nếu không sẽ dẫn đến tuỳ tiện, bị lạm dụng. Hạn chế tiêu chí cài cắm

"Các bệnh viện tư có đấu thầu không? Xin thưa không đấu thầu, nhưng họ vẫn mua được thuốc giá tốt, chất lượng cao. Do vậy cần đặt giá trần cho các bệnh viện, đồng thời công bố giá trần để bệnh viện dựa trên đó đấu thầu, mua thuốc. Bộ Y tế đấu thầu một loại thuốc cho phòng, chống dịch bệnh. Thử hỏi trong Luật chúng ta đã đối xử một cách công bằng, sòng phẳng với các doanh nghiệp theo luật hay chưa? Đấu thầu không phải biện pháp duy nhất trong phòng, chống tiêu cực", nữ đại biểu thẳng thắn chia sẻ.

Về giá thuốc, vật tư y tế, bà Lan dẫn chứng, lâu nay, nhất là trong dịch bệnh COVID-19, dư luận cả nước phản ánh nhiều doanh nghiệp "bán hàng cắt cổ, ăn trên xương máu người dân... nhưng thử hỏi đã có căn cứ nào xử phạt không?", hoặc các doanh nghiệp bị phản ánh là bán hàng hóa giá cao, nhưng như thế nào là cao? Luật Giá hiện hành không quy định điều này.

Do đó, Luật Giá sửa đổi tới đây đưa ra cần làm sao "đánh" được đầu cơ, nhưng cũng phải tôn trọng quy luật thị trường để không xảy ra tình trạng khan hiếm, vì người có trách nhiệm duyệt giá sợ bị xử lý.

Theo bà, trước đây, các nhà thuốc hoạt động rất ổn định bởi có quy định giá trần và sàn, tỷ lệ lợi nhuận bao nhiêu, từ khâu bán sỉ đến bán lẻ. Nhưng bây giờ không có những quy định tương tự thế, trong khi đây mới là cốt lõi.

"Biên độ tỷ suất lợi nhuận phải được quy định với một số mặt hàng ảnh hưởng trực tiếp người dân như thuốc, lương thực, thực phẩm, dược, xăng dầu...", đại biểu TP.HCM nói.

Bà kể câu chuyện một người bạn vào bệnh viện chữa mỡ máu cao theo diện bảo hiểm y tế, nhưng được kê đơn thuốc 20.000 đồng.

"Tôi không hiểu đó là thuốc gì mà lại có giá rẻ như vậy. Thuốc giá rẻ như vậy đang giết chết công nghệ dược phẩm, làm cho ngành công nghiệp dược Việt Nam không thể phát triển bền vững. Tôi không cổ súy bán thuốc giá cao, nhưng phải phát triển bền vững", bà Lan nói và nhấn mạnh, sửa Luật Giá cần quy định giá trần và sàn với thuốc, cũng như các mặt hàng thiết yếu.

Cấp thiết sửa đổi Luật Đấu thầu

Trả lời VTC News bên hành lang Quốc hội, đại biểu Trần Thị Nhị Hà, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, cho rằng, ngành Y tế gặp khó khăn trong mua sắm hóa chất, vật tư thiêu hao và thuốc. Với những quy định trước đây ở Luật Khám, chữa bệnh hay Luật Đấu thầu, khi xây dựng hồ sơ mời thầu cần phải thống kê các loại bảng giá đi kèm, trong đó, luôn ưu tiên vật tư, thuốc giá rẻ nhất.

Thế nhưng, phần lớn các hàng rẻ không phù hợp, không đảm bảo chất lượng yêu cầu của ngành Y tế. "Nếu mua theo đấu thầu thì về bệnh viện, cơ sở y tế không sử dụng được hoặc sử dụng kém hiệu quả, còn không mua thì không thể duy trì công tác khám, chữa bệnh. Chưa kể vấn đề, chẳng may mua sai quy trình rất dễ rơi vào vòng lao lý", Giám đốc Sở Y tế nhấn mạnh.

Dự thảo Luật Đấu thầu lần này cơ bản khắc phục được tình trạng chọn giá đấu thầu rẻ nhất, thấp nhất mà chú trọng chất lượng và nhà thầu. Dự thảo trên được thông qua sẽ là niềm vui lớn với ngành Y tế. Các bệnh viện, cơ sở y tế có thể mua được những hàng hóa đảm bảo chất lượng theo yêu cầu của chuyên môn và giá hợp lý chứ không phải là giá rẻ nhất.

Theo bà, việc Quốc hội thảo luận sửa đổi Luật Đấu thầu trong kỳ họp lần này rất cấp thiết. "Chúng tôi hy vọng với những nội dung mới được đưa vào trong Luật Đấu thầu sửa đổi lần này sẽ giúp cho ngành Y tế và đặc biệt các cơ sở khám chữa bệnh giải được bài toán vướng mắc đấu thầu mua sắm trang thiết bị y tế, thuốc, vật tư tiêu hao".

