Có nhiều vướng mắc khi thực hiện cơ chế tự chủ
Sau khi Quốc hội nghe báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh sửa đổi, đã có 25 ý kiến phát biểu và 3 đại biểu tranh luậnvề dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh sửa đổi. Các ý kiến phát biểu đều rất sâu sắc, trách nhiệm cao, trên tinh thần xây dựng. Qua thảo luận, nhiều ý kiến đánh giá cao tinh thần trách nhiệm khẩn trương, nghiêm túc tiếp thu, phối hợp chặt chẽ của cơ quan trình và cơ quan thẩm tra trong quá trình soạn thảo. Theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, đây là dự án luật quan trọng, định hướng hoạt động quản lý và sự phát triển bền vững của công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe của nhân dân cũng như cơ sở y tế, cán bộ y tế. Dự án này được cử tri, nhân dân, ngành y tế mong đợi và dư luận xã hội rất quan tâm.
Tuy nhiên, các đại biểu Quốc hội cho rằng, từ trường hợp Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện K xin thôi tự chủ, cho thấy có nhiều vướng mắc trong quá trình thực hiện tự chủ. Đại biểu Nguyễn Hải Dũng đoàn Nam Định cho rằng, việc tự chủ tài chính của các bệnh viện thời gian qua đã gây ồn ào dư luận một thời gian như việc Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện K đề nghị cấp có thẩm quyền cho thôi thực hiện cơ chế tự chủ toàn diện từ 2 năm nay. Điều này thể hiện có nhiều vướng mắc khi thực hiện cơ chế tự chủ tài chính của các bệnh viện nhà nước.
Còn đại biểu Trịnh Xuân An đoàn Đồng Nai cho hay, tự chủ cũng giống như một dòng sông được khơi thông thì con thuyền là các bệnh viện công đi trên đó sẽ được an toàn và rất tiện lợi, còn nếu chúng ta xác định không cẩn thận thì rất dễ bị đánh đắm con thuyền đó. Thực tế hiện nay cơ chế cho các bệnh viện tự chủ vừa rồi như Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện K thì gần như hiện tượng con thuyền đã bị đắm vì cơ chế không đầy đủ, không đến nơi đến chốn. Đặc biệt là 2 vấn đề lớn trong tự chủ về con người và vấn đề kinh phí đều không giải quyết được.
Đại biểu Hoàng Văn Cường đoàn TP Hà Nội:
Tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập nói chung, các đơn vị y tế công lập nói riêng là một xu thế tất yếu, song trong toàn bộ dự thảo luật chưa có nội dung nào đề cập đến cơ chế tự chủ của các cơ sở khám, chữa bệnh công lập. Cần phải quy định rõ tự chủ là trao quyền cho các bệnh viện được tự quyết định trong hoạt động khám, chữa bệnh, được quyền quyết định về tổ chức bộ máy và con người phù hợp với các hoạt động khám, chữa bệnh của bệnh viện, tự chủ trong quyết định những vấn đề về tài chính của bệnh viện, kể cả nguồn tài chính do ngân sách đầu tư. Quy định rõ những điều kiện để bệnh viện được thực hiện cơ chế tự chủ và xác định cấp độ tự chủ khác nhau để xác định quyền năng đi đôi với mức độ tự chủ mà bệnh viện đã đạt được.
|
Đại biểu Trần Khánh Thu đoàn Thái Bình nêu quan điểm, cơ chế tài chính là vấn đề hết sức quan trọng đối với hoạt động khám bệnh, chữa bệnh, tuy nhiên đây là vấn đề pháp luật còn nhiều bất cập, thiếu đồng bộ, chưa đầy đủ dẫn đến những khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện. Cơ chế tài chính cho các đơn vị sự nghiệp công lập thì được điều chỉnh chủ yếu bởi các văn bản cấp độ nghị định, như Nghị định 60/2021 quy định về cơ chế tự chủ tài chính của các đơn vị sự nghiệp công lập. Riêng lĩnh vực y tế từ năm 2012, Chính phủ ban hành Nghị định 85 về cơ chế hoạt động, cơ chế tài chính đối với đơn vị sự nghiệp y tế công lập và giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh của các cơ sở công lập, tuy nhiên đến nay chưa có nghị định để thay thế. Thực tế hiện nay các cơ sở y tế công lập đang gặp khó khăn trong việc thực hiện tự chủ. Hiện trong dự thảo luật đã có một mục về tài chính trong hoạt động khám bệnh, chữa bệnh, tuy nhiên vẫn chưa có điều khoản quy định về thực hiện tự chủ tại đơn vị y tế công lập như thế nào.
