Tiết kiệm ngân sách lên tới hơn 350.000 tỷ đồng
Báo cáo trước Quốc hội, ông Nguyễn Phú Cường - Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Quốc hội - cho biết, việc thực hiện chính sách pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016 - 2021 đã mang lại những kết quả rất tích cực, giúp cho việc quản lý, sử dụng nguồn lực công tiết kiệm, hiệu quả có nhiều đóng góp cho quá trình xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội các năm qua. Tổng số tiết kiệm kinh phí ngân sách, vốn Nhà nước lên tới hơn 350.000 tỷ đồng.
Một số địa phương đã chú trọng, quyết liệt xử lý thu hồi được nhiều dự án treo, dự án chậm tiến độ như Ninh Bình: 725 dự án treo; Đồng Nai: 376 dự án; Quảng Ngãi đã chấm dứt hiệu lực thực hiện nghiên cứu, khảo sát, lập hồ sơ đề xuất đầu tư 296 dự án; Bình Dương: 289 dự án; Kiên Giang: 206 dự án; Hậu Giang huỷ bỏ 141 dự án, đưa vào sử dụng gần 100 nghìn ha đất của các dự án chậm triển khai.
Quản lý, sử dụng NSNN, các nguồn vốn nhà nước khác có nhiều chuyển biến tích cực, bảo đảm chặt chẽ, tiết kiệm và hiệu quả hơn. Tổng thu và quy mô thu NSNN 5 năm giai đoạn 2016 - 2020 tương ứng đạt 6,918 triệu tỷ đồng và bình quân đạt 25,3% GDP, vượt mục tiêu đề ra và gấp 1,66 lần giai đoạn 2011 - 2015.
Các đại biểu đều cho rằng, Quốc hội tiến hành giám sát tối cao việc thực hiện chính sách pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016 - 2021 là đúng trọng tâm, trọng điểm và đáp ứng được nguyện vọng của cử tri cả nước. Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016 - 2021 đã đạt được những kết quả rất quan trọng, tích cực, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội.
Phải chỉ rõ trách nhiệm của ai, cá nhân nào
Tuy nhiên, việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế, trong một số trường hợp thất thoát, lãng phí rất lớn, nghiêm trọng. Cụ thể, theo tổng hợp báo cáo chưa đầy đủ của các bộ, ngành, địa phương, năm 2016 có 1.448 dự án chậm tiến độ, năm 2017 là 1.609 dự án, năm 2018 là 1.778 dự án, năm 2019 là 1.878 dự án, năm 2020 là 1.867 dự án, năm 2021 là 1.962 dự án, trong đó hầu hết dự án quan trọng quốc gia, các dự án trọng điểm đều chậm tiến độ. Hàng nghìn dự án phải điều chỉnh quyết định đầu tư, có dự án điều chỉnh nhiều lần, tổng mức đầu tư điều chỉnh cao gấp nhiều lần so với tổng mức đầu tư phê duyệt ban đầu. Năm 2016 có 590 dự án thất thoát lãng phí, năm 2017 là 840 dự án, năm 2018 là 422 dự án, năm 2019 là 125 dự án, năm 2020 là 923 dự án, năm 2021 là 185 dự án. Có những dự án phải xử lý hình sự.
Đại biểu Đỗ Chí Nghĩa, tỉnh Phú Yên:
Ngoài “phương thuốc kháng sinh” như có đại biểu đã đề cập, chắc chắn phải có những “phương thuốc bắc” hữu hiệu hơn nữa, lâu dài hơn nữa, bởi vì căn bệnh lãng phí này đã ngấm vào cơ thể, suy nghĩ, hành xử của rất nhiều cán bộ công quyền trong bộ máy của chúng ta, quen làm theo nếp cũ, quen làm theo quy trình dù quy trình ấy có thể lạc hậu.
|
Chỉ tính riêng trong lĩnh vực bất động sản, nhiều nhà, căn hộ tái định cư chưa đưa vào sử dụng hoặc không còn nhu cầu sử dụng, bỏ hoang, đang xuống cấp nghiêm trọng. Hà Nội còn 1.947 số căn hộ trống/17.863 căn nhà tái định cư chưa có quyết định bán nhà; 489 căn hộ chưa có phương án bố trí; Thành phố Hồ Chí Minh có hàng nghìn căn hộ tái định cư ở các dự án đang bỏ hoang, thưa thớt người ở.
Trước những con số biết nói này, nhiều đại biểu cho rằng, chúng ta cần phải chỉ rõ trách nhiệm của ai, cá nhân nào, tổ chức nào chịu trách nhiệm về tình trạng lãng phí khi đất nước còn khó khăn, một bộ phận người dân còn nghèo khó. Đại biểu Hồ Thị Minh, tỉnh Quảng Trị, chỉ rõ, lãng phí trong lĩnh vực đất đai là một vấn đề nóng, không chỉ ở một địa phương mà tất cả các tỉnh, các địa phương, hàng chục dự án ngàn tỉ đắp chiếu, hàng loạt các lô đất vàng được quy hoạch treo, đất rừng, đất nông nghiệp vẫn đang còn có những bất cập trong quản lý và sử dụng… Sợi dây rút kinh nghiệm vẫn kéo dài, hạn chế vẫn được nhắc lại theo các báo cáo hàng năm, vì lãng phí không phải bây giờ mới có mà xảy ra từ rất lâu và trách nhiệm thuộc về ai đến nay vẫn chưa chỉ rõ.
Đồng quan điểm này đại biểu Trịnh Xuân An, đoàn Đồng Nai cho rằng, chúng ta cần phải chỉ rõ được trách nhiệm của ai, của cá nhân nào, của tổ chức nào. Những dự án, những công trình có yếu tố cá nhân, yếu tố tư lợi và đặc biệt là cố ý làm sai thì chúng ta phải xử lý. Cần phải xử lý dứt điểm, làm rõ được trách nhiệm của những người đã quyết định ra những chủ trương đó.
Đã khởi tố 10 vụ việc rửa tiền
Ngân hàng Thế giới ước tính mỗi năm có khoảng 300 đến 500 tỷ USD thu được từ hoạt động phạm tội và đã bị rửa. Ở nước ta theo báo cáo tổng kết thi hành luật, từ năm 2013 - 2020 đã chuyển giao 857 vụ việc liên quan đến 5.614 báo cáo, giao dịch đáng ngờ và đã nhận được phản hồi từ các cơ quan chức năng liên quan đến 528 vụ việc, trong đó có 10 vụ việc đã được khởi tố. Đến nay Việt Nam đã xét xử 3 vụ án với tội danh rửa tiền theo Bộ luật Hình sự.
Rửa tiền là vấn đề toàn cầu và không chỉ đe dọa an ninh quốc gia mà còn phá hủy sự ổn định, minh bạch và hiệu quả của hệ thống tài chính cũng như cản trở sự thịnh vượng của nền kinh tế. Sự phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế số không chỉ tạo ra điều kiện cho sự phát triển kinh tế - xã hội mà còn là cơ hội để các đối tượng thực hiện các hành vi gian lận tinh vi và phức tạp hơn, bao gồm các hình thức rửa tiền sử dụng công nghệ cao qua các kênh thương mại điện tử, dịch vụ tài chính trên nền tảng số, trí tuệ nhân tạo, công cụ chuyển nhượng Blockchain. Trong khi đó, luật chưa có những quy định cụ thể nhằm điều chỉnh các giao dịch liên quan đến tiền ảo và tài sản ảo này.
Đại biểu Đặng Bích Ngọc, tỉnh Hòa Bình:
Nhiều công trình hoàn thành nhưng sử dụng kém hiệu quả. Cá biệt có những công trình bỏ không, gây bất bình trong nhân dân. Điển hình như Dự án cơ sở 2 Bệnh viện Việt Đức, Bệnh viện Bạch Mai ở Hà Nam được Thủ tướng Chính phủ trực tiếp đi kiểm tra và rất quyết liệt trong chỉ đạo giải quyết, khắc phục. Đây là những dự án chậm tiến độ nhiều năm, đội vốn lớn, làm giảm niềm tin trong nhân dân, trong khi điều kiện kinh tế - xã hội nhiều nơi trong cả nước còn rất khó khăn, cơ sở hạ tầng thiếu thốn.
|
Liên quan đến dự thảo Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi), Trung tướng Nguyễn Hải Trung - Giám đốc Công an Hà Nội (đoàn Hà Nội) - cho biết, hiện Công an thành phố Hà Nội đang điều tra một vụ án về tội danh lừa đảo, chiếm đoạt tài sản và rửa tiền, với số tiền ước tính có thể lên nhiều nghìn tỷ. Đối tượng chủ mưu, cầm đầu, tổ chức các hoạt động phạm tội này là người nước ngoài và thuê rất nhiều người các nước khác, trong đó có người Việt Nam. Trụ sở, địa điểm và tổ chức thực hiện hành vi phạm tội là ở nước ngoài và công cụ phương tiện, thiết bị phạm tội cũng ở nước ngoài, với phương thức, thủ đoạn rất tinh vi. Sau khi nhận được tiền của người bị hại chúng chia nhỏ gửi rất nhiều lần và đến rất nhiều tài khoản, sau đó chụm về một tài khoản, từ tài khoản đó quy đổi thành thành tiền ảo và rút ra tiền mặt.
“Để hạn chế được tình trạng này, cần có quy định cụ thể về trách nhiệm của Bộ Tài nguyên và Môi trường trong công tác quản lý, trách nhiệm của các văn phòng đăng ký đất đai trong rà soát phát hiện giao dịch đáng ngờ liên quan đến các cá nhân sở hữu nhiều bất động sản có giá trị lớn, không phù hợp với thu nhập của cá nhân”, Trung tướng Nguyễn Hải Trung nhấn mạnh.
Như vậy có thể nói, lãng phí, thất thoát, rửa tiền không chỉ đe dọa an ninh quốc gia mà còn phá hủy sự ổn định, minh bạch và hiệu quả của hệ thống tài chính cũng như cản trở sự thịnh vượng của nền kinh tế, đã đến lúc phải xử lý quyết liệt những vấn đề này.