Thảo luận về kết quả giám sát “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021” tại Kỳ họp thứ 4, sáng 31/10, đại biểu Trần Hữu Hậu (đoàn Tây Ninh) bày tỏ tâm đắc "dù trong sự ngậm ngùi" với đánh giá chung trong Báo cáo của Đoàn Giám sát, cũng là của Dự thảo nghị quyết của Quốc hội về kết quả giám sát là “việc thực hiện chính sách pháp luật về thực hành tiết kiệm chống lãng phí còn nhiều tồn tại, hạn chế; trong một số trường hợp thất thoát, lãng phí là rất lớn, nghiêm trọng, làm mất đi cơ hội phát triển”.
Đại biểu cho rằng, đó mới chỉ là bề nổi của tảng băng; mới chỉ là một phần của những lãng phí hữu hình có thể nhìn thấy được, chỉ ra được, đo đếm được… Đằng sau những lãng phí hữu hình ấy là những lãng phí vô hình với sức tàn phá lớn hơn nhiều, không chỉ “làm mất đi cơ hội phát triển” mà còn làm nghèo đất nước, làm lãng phí những nguồn lực quý giá của quốc gia, làm suy yếu bộ máy công quyền và có thể nó sẽ đe dọa sự tồn vong của chế độ”. Đó là lãng phí trách nhiệm.
Đại biểu cho biết, câu chuyện những bệnh viện đầu ngành xin thôi tự chủ; chuyện không thể đấu thầu thuốc, vật tư, thiết bị y tế trong các bệnh viện công ảnh hưởng lớn đến việc khám, chữa bệnh; chuyện không ít cán bộ, công chức, viên chức trong bộ máy nhà nước không làm hoặc không dám làm những việc cần phải làm đang làm trì trệ biết bao nhiêu việc lớn nhỏ trong bộ máy quản lý hành chính; gây ra lãng phí về thời gian, công sức, tiền bạc, cơ hội kinh doanh cho người dân và doanh nghiệp đã được các đại biểu nói rất nhiều trong 2 ngày thảo luận về kinh tế xã hội.
Ở một góc độ nào đó, những người trong cuộc bị đánh giá là thiếu tinh thần trách nhiệm; thiếu ý thức đấu tranh, thiếu năng động, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm… không hoàn toàn sai. Nhưng theo đại biểu Hậu, phần đông trong số họ là những người có lương tâm và trách nhiệm, chỉ có điều, tinh thần trách nhiệm của họ do nhiều nguyên nhân không được phát huy, bị lãng phí và gây nên những lãng phí không đo đếm hết được.
Dẫn chứng cho quan điểm của mình, đại biểu Trần Hữu Hậu nêu lại vướng mắc của các quy định liên quan đến sử dụng kinh phí chi thường xuyên trong thực hiện việc nâng cấp, cải tạo, sửa chữa các công trình công cộng cấp bách bị vướng quy định của Luật Đầu tư công khiến rất nhiều địa phương đang đau đầu trong việc sử dụng ngân sách thế nào cho có hiệu quả, đáp ứng những nhu cầu bức thiết của cử tri, của người dân mà không vi phạm các quy định.
Nhiều công việc cần thiết, nên làm bằng kinh phí chi thường xuyên để tiết kiệm thời gian, công sức, chi phí đáp ứng mong mỏi của cử tri… nhưng theo quy định phải sử dụng nguồn đầu tư công với quy trình thủ tục nhiêu khê, tốn kém nhiều công sức thời gian; không tương xứng với số vốn cần sử dụng cho công việc. Khi sử dụng sai nguồn chi họ có thể bị kiểm điểm, xuất toán, trong nhiều trường hợp phải tìm cho ra một cái tên của dự án để phù hợp quy định và tránh sự chú ý của cơ quan kiểm toán.
“Đó là một trong những việc không ai muốn làm nhưng không ít những người có trách nhiệm với dân, với công việc đang phải làm”, đại biểu Hậu nêu rõ.
