Cần có cơ chế bảo vệ người nổi tiếng bị lợi dụng hình ảnh để quảng cáo

Góp ý vào Dự thảo Luật Bảo vệ người tiêu dùng sửa đổi, có ý kiến đề nghị luật cần bảo vệ người có ảnh hưởng bị lợi dụng hình ảnh để quảng cáo.

 

Như thế cũng có nghĩa là bảo vệ người tiêu dùng không bị mắc bẫy của hành vi quảng cáo trá hình.

Thảo luận tại tổ sáng 2/11 về Dự án Luật Bảo vệ người tiêu dùng (sửa đổi), quan tâm đến những quy định của dự thảo luật về những hành vi bị cấm tại Điều 17, đại biểu Nguyễn Quang Huân (đoàn Bình Dương) bức xúc trước một số vụ việc lợi dụng người có ảnh hưởng, người nổi tiếng để quảng cáo trên mạng thời gian qua, đồng thời đề nghị cần có quy định để bảo vệ hình ảnh của họ.

Sử dụng hình ảnh người nổi tiếng để bán sản phẩm.

Còn nhớ, tháng 11/2020, trên Facebook cá nhân, Giáo sư Nguyễn Lân Dũng từng bức xúc khi hình ảnh của ông bị lấy ra để quảng cáo cho sản phẩm của một công ty dược. Gần đây, đại biểu Quốc hội Nguyễn Lân Hiếu trên Facebook cá nhân của mình cũng thể hiện thái độ khi hình ảnh Giáo sư Nguyễn Lân Dũng, bố ông, lại bị lợi dụng để quảng cáo cho loại thuốc chữa xương khớp. Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu nêu quan điểm “làm gì thì làm, buôn gì thì buôn nhưng đừng vì tiền bạc mà làm hại sức khoẻ người khác. Bố tôi không bị khớp và chắc chắn không bao giờ quảng cáo bất cứ loại thuốc nào”.

Đại biểu Nguyễn Quang Huân cho rằng, việc lấy hình ảnh của người có ảnh hưởng, người nổi tiếng để ghép với sản phẩm quảng cáo, trong khi người ta không mua, không dùng, không biết rõ chất lượng sản phẩm thế nào cần phải bị xử lý mạnh. Bởi sử dụng hình ảnh của họ mà không được phép để quảng cáo sản phẩm của mình, như vậy là làm oan người người có ảnh hưởng, người tiêu dùng tưởng người nổi tiếng đã quảng cáo là sản phẩm phải tốt thật, rồi ào ào mua, nhưng về sinh bệnh tật hoặc không khỏi, tốn tiền thành ra người có ảnh hưởng bị mang tiếng đi quảng cáo cho sản phẩm kém chất lượng, mặc dù về luật pháp, người có ảnh hưởng hay người nổi tiếng là ngoại phạm.

“Vì thế, luật cần bảo vệ người có ảnh hưởng, như thế cũng có nghĩa là bảo vệ người tiêu dùng không bị mắc bẫy của hành vi quảng cáo trá hình như thế”, đại biểu nêu quan điểm.

Đại biểu Nguyễn Quang Huân trong phiên thảo luận tổ sáng 2/11.

Theo đại biểu, cùng với quy định người có ảnh hưởng, người nổi tiếng không được sử dụng hình ảnh của mình để đi quảng cáo thì cũng cần có quy định bảo vệ người có ảnh hưởng, người nổi tiếng bị sử dụng hình ảnh cho hoạt động quảng cáo.

Tuy nhiên, đối với quy định người có ảnh hưởng, người nổi tiếng không được sử dụng hình ảnh của mình để quảng cáo, theo đại biểu Huân, phải cân nhắc, xem xét kỹ càng bởi nếu làm chặt quá, có thể hạn chế người nổi tiếng, người có tầm ảnh hưởng ngần ngại làm công tác cộng đồng, bởi có những người rất mong muốn được cống hiến cho cộng đồng thông qua những kinh nghiệm, hiểu biết, hay là những trải nghiệm tích cực.

Góp ý về quy định “xử lý vi phạm pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng” được quy định tại Điều 18 của dự thảo luật, đại biểu Đỗ Huy Khánh (đoàn Đồng Nai) cho rằng, quy định như trong dự thảo còn chung chung, nên chăng cần làm rõ, bởi thực tế khi người tiêu dùng mua phải sản phẩm kém chất lượng thì cần có chế tài xử lý thật mạnh.

Đại biểu Khánh dẫn chứng: “Vừa rồi, xuất hiện rất nhiều quảng cáo thực phẩm chức năng, thuốc chữa bách bệnh do các nghệ sĩ nổi tiếng quảng cáo, bán hàng trên mạng rùm beng. Tuy nhiên, khi cơ quan chức năng điều tra thì các sản phẩm này không có chức năng như vậy. Nghệ sĩ bị ảnh hưởng uy tín và chỉ xin lỗi là xong”.

Từ đó, đại biểu đoàn Đồng Nai đặt vấn đề, cần xử lý những nghệ sĩ đó như thế nào để không tái diễn. Đồng thời cũng cần xem xét lại các công ty, doanh nghiệp quảng cáo đó./.

Theo VOV.VN

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận