Tội phạm tham nhũng trong cơ quan chống tham nhũng diễn biến phức tạp

Tình hình tội phạm tham nhũng trong cơ quan bảo vệ pháp luật, cơ quan có nhiệm vụ phòng chống tham nhũng tiếp tục có những diễn biến phức tạp.

 

Thẩm tra Báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2022, báo cáo của Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội do Chủ nhiệm Lê Thị Nga trình bày tại Quốc hội sáng 8/11 thể hiện cơ bản tán thành với những đánh giá của Chính phủ về tình hình tham nhũng năm 2022, đó là tham nhũng tiếp tục được kiềm chế, ngăn chặn, có chiều hướng thuyên giảm. Tuy nhiên, hành vi tham nhũng ngày càng tinh vi, phức tạp, khó lường hơn, xảy ra trong khu vực nhà nước và khu vực ngoài nhà nước; tình trạng tham nhũng, tiêu cực trên một số lĩnh vực còn nghiêm trọng, phức tạp”.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga.Tội phạm tham nhũng gắn với "lợi ích nhóm" có chiều hướng gia tăng

Bên cạnh đó, theo Uỷ ban Tư pháp, trong năm 2022, tội phạm về kinh tế, tham nhũng gắn với “lợi ích nhóm” có chiều hướng gia tăng; nhiều vụ án tham nhũng gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, nhất là trong các lĩnh vực y tế, đất đai, đấu thầu, đấu giá, chứng khoán…, xảy ra ở cả khu vực nhà nước và khu vực ngoài nhà nước; một số hành vi tham nhũng phổ biến trong lĩnh vực y tế vẫn tiếp tục tiếp diễn như: thông đồng, nâng khống giá trị thiết bị, vật tư y tế trong đấu thầu; lợi dụng chủ trương xã hội hóa tại các cơ sở y tế công để trục lợi…; Tình trạng móc nối, tiếp tay của cán bộ nhà nước đối với doanh nghiệp để trục lợi, chiếm đoạt tài sản của nhà nước còn diễn ra nhiều ở một số lĩnh vực như bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, quản lý thuế, hải quan…; tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực trong khu vực hành chính, dịch vụ công chậm được khắc phục.

Đáng chú ý, tình hình tội phạm tham nhũng trong cơ quan bảo vệ pháp luật, cơ quan có nhiệm vụ phòng chống tham nhũng tiếp tục có những diễn biến phức tạp.

Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong.74 người kê khai tài sản thu nhập chưa đúng, 14 trường hợp nộp lại quà tăng, 19 người đứng đầu bị xử lý vì thiếu trách nhiệm

Báo cáo Quốc hội về công tác phòng chống tham nhũng năm 2022, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong cho biết, Chính phủ đã ban hành 163 Nghị định, 200 Nghị quyết. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 33 Quyết định, 27 Chỉ thị về quản lý, điều hành các lĩnh vực qua đó nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và PCTN. Chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh rà soát các văn bản quy phạm pháp luật nhằm phát hiện, xử lý những sơ hở, bất cập, dễ bị lợi dụng để tham nhũng; tổng kết, xây dựng Chiến lược quốc gia PCTN đến năm 2030 và nhiều đề án quan trọng về công tác PCTN.

Qua kiểm tra tại 14.425 cơ quan, tổ chức, đơn vị về công khai, minh bạch, đã phát hiện, chấn chỉnh, xử lý đối với 111 cơ quan, tổ chức, đơn vị có vi phạm về thực hiện các biện pháp phòng ngừa tham nhũng. Tiến hành kiểm tra tại 8.975 cơ quan, tổ chức, đơn vị về thực hiện quy tắc ứng xử, qua đó phát hiện, chấn chỉnh và xử lý 477 cán bộ, công chức, viên chức vi phạm quy tắc ứng xử, quy tắc đạo đức nghề nghiệp (tăng 299 trường hợp so với năm 2021). Năm 2022, có 14 trường hợp nộp lại quà tặng cho đơn vị, với tổng số tiền là 260,7 triệu đồng.

Đã kiểm tra việc thực hiện kiểm soát tài sản, thu nhập đối với 4.934 số cơ quan, tổ chức, đơn vị, qua xác minh có 74 người kê khai chưa đúng, đã chấn chỉnh, xử lý theo quy định. Xử lý 19 người đứng đầu thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng.

Về kết qua phát hiện và xử lý hành vi tham nhũng, thu hồi tài sản tham nhũng, báo cáo của Thanh tra Chính phủ cho biết,  năm 2022, các Cơ quan điều tra đã thụ lý 687 vụ án, 1.439 bị can (tăng 105 vụ, 177 bị can so năm 2021); đã kết luận điều tra và đề nghị truy tố 336 vụ/765 bị can. Viện Kiểm sát Nhân dân các cấp đã thụ lý giải quyết 506 vụ/1.332 bị can; đã giải quyết 426 vụ/1.084 bị can. Tòa án Nhân dân các cấp giải quyết theo thủ tục sơ thẩm 577 vụ /1.399 bị cáo; đã giải quyết 533 vụ /1.272 bị cáo; trong đó đã xét xử 410 vụ/945 bị cáo. Công tác thi hành án, tổng số phải thi hành là 3.973 việc, ứng với hơn 89 nghìn tỷ đồng; trong đó  đã thi hành xong 1.895 việc, ứng với 15,9 nghìn tỷ đồng (tăng 290% so với năm 2021).

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm.Đã thu hồi gần 9.600 tỷ đồng từ các vụ án tham nhũng và kinh tế lớn

Trước đó, báo cáo công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2022 (từ tháng 10/2021-9/2022), Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm nhấn mạnh, tham nhũng là một trong những loại tội phạm vẫn diễn biến phức tạp. Chính phủ đã tập trung điều tra các vụ án, vụ việc kinh tế, tham nhũng đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo. Số vụ phạm tội về trật tự quản lý kinh tế phát hiện giảm 36,68%, số vụ phạm tội về tham nhũng và chức vụ phát hiện tăng 40,97%.

Về chủ trương giải pháp phòng chống tội phạm và vi phạm pháp luật trong năm 2023, liên quan công tác phòng chống với tội phạm tham nhũng, Bộ trưởng Tô Lâm cho biết, Chính phủ triển khai toàn diện công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo chỉ đạo của Ban Chỉ đạo trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; tổ chức thực hiện có hiệu quả công tác tiếp nhận, xử lý tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố; thường xuyên thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật trong hoạt động điều tra theo tố tụng.

Báo cáo công tác của Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao cũng cho biết, đã tăng cường phối hợp với Bộ Công an, TAND tối cao đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố và đưa ra xét xử nghiêm minh nhiều vụ án tham nhũng, kinh tế lớn, các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo; đã thu hồi gần 9.600 tỷ đồng./.

Thanh Hà/VOV.VN

 

Bình luận

    Chưa có bình luận