Đại biểu cho biết, câu chuyện này đã từng được nêu lên ở kỳ họp thứ 3 và đã được cả Bộ trưởng GTVT và Tài chính xác nhận đây là một vướng mắc lớn với các địa phương và bộ ngành, cần phải sửa. Ngay sau đó, Bộ Tài chính đã khẩn trương soạn thảo Tờ trình để nếu được thì hoàn thiện hồ sơ trình ra kỳ họp thứ 4 này để Quốc hội ban hành nghị quyết về “Bổ sung quy định về việc sử dung kinh phí chi thường xuyên của ngân sách nhà nước để thực hiện xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp, mở rộng tài sản công hàng năm” nhằm khắc phục những bất cập trong triển khai thực hiện các vấn đề liên quan trong khi chưa sửa được luật đầu tư công.
“Nhưng gần nửa kỳ họp trôi qua đại biểu vẫn chưa thấy động tĩnh gì, lý do theo 1 vị có trách nhiệm trong Bộ Tài chính là: Vẫn chưa xong được”, đại biểu Hậu cho biết.
Đại biểu đoàn Tây Ninh cho rằng, trong sự việc này, tinh thần trách nhiệm của lãnh đạo, cán bộ, công chức Bộ Tài chính đang bị lãng phí và sự lãng phí ấy sẽ đưa đến những thiệt hại thế nào thì khó mà đong đếm hết được.
Nhưng theo đại biểu Hậu, lãng phí chắc chắn có thể nhìn thấy nếu Quốc hội không thông qua Nghị quyết về vấn đề này, là “những tháng cuối năm 2022 và năm 2023 sẽ có rất nhiều cán bộ công chức, viên chức không dám làm chuyện cần làm, đồng nghĩa với việc trách nhiệm của họ bị thất thoát; Không ít cán bộ, công chức, cơ quan đơn vị do lấy hiệu quả làm mục tiêu, lấy việc làm tròn trách nhiệm với dân, với địa phương, đơn vị làm trọng… mà tìm cách “lách” để làm sẽ phải giải trình với kiểm toán, thanh tra; cũng có thể sẽ có những cán bộ, công chức, viên chức sẽ bị kiểm điểm, nhắc nhở thậm chí xem xét kỷ luật…".
Trước đại biểu Trần Hữu Hậu, các đại biểu Siu Hương (đoàn Gia Lai), đại biểu Lê Minh Nam (đoàn Hậu Giang) đều kiến nghị cần hoàn thiện pháp luật trong thực hành tiết kiệm chống lãng phí. Dẫn báo cáo giám sát cho rằng “nhiều lĩnh vực, nhiều nội dung sai phạm là do văn bản pháp luật chưa hoàn thiện hoặc chưa đồng bộ”, đại biểu Siu Hương cho rằng đã đến lúc cần xem xét trách nhiệm của lãnh đạo cơ quan chủ quản dưới góc độ chưa làm tốt vai trò hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật trong lĩnh vực ngành mình quản lý.
Đồng thời tăng cường hơn nữa tính chủ động trong hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân các cấp. Hội đồng nhân dân cần nâng cao hơn nữa chất lượng và hiệu quả trong hoạt động giám sát ở địa phương, kiến nghị các giải pháp cũng như vướng mắc trong thực hiện pháp luật trên địa bàn, qua đó góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật.
Để việc thực hiện Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đạt hiệu quả tích cực hơn, đại biểu Lê Minh Nam kiến nghị những điểm mờ trong quản lý cần phải đặc biệt quan tâm, thúc đẩy nỗ lực thực hành tiết kiệm, phấn đấu sử dụng hiệu quả các nguồn lực dưới góc độ nâng cao ý thức trách nhiệm và hiểu biết về thực hành tiết kiệm chống lãng phí.
Băn khoăn với thực trạng một số tiêu chuẩn, định mức, chế độ đã lạc hậu từ lâu không còn phục phù hợp với thực tiễn nhưng chưa được sửa đổi, đại biểu Lê Minh Nam đề nghị cần quan tâm để sớm khắc phục tồn tại này. Đại biểu Nam cho rằng, ngoài việc xác định cụ thể những tồn tại, hạn chế trong ban hành chính sách pháp luật, định mức tiêu chuẩn chế độ thì phải lượng hóa định mức tiêu cụ thể, giá trị khối lượng, địa chỉ những hạn chế, tồn tại và khắc phục được tình trạng nêu chung chung./.
Nhóm PV/VOV.VN