Dự án Luật Dầu khí sửa đổi: Tránh lạm dụng quy trình rút gọn, gây thất thoát, lãng phí

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, chiều ngày 25/10, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Dầu khí sửa đổi.

 

Chưa gắn trách nhiệm nếu xảy ra sự cố về môi trường

Đánh giá cao sự chủ động, tích cực của cơ quan chủ trì soạn thảo, cơ quan thẩm tra và các cơ quan liên quan trong việc xây dựng và hoàn thiện dự thảo Luật Dầu khí sửa đổi. Song nhiều đại biểu còn băn khoăn về vấn đề bảo vệ môi trường trong các hoạt động dầu khí. Đại biểu Nguyễn Đại Thắng đoàn Hưng Yên cho hay, về vấn đề bảo vệ môi trường trong các hoạt động dầu khí. Đây là một trong những nội dung được cử tri và nhân dân quan tâm nhiều cũng như các đại biểu Quốc hội. Tuy nhiên, nội dung này quy định tại dự thảo luật còn chưa cụ thể, dẫn đến khó khăn khi triển khai thực hiện trong thực tiễn, chưa gắn được trách nhiệm nếu xảy ra sự cố về môi trường. “Tôi đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu có thể bổ sung thêm một chương riêng trong dự thảo luật quy định những nguyên tắc cơ bản về bảo vệ môi trường trong hoạt động thăm dò, khai thác dầu khí. Nội dung này giao Chính phủ quy định chi tiết thi hành, vì ngoài mục tiêu phát triển kinh tế, việc quy định rõ trong luật phải bảo đảm không làm ô nhiễm môi trường trong hoạt động thăm dò, khai thác dầu khí là cần thiết”, đại biểu Nguyễn Đại Thắng nói.

Đại biểu Trịnh Minh Bình đoàn Vĩnh Long đề nghị, cơ quan soạn thảo cần có quy định mức sàn về khoa học, công nghệ để sàng lọc những nhà thầu với kỹ thuật cũ trong khai thác dầu khí để hạn chế những quy định về môi trường và lãng phí về tài nguyên của đất nước. Nghiên cứu bổ sung quy định về bảo vệ môi trường trong quá trình khai thác dầu khí, quy định về an ninh quốc gia, an ninh năng lượng của đất nước để đề phòng khi đất nước chúng ta có sự khủng hoảng về kinh tế hoặc khi có chiến tranh thì chúng ta sẽ sử dụng nó như thế nào.

Theo đại biểu Hoàng Thị Thanh Thúy đoàn Tây Ninh, Ban soạn thảo cần cân nhắc bổ sung quy định về phòng, chống sự cố dầu khí, bởi sự cố dầu khí khi xảy ra thường là rất nghiêm trọng, để xử lý cần phải có sự tham gia của nhiều bên, những kỹ thuật và chuyên môn đặc thù. Thực tế trong các vụ cháy nổ, giàn khoan, kho chứa, sự cố tràn dầu trên thế giới cho thấy hơn bao giờ hết tầm quan trọng của chế định về phòng ngừa, xử lý sự cố tràn dầu trong hệ thống chính sách về dầu khí. Phòng, chống rủi ro luôn là một công tác đặc biệt quan trọng trong hoạt động dầu khí của các doanh nghiệp và cả cấp quốc gia, tuy nhiên dự thảo Luật Dầu khí sửa đổi không có điều khoản quy định về sự cố dầu khí mà chỉ nêu một số quy định yêu cầu về kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố nói chung hoặc là sự cố về môi trường.

Không để lặp lại bài học mỏ Junin ở Venezuela

Đại biểu Nguyễn Trường Giang, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Quốc hội, phân tích, theo Điều 67 của dự thảo luật dự kiến sửa khoản 3, Điều 10, Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, theo đó là hạ thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp đối với hợp đồng dầu khí ở mức tối thiểu từ 32% xuống 25%, tức là từ 25% đến 50% và bỏ quy định giao Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành điều khoản này. Ở đây có mấy vấn đề đặt ra như sau: Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp dự kiến sửa đổi thì khung giá khung thuế suất từ 25% đến 50%. Trong luật này lại quy định đối với ưu đãi đặc biệt là 25%, tức là mức thấp nhất, ưu đãi là 32%.

Bây giờ vấn đề đặt ra là khi nào áp dụng 45%, khi đó áp dụng 50%. Trong khi khoản 3, Điều 10, Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp hiện hành thì giao Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành điều này, nghĩa là trong quá trình triển khai ký kết các hợp đồng dầu khí thì Chính phủ sẽ hướng dẫn khi nào áp dụng mức 32%, khi nào thì 40%, khi nào 50%. Nhưng trong đợt này chúng ta ấn định ngay hai thứ, đó là ưu đãi đặc biệt thì 25%, ưu đãi là 32%, bỏ quy định tại khoản 3, Điều 10 giao Chính phủ quy định chi tiết. Từ phân tích này, đại biểu Nguyễn Trường Giang cho rằng việc quy định như vậy là không hợp lý.

“Đối với hợp đồng dầu khí hưởng chính sách ưu đãi đầu tư đặc biệt thì hưởng thuế suất là 25%. Đối với các hợp đồng dầu khí khác, theo phương án 1 giao Chính phủ quyết định trong khung từ 25% - 50% hoặc giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định trên cơ sở Chính phủ trình, giống như mức thuế suất tuyệt đối đối với xăng, dầu, thuế bảo vệ môi trường là từ 1.000 - 3.000, thì ở đây quy định là 25-50%, đối với các loại khác sẽ giao cho Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định thuế xuất cụ thể đối với các hợp đồng dầu khí cụ thể”, đại biểu Nguyễn Trường Giang đề nghị.

Đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh đoàn Khánh Hoà:Về điều tra cơ bản về dầu khí, tôi đề nghị cần quy định cụ thể trong dự thảo luật đợt này. Nếu trên 100 triệu USD thì giao cho Thủ tướng Chính phủ quyết định. Trên 200 triệu USD thì nên giao thẩm quyền Quốc hội quyết định, vì đó là đầu tư lớn, phải có phân bổ rủi ro.

Nhắc lại bài học thất bại của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) khi đầu tư tại mỏ Junin (dự án đầu tư ra nước ngoài bị thua lỗ của PVN tại Venezuela), cũng như một số dự án đầu tư khác, và lưu ý cần có quy định hạn chế rủi ro. Đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh đoàn Khánh Hoà cho rằng, quy định tại Luật Dầu khí lần này phải lưu ý để tránh được nguy cơ lạm dụng quy trình rút gọn trong Luật Dầu khí để gây thất thoát, lãng phí, tham nhũng. Việc PVN mất nửa tỷ USD đầu tư vào các mỏ Junin ở Venezuela trong khi chưa thẩm định đánh giá giá trị các thông tin mỏ là một bài học của Việt Nam, trong khi nước ta còn nghèo, PVN phải rút được bài học từ vụ Junin và các vụ đầu tư thất bại của mình để làm sao những sai lầm lần này không lặp lại.

“Công tác điều tra cơ bản về dầu khí là hoạt động có tính rủi ro cao, nhu cầu vốn lớn, cần huy động nguồn lực từ các tổ chức, cá nhân khác ngoài nguồn ngân sách nhà nước để thực hiện. Việt Nam chưa có nhiều kinh nghiệm, vì vậy cần khuyến khích các nhà đầu tư quốc tế tham gia vào và tự chịu rủi ro, nếu PVN đầu tư ra nước ngoài thì PVN cũng chỉ đầu tư sau khi thẩm định kết quả điều tra cơ bản từ công ty quốc tế có uy tín, tuyệt đối không để lặp lại bài học mỏ Junin ở Venezuela một lần nữa”,đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh nhấn mạnh.

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận