Và vấn đề xu thế cán bộ, công chức, viên chức nghỉ việc gia tăng trong 2 năm qua có liên quan gì tới việc tinh giản biên chế ở các bộ, ngành, địa phương?".
Bàn về vấn đề thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, nhiều đại biểu Quốc hội đặc biệt quan tâm đến vấn đề lãng phí nguồn nhân lực, nhất là trong khu vực công.
Tinh giản bộ máy không thể là cứu cánh cho nâng cao hiệu suất làm việc
Theo đại biểu Bế Trung Anh (đoàn Trà Vinh), trong tinh giản bộ máy giảm biên chế, hoạt động này xuất phát từ việc chúng ta giả định thể chế bộ máy nhà nước đang đi đúng quỹ đạo và các quy trình thủ tục chính xác nhưng năng suất lao động đang thấp. Tuy nhiên, đại biểu cho rằng giả định trên thiếu thuyết phục.
“Giảm biên chế, tinh giản bộ máy không thể là cứu cánh cho việc nâng cao hiệu suất làm việc của bộ máy, tăng năng suất lao động như chúng ta đang kỳ vọng. Chính vì dùng thuật ngữ năng suất lao động thấp khiến cho mọi con mắt đổ dồn đến năng lực, hiệu suất, thái độ làm việc của lao động, trong phần đông cán bộ công chức, viên chức. Điều này khiến họ rất khổ tâm, thiếu tự tin”.
Dẫn lại lời của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, đại biểu Bế Trung Anh nêu rõ giáo dục và y tế chất lượng không thấp như chúng ta nghĩ. Sinh viên tham dự các kỳ thi luôn đạt tính thành tích cao trong khu vực và thế giới. Công nhân thi tay nghề luôn đạt các giải đặc biệt. Đại biểu chia sẻ, trong thời gian qua đội ngũ cán bộ nhà giáo, đặc biệt là giáo viên vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã thực sự khó khăn khi thiếu giáo viên. Hay đội ngũ y bác sĩ bỏ việc, thậm chí chưa bỏ việc cũng đã phải làm từ sáng đến tối mà chưa thực hiện hết công việc của mình.
Đại biểu Bế Trung Anh cho rằng còn một sự thật nữa nên “mổ xẻ” để có được nhận định chính xác hơn. Đó là quy trình, thủ tục còn rườm rà, nhiều nội dung không còn phù hợp. Vì điều này mà năng suất lao động của chúng ta thấp, rất thấp. Các con số về năng suất lao động hàng năm cho thấy một dự báo rằng sẽ chúng ta sẽ khó đuổi kịp được các nước ở trong khu vực. Điều này càng chứng tỏ giải pháp tăng năng suất lao động hiện nay chưa đi vào trọng tâm của vấn đề.
Từ dẫn chứng trên, đại biểu Bế Trung Anh nêu rõ, nếu nhận định sai nguyên nhân cũng là một lãng phí, lãng phí này là lãng phí cơ hội, lãng phí đầu tư.
Theo đại biểu, nguyên nhân cho toàn bộ hạn chế là "việc chấp hành luật pháp còn chưa nghiêm". Đại biểu kiến nghị tìm chính xác các nguyên nhân của các tồn tại, hạn chế; nên cải cách thể chế theo định hướng “tăng năng suất chịu trách nhiệm”, đặc biệt là trách nhiệm của người đứng đầu và “không nên lãng phí luật”.
Đại biểu Đặng Bích Ngọc (đoàn Hoà Bình) cũng cho rằng, việc thực hiện tinh giản biên chế nhiều nơi, nhiều chỗ vẫn mang tính cơ học, chủ yếu vẫn đang ép giảm về số lượng, chưa gắn với việc cơ cấu lại, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức. Đặc biệt, việc sáp nhập các đơn vị hành chính cấp xã có những địa bàn ở vùng sâu, vùng xa, điều kiện đi lại, địa hình khó khăn nhưng vẫn thực hiện sáp nhập 2-3 xã thành một xã, điển hình có những nơi thực hiện sáp nhập 4 xã vào một xã.
Trụ sở làm việc ở những nơi đã sáp nhập bỏ hoang, trong khi nơi đặt trụ sở chính thực hiện nhiệm vụ lại chưa đáp ứng điều kiện, không đảm bảo đủ phòng làm việc theo tiêu chuẩn cho cán bộ, công chức. Có những xã vẫn phải sử dụng trụ sở tại 2 xã cũ, gây khó khăn trong việc đi lại của cán bộ, công chức và người dân. Có những nơi trụ sở mới được xây dựng nhưng khi sáp nhập lại bỏ hoang, gây lãng phí, xuống cấp nghiêm trọng, đến thời điểm này vẫn chưa được xử lý và giải quyết.
Người tài vào cơ quan nhà nước cũng khó phát huy năng lực
Cùng bàn về nội dung này, đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa (đoàn Đồng Tháp) đặc biệt quan tâm đến vấn đề chống lãng phí trong thu hút sử dụng nhân tài.
Theo đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa, dù đã có những chính sách hay, nhưng thực tế người tài khi được thu hút vào cơ quan nhà nước lại gặp nhiều khó khăn trong phát huy năng lực dẫn đến nhiều người chấp nhận an phận ngồi xếp hàng chờ cơ hội làm việc trái ngành hoặc đến lúc nào đó sẽ chán nản, rời bỏ vị trí.
Về vấn đề tinh giản biên chế, năm 2021 biên chế công chức giảm 10,01%, viên chức giảm 11,12% so với 2015, vượt chỉ tiêu theo nghị quyết của Đảng là tối thiểu 10%, đây là thành tích đáng ghi nhận. Nhưng vấn đề đặt ra là việc tinh giản biên chế liệu có chỉ đạt chỉ tiêu cơ học? Vấn đề công chức, viên chức nghỉ việc thời gian qua có liên quan gì tới tinh giản biên chế ở các bộ ngành địa phương. Dù chọn câu trả lời nào thì rõ ràng đang có sự lãng phí trong sử dụng nguồn nhân lực trong khu vực công.
“Vấn đề cần bàn là việc tinh giản biên chế có thực sự đạt mục tiêu đề ra hay chỉ đạt chỉ tiêu về mặt cơ học? Và vấn đề xu thế cán bộ, công chức, viên chức nghỉ việc gia tăng trong 2 năm qua có liên quan gì tới việc tinh giản biên chế ở các bộ, ngành, địa phương? Dù chọn câu trả lời nào thì rõ ràng ở đây đang có vấn đề lãng phí nguồn nhân lực ở khu vực sử dụng ngân sách nhà nước.
Chủ trương rất đúng, nhưng dường như kết quả thu lại là “giản” mà chưa “tinh”; vì đối tượng tinh giản chủ yếu đang tập trung ở những người nghỉ hưu đúng tuổi, chuyển công tác, chưa tinh giản được những người cần đưa ra khỏi bộ máy một bộ phận “sáng cắp ô đi, tối cắp ô về”, có “vị trí” nhưng khó bố trí “việc làm””, đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa chỉ rõ.
Một thực tế khác được đại biểu đoàn Đồng Tháp chỉ ra là khi càng tinh giản biên chế, áp lực, khối lượng công việc đối với những người làm được việc càng lớn. Trong khi họ ít cơ hội thăng tiến, ngạch và bậc lương vẫn theo thâm niên, bằng cấp chứ không theo vị trí việc làm và mức độ cống hiến;… Đây chính là những nguyên nhân khiến cho cán bộ, công chức rời khu vực công sang khu vực tư để tìm một môi trường làm việc tốt hơn, có cơ hội thăng tiến nhanh hơn, chế độ lương bổng cao hơn.
Đại biểu cho rằng, những con số liên quan đến công chức, viên chức nghỉ việc thời gian cho thấy lãng phí trong sử dụng nguồn lực chất lượng cao và đào tạo nhân lực chất lượng cao đang đặt ra nhiều vấn đề thách thức cần giải quyết.
“Trước đây, khu vực công hấp dẫn người lao động ở các tiêu chí như vào biên chế nhà nước, công việc ổn định lâu dài, có lương hưu…nhưng hiện nay, tiêu chí người lao động đặt ra là môi trường làm việc được phát huy năng lực cá nhân và tương ứng là mức thu nhập cao nên sẵn sàng thay đổi vị trí công việc”, đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa cho biết.
Từ thực tế trên, đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa đề nghị cần sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, tinh giản biên chế để khắc phục tồn tại của một bộ máy hành chính cồng kềnh, hoạt động chưa thực sự hiệu quả là chủ trương đúng. Chỉ tiêu tinh giản ít nhất 5% biên chế cán bộ, công chức và ít nhất 10% biên chế viên chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước trong 5 năm tới theo chủ trương của Bộ Chính trị là việc cần làm và phải làm khẩn trương, nhưng phải làm thế nào cho khoa học.
Đề nghị đưa vào nghị quyết của Quốc hội quản lý nguồn nhân lực, các chính sách thu hút nhân tài đúng theo tiêu chí hiền tài là nguyên khí quốc gia, cơ chế để tôn vinh, sử dụng đúng người tài. Cơ chế tiền lương cần đảm bảo hấp dẫn, tạo động lực cho người tài cống hiến./.
Nguyễn Trang/VOV.VN