Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp thứ 16 đã cho ý kiến về báo cáo sơ kết 3 năm thực hiện Nghị quyết số 115/2020/QH14 ngày 19/6/2020 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách tài chính – ngân sách đặc thù đối với Thành phố Hà Nội.
Cần sớm nghiên cứu thu phí, lệ phí nhằm góp phần giảm ùn tắc giao thông
Nghị quyết 115 cho phép Thành phố được áp dụng một số khoản thu phí phù hợp với đặc điểm của Hà Nội để đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng và chi hoạt động kinh tế, khoa học, công nghệ, giáo dục, y tế, phúc lợi xã hội gồm: Ban hành mới phí chưa được quy định trong Danh mục Điều chỉnh mức hoặc tỷ lệ thu đã được cấp có thẩm quyền quyết định đối với loại trong Danh mục phí, lệ phí ban hành kèm theo Luật Phí và lệ phí, trừ các loại phí thuộc nguồn thu của ngân sách trung ương hưởng 100%.
Báo cáo của Chính phủ cho thấy, UBND Thành phố đã chỉ đạo Cục Thuế Thành phố chủ trì, phối hợp với các thành viên Bộ phận thường trực triển khai Luật Phí và lệ phí ban hành 14 văn bản phối hợp, hướng dẫn, đôn đốc các sở, ban, ngành thuộc Thành phố, UBND các quận, huyện, thị xã rà soát, đề xuất các khoản phí cần sửa đổi, bổ sung và 16 văn bản tổng hợp, tham mưu UBND Thành phố ban hành các văn bản chỉ đạo các sở, ban, ngành thực hiện.
Cùng với đó là giao Viện Nghiên cứu phát triển KT-XH Thành phố rà soát, nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế trong lĩnh vực phí và thực tiễn thu phí trên địa bàn, làm cơ sở đề xuất điều chỉnh, bổ sung mức/tỷ lệ thu phí.
Đến nay, các cơ quan, đơn vị đã có 6 Đề án. Riêng Đề án “Thu phí phương tiện cơ giới đường bộ vào một số khu vực trên địa bàn Thành phố có nguy cơ ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường”, UBND Thành phố đã tổ chức họp và cho ý kiến lần 1 vào tháng 11/2020 và lần 2 vào tháng 10/2021, trên cơ sở đó sẽ hoàn thiện để trình HĐND Thành phố vào thời điểm phù hợp.
Thẩm tra báo cáo của Chính phủ, Thường trực Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội đánh giá bên cạnh một số kết quả đạt được, trong bối cảnh chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19, việc triển khai Nghị quyết còn khó khăn, hạn chế.
Cụ thể như tiến độ thực hiện một số quy định trong Nghị quyết 115 còn chậm, trong đó có chính sách về phí thuộc thẩm quyền, đến nay, UBND Thành phố mới báo cáo HĐND thông qua 1/6 Đề án phí Nghị quyết về sửa đổi mức thu phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản trên địa bàn Hà Nội, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2023.
Thường trực Ủy ban TCNS cũng cho rằng việc sửa đổi mức thu, ban hành các khoản thu mới là phù hợp thẩm quyền quy định trong Nghị quyết, song trong thực hiện cũng cần đánh giá cẩn trọng, tránh làm tăng thêm gánh nặng cho người dân, doanh nghiệp trên địa bàn.
“Đối với một số lĩnh vực như giao thông, đề nghị thời gian tới, Thành phố chủ động, tích cực trong việc nghiên cứu, ban hành các chính sách về phí, lệ phí nhằm góp phần giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông như mục tiêu ban đầu đề ra khi trình thông qua Nghị quyết” – cơ quan thẩm tra nhấn mạnh.
Có thẻ thì thu phí đơn giản
Báo cáo thêm tại phiên họp, ông Trần Sỹ Thanh - Chủ tịch UBND TP Hà Nội nói rằng, dù mới về Hà Nội được 3 tháng nhưng ông thấy có việc làm được, có việc chưa được, nhưng tinh thần chung là cán bộ, đảng viên và nhân dân rất phấn khởi đón nhận Nghị quyết, thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Quốc hội đối với sự nghiệp phát triển Thủ đô.
Riêng với chính sách về phí thuộc thẩm quyền, Hà Nội cũng đã trăn trở thực hiện, “cũng trục trặc về kỹ thuật một chút, đặc biệt ảnh hưởng của dịch COVID-19”. Ông cũng kiến nghị nếu được thì trong một cấp độ nào đó có thể quy định mỗi một xe ô tô nên định danh cá nhân xe đấy, bắt buộc mỗi xe phải có một thẻ và phải có một số dư. Khi có thẻ, có tài khoản thì sẽ làm rất nhiều việc, kể cả thu phí xe vào nội đô lúc cao điểm cũng rất đơn giản.
“Có thẻ như thế, đi qua là mình thu. Bây giờ chặn lại để thu, dán tem, dán thẻ làm sao được, bất khả thi! Chỉ cần việc duy nhất là quy định yêu cầu mