Cấm hành vi thu dung, khuyến mại người đến khám bệnh, chữa bệnh để trục lợi

Sáng 24/10, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh báo cáo trước Quốc hội việc tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi).

 

Báo cáo trước Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban xã hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, một số ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị cấm hành vi thu dung, khuyến mại người đến khám bệnh, chữa bệnh, cấm người nhà bệnh nhân sử dụng chất kích thích khi vào cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, cấm có nồng độ cồn trong máu, hơi thở khi khám bệnh và chữa bệnh.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, dự thảo Luật đã có quy định cấm các hành vi nhằm mục đích trục lợi trong khám bệnh, chữa bệnh tại khoản 12 Điều 7, trong đó bao gồm cả hành vi thu dung, khuyến mại người đến khám bệnh, chữa bệnh để trục lợi. Quy định người đại diện, người đến thăm hoặc người chăm sóc của người bệnh phải chấp hành nội quy của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tại Điều 17 của dự thảo Luật; Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia cũng đã quy định cấm có nồng độ cồn trong máu, hơi thở khi khám bệnh và chữa bệnh.

Có ý kiến đề nghị bổ sung hành vi cấm đăng tải các thông tin sai sự thật về các sự cố y khoa khi chưa có kết luận của cơ quan có thẩm quyền, bà Nguyễn Thúy Anh cho biết, tiếp thu một phần ý kiến góp ý, dự thảo Luật được chỉnh lý bổ sung một khoản theo hướng cấm đăng tải các thông tin mang tính quy kết về trách nhiệm của người hành nghề, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khi xảy ra sự cố y khoa mà chưa có kết luận của cơ quan có thẩm quyền như thể hiện tại khoản 20 Điều 7 dự thảo Luật.

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh báo cáo trước Quốc hội.

Về xã hội hóa trong hoạt động khám bệnh, chữa bệnh, Chủ nhiệm ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh báo cáo tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật đã chỉnh lý theo 2 phương án và gửi xin ý kiến các Đoàn đại biểu Quốc hội, Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội. Qua quá trình lấy ý kiến, đa số ý kiến lựa chọn Phương án 2, đó là quy định rõ các hình thức xã hội hóa, đặc biệt chỉ rõ hình thức đầu tư theo phương thức đối tác công tư chỉ áp dụng trong việc thành lập cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, xây dựng cơ sở hạ tầng và giao Chính phủ quy định chi tiết, đồng thời, các Đoàn đại biểu Quốc hội, Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội đã góp ý vào một số nội dung của phương án này.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin phép tiếp thu theo Phương án 2 là phương án của đa số ý kiến các đoàn đại biểu và chỉnh lý tại các khoản cụ thể về các nội dung xã hội hóa trong khám bệnh, chữa bệnh như thể hiện tại Điều 107 dự thảo Luật.

Về giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo cơ quan chủ trì thẩm tra phối hợp với cơ quan chủ trì soạn thảo trong việc tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội và dự kiến chỉnh lý dự thảo Luật theo 2 phương án như đã gửi xin ý kiến các đoàn đại biểu Quốc hội. Theo đó, 17 đoàn đề nghị lựa chọn phương án 1 và 20 đoàn đề nghị lựa chọn phương án 2. Tuy nhiên, qua quá trình tiếp thu, chỉnh lý, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thấy rằng, dự án Luật Giá (sửa đổi) đang được trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp này; nguyên tắc, phương pháp tính giá cũng như thẩm quyền quyết định giá cần được quy định tại Luật chuyên ngành về giá để đảm bảo tính bao quát, toàn diện, do đó, xin phép Quốc hội cho phép tại Điều 108 chỉ quy định về chi phí khám bệnh, chữa bệnh, việc quản lý, kiểm soát chi phí khám bệnh, chữa bệnh và các yếu tố căn cứ tính giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh, đồng thời, bổ sung quy định ngân sách nhà nước chi bù các khoản chi phí chưa được tính trong giá khám bệnh, chữa bệnh đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước tại khoản 4 Điều 106 dự thảo Luật và quy định lộ trình thực hiện việc chi bù này được áp dụng từ 01/01/2027 tại khoản 7 Điều 118.

Ngoài các vấn đề lớn nêu trên, Báo cáo đã nêu 14 nhóm vấn đề khác với 54 nội dung cụ thể bao gồm: nguyên tắc trong hành nghề khám bệnh, chữa bệnh; trách nhiệm quản lý nhà nước về khám bệnh, chữa bệnh; quyền và nghĩa vụ của người bệnh; các vấn đề liên quan đến cấp phép hành nghề, cấp phép hoạt động; quyền và nghĩa vụ của người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh, của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; quy định chuyên môn kỹ thuật; về điều kiện đảm bảo công tác khám bệnh, chữa bệnh; huy động, điều động nguồn lực phục vụ công tác khám bệnh, chữa bệnh trong trường hợp xảy ra thiên tai, thảm họa và dịch bệnh truyền nhiễm nhóm; giải thích từ ngữ … và về quy trình thủ tục.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo nghiên cứu kỹ lưỡng để tiếp thu tối đa ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội và các cơ quan, tổ chức hữu quan, cũng như rà soát, tiếp thu, chỉnh lý về từ ngữ, văn phong, kỹ thuật lập pháp ở hầu hết các điều, khoản của dự thảo Luật; bổ sung 16 điều, bỏ 1 điều. Dự thảo Luật sau khi chỉnh lý gồm 12 chương và 121 điều, nhiều hơn 15 điều so với dự thảo trình Quốc hội tại kỳ họp thứ ba./.

Nguyễn Trang/VOV.VN

 

Bình luận

    Chưa có bình luận