Có bảo đảm được sự an toàn, tin cậy trong giao dịch điện tử hay không?

Đây là điều mà nhiều đại biểu Quốc hội đặt ra khi thảo luận dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) trong phiên làm việc sáng nay 11/11.

 

Góp ý về quy định về an toàn thông tin và an ninh mạng trong giao dịch điện tử, đại biểu Dương Tấn Quân (đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu) cho rằng có một số quy định trong luật hiện hành về an ninh, an toàn, bảo vệ thông điệp, dữ liệu chưa được cụ thể hóa để đảm bảo an toàn, an ninh mạng trong giao dịch điện tử nói chung.

Đại biểu Dương Tấn Quân.Tại thời điểm luật được ban hành năm 2005, hệ thống pháp luật Việt Nam chưa có hành lang pháp lý về an toàn thông tin mạng, an ninh mạng và khi Luật An toàn thông tin mạng và Luật An ninh mạng ra đời lần lượt vào năm 2015, 2018, hệ thống các văn bản hướng dẫn từ đó đến nay đã hình thành hành lang pháp lý về an toàn, an ninh mạng khá cụ thể.

Do đó, ông nhận thấy cần dẫn chiếu yêu cầu tuân thủ các quy định của 2 luật nêu trên cũng như Luật Công nghệ thông tin để đảm bảo sự đồng bộ của hệ thống pháp luật.

Mặt khác, dự thảo quy định: "Cơ quan, tổ chức, cá nhân tuân thủ quy định của pháp luật về an toàn thông tin mạng và an ninh mạng khi tiến hành các hoạt động giao dịch điện tử" thì mới chỉ là nghĩa vụ của các chủ thể trong việc tuân thủ quy định của pháp luật về an toàn thông tin mạng và an ninh mạng khi tiến hành các hoạt động giao dịch điện tử một cách thụ động, chưa thể hiện được quyền chủ động của các cơ quan quản lý nhà nước, do đó cần rà soát bổ sung.

Đại biểu Trần Chí Cường (đoàn Đà Nẵng) cũng lưu ý, vấn đề bảo vệ thông tin cá nhân trên không gian mạng cần được hết sức quan tâm. Chúng ta đã có một số văn bản quy phạm pháp luật quy định về bảo vệ thông tin cá nhân trên mạng, như Luật An toàn thông tin mạng, Luật An ninh mạng. Tuy nhiên, các quy định chưa hoàn toàn cụ thể và sát hợp với hoạt động giao dịch điện tử.

Đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu quy định nghiêm cấm hành vi làm lộ, lọt thông tin cá nhân khi chưa được sự cho phép hoặc thỏa thuận với tổ chức, cá nhân có hoạt động giao dịch điện tử.

“Ở đây có một số vấn đề đang đặt ra liệu các điều kiện bảo đảm sẽ như thế nào và có bảo đảm được sự an toàn, tin cậy trong giao dịch điện tử ở tất cả các lĩnh vực hay không?” - đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa (đoàn Đồng Tháp) đặt vấn đề.

Đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa.Nữ đại biểu cũng cho rằng trong giao dịch điện tử một số thông tin liên quan đến bí mật nhà nước, an ninh, quốc phòng, bí mật công tác, bí mật kinh doanh có thể có nguy cơ lộ lọt, bị chiếm đoạt khi thực hiện giao dịch điện tử. Một số giấy tờ như đăng ký kết hôn hoặc là quyết định ly hôn cần thể hiện ý chí của các cá nhân liên quan khi tham gia giao dịch. Vậy có hợp lý không khi chúng ta đưa hết tất cả vào phạm vi điều chỉnh và nếu đưa vào thì cần phải kèm theo những điều kiện nào?

Trên thực tế khi giao dịch điện tử thông qua môi trường mạng thì rất khó an toàn, dễ dẫn đến sai sót, gây thiệt hại cho lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân liên quan.

Gần đây đã xuất hiện trò lừa đảo khá tinh vi qua mạng giả danh thương mại điện tử, giả mạo giấy tờ, tài liệu, làm giả thẻ ngân hàng hoặc vay ngân hàng mua sắm trên các trang thương mại điện tử, giao dịch mua bán thông qua các tài khoản mạng xã hội, chiếm đoạt tài sản và gây hậu quả lớn đối với tổ chức, cá nhân liên quan.

Đặc biệt là đối với cá nhân thì một số giấy tờ sử dụng trong giao dịch điện tử mang thông tin liên quan tới đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình cũng đã có dấu hiệu lộ, lọt và không an toàn.

“Vì vậy, tôi đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu khôi phục lại 2 nguyên tắc ở khoản 4, khoản 5 Điều 5 luật hiện hành ngay trong Điều 4 của dự thảo luật này để bảo đảm sự an toàn và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân, lợi ích của nhà nước, lợi ích công cộng trong giao dịch điện tử” - đại biểu Mai kiến nghị./.

Ngọc Thành/VOV.VN

 

Bình luận

    Chưa có bình luận