Chưa có hoạt động tổng kết, đánh giá nào về tự chủ bệnh viện
Nhiều đại biểu băn khoăn khi hàng chục nghìn cán bộ y tế xin nghỉ việc, rời bỏ các bệnh viện công, kể cả những bệnh viện lớn, nơi biết bao các y, bác sĩ mong muốn được làm việc ở đó. Đại biểu Hoàng Văn Cường đoàn TP Hà Nội chua xót thốt lên, không ít người ngỡ ngàng khi nghe tin Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện K là những bệnh viện lớn, nơi có đầy đủ các điều kiện, thế mạnh để thực hiện tự chủ thì lại xin thôi thực hiện cơ chế tự chủ, quay về được hưởng bao cấp từ ngân sách, trong khi rất nhiều các cơ sở y tế bấy lâu nay mong chờ được thực hiện tự chủ. Rất nhiều người đã có chung một nhận định việc các cán bộ y tế xin nghỉ việc tại các bệnh viện công; việc các bệnh viện lớn có danh tiếng luôn trong tình trạng quá tải vì được đông đảo khách hàng lựa chọn nhưng lại xin thôi tự chủ là một sự thất bại của chính sách trong cơ chế quản lý đối với bệnh viện công lập. “Nhiều người nhận định, tất cả những vấn đề nêu trên đều xuất phát từ nguyên nhân là cơ chế quản lý đang trói buộc, chưa cho phép các bệnh viện khai thác, phát huy hết các tiềm năng, lợi thế vốn có của mình”, đại biểu Cường khẳng định.
Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan đoàn TP Hồ Chí Minh lại cho rằng, chúng ta chỉ đang loay hoay làm thế nào để mức giá thanh toán theo bảo hiểm y tế thấp nhất, mà chỗ này cũng tùy thuộc vào khả năng của bảo hiểm y tế. Cho nên, cứ luẩn quẩn là giá thì làm sao thấp nhất, từ giá thuốc cho tới vật tư y tế, trang thiết bị… tất cả đều từ chuyện bảo hiểm y tế thanh toán như thế nào, thanh toán làm sao phải thật thấp và khi thấp nhất mức có thể thì chất lượng không thể nào cao. Thời gian qua, chúng ta đã ghi nhận những bệnh viện đầu ngành, những bệnh viện lẽ ra có thể với lượng chất xám, với lượng cán bộ, với cơ sở về bệnh viện khang trang và đồ sộ như vậy, nhưng cũng phải rút khỏi tự chủ là vì thực chất chưa có tự chủ.
Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu đoàn Bình Định:
Chúng ta cần phải có quy định tính đúng, tính đủ nhưng không làm tăng chi phí cho người dân. Mục tiêu là để cho các cơ sở, bệnh viện tự chủ được thì chúng ta cần tính đủ chi phí khám, chữa bệnh, số tiền bù ra sẽ do ngân sách, như khoản 4, Điều 100 trong luật sửa đổi đã quy định rõ ràng và nên bổ sung thêm nguồn tiền từ Quỹ Bảo hiểm y tế khác nhau và phải có hiệu lực ngay sau luật ban hành, không nên đợi 5 năm nữa. 5 năm nữa mới tính đúng, tính đủ, mới có sự bù của ngân sách hay của bảo hiểm thì các bệnh viện chắc chắn sẽ không tự chủ được. Nếu tính đúng, tính đủ theo cách có bù của ngân sách, của các quỹ bảo hiểm y tế thì tôi nghĩ các bệnh viện huyện, bệnh viện tỉnh cũng có thể triển khai được. Hiện nay theo cách này thì rất khó khăn cho y tế cơ sở.
|
Chúng ta tiến hành xã hội hóa và tự chủ bệnh viện, nhưng tới giờ vẫn chưa hề có hoạt động tổng kết, đánh giá chính thức nào về những mô hình này. Nếu như không tổng kết, đánh giá một cách chính thức, không mổ xẻ thì làm sao biết được là yếu chỗ nào và làm sao mà đề ra được những giải pháp. Thực sự là chúng ta chỉ chạy theo những sự cố, nay nó bị thế này, mai nó bị thế kia và hậu quả hiện nay chính là bệnh viện thì thiếu thuốc, thiếu trang thiết bị, vật tư y tế, nhân viên y tế thì sợ hãi, không dám làm, không dám chủ động, sáng tạo và xin nghỉ nhiều, cũng như là nhiều bệnh viện xin rút không tự chủ. Cho nên, tôi đề nghị cần phải có tổng kết, đánh giá quá trình tự chủ bệnh viện.