Về vấn đề giá vật tư, thuốc, bà Nhị Hà dẫn chứng, trong khi dịch COVID-19 bùng phát, có thời điểm giá một số thiết bị vật tư tiêu hao như kit xét nghiệm, sinh phẩm xét nghiệm khẩu trang, thậm chí các trang thiết bị y tế tăng 5 - 7 lần trong thời gian rất ngắn, do nhu cầu tăng đột biến. Đồng thời, nguồn cung bị hạn chế do bị đứt gãy chuỗi cung ứng do dịch bệnh. Tuy nhiên, thị trường vẫn chấp nhận tạm thời vì đây là những mặt hàng thiết yếu.

Vì vậy, dự thảo Luật cũng cần đề cập trong một số trường hợp bất thường, mua bán vật tư y tế, thuốc sẽ được bán thế nào. Bởi thực tế, trong lúc lịch lên đỉnh điểm, một số đoàn kiểm tra, thanh tra đã kiểm tra và xử phạt hàng loạt đơn vị có giá bán cao hơn trước dịch.

Điều này vô tình tạo tâm lý lo lắng cho các cơ sở y tế Nhà nước khi phải mua bán trang thiết bị, sinh phẩm, vật tư phòng, chống dịch. Thậm chí, cả bên cung ứng, bên bán cũng không muốn bán cho các cơ sở y tế do sợ phải giải trình với các cơ quan có thẩm quyền về vấn đề lợi nhuận.

Đại biểu Trần Thị Nhị Hà.Theo bà Nhị Hà, hiện, có nhiều cách hiểu khác nhau về một số trường hợp bất thường khiến giá tăng lên đột biến. “Chúng ta đã chứng kiến tại Hà Nội, có thời điểm một cái khẩu trang phải mua tới 10.000 đồng. Từ đó, ban soạn thảo cân nhắc quy định cụ thể mức trần lợi nhuận trên giá vốn hoặc giá thành toàn bộ với một số mặt hàng trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế, thiên tai, địch họa, hỏa hoạn, dịch bệnh".

Bà hy vọng các đại biểu thảo luận kỹ lưỡng nội dung trên để đưa ra khung pháp lý minh bạch và đảm bảo được những quy định pháp luật.

"Đây là lúc Chính phủ cần phải đưa ra những phương thức mua sắm, xác định giá hàng hóa trên một sàn giao dịch điện tử để người mua, bán có thể lựa chọn mặt hàng phù hợp tiêu chuẩn, chất lượng mong muốn, đặc biệt trong ngành Y tế. Luật Đấu thầu sửa đổi lần này sẽ là chìa khóa căn cơ để mở những điểm nghẽn, vướng mắc của ngành Y tế", Giám đốc Sở Y tế Hà Nội chia sẻ thêm.

Ngay sau khi Luật Đấu thầu sửa đổi có hiệu lực, Bộ Y tế, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ ban hành những quy định, thông tư về mua sắm trang thiết bị y tế, thuốc, cải thiện dần vướng mắc và khắc phục tâm lý sợ sai phạm, sợ bị điều tra trong đấu thầu của các lãnh đạo bệnh viện, cơ sở y tế hiện nay.

Liên quan việc thiếu thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế, giải trình trước Quốc hội, Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan cho rằng, có hai yếu tố quan trọng là cấp giấy đăng ký lưu hành và mua sắm, đấu thầu. Thời gian qua, việc cấp giấy đăng ký lưu hành thuốc gặp khó khăn do dịch bệnh, doanh nghiệp chưa kịp chuẩn bị hồ sơ, cơ quan thẩm định chưa đánh giá được thực tế, nhà máy sản xuất, chuyên gia bị ảnh hưởng.

Vì vậy, Chính phủ đã báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết giải quyết đăng ký lưu hành thuốc. Bộ Y tế đã công bố danh mục hơn 10.000 thuốc hết hạn lưu hành trong năm 2022, tiếp tục được gia hạn đến cuối năm. Vì vậy, nguồn cung ứng thuốc trên thị trường được đảm bảo, đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh.

Tuy nhiên, ở một số bệnh viện vẫn xảy ra thiếu thuốc cục bộ, Bộ Y tế đã đánh giá, đưa ra giải pháp, tham mưu phù hợp. Luật Dược và các quy định liên quan đang được nghiên cứu sửa đổi. Nhiều quy định rất rõ nhưng một số nơi thực hiện lúng túng, nên Bộ Y tế sẽ tăng cường hướng dẫn./.

HÀ CƯỜNG/VTC.VN

 

Bình luận

    Chưa có bình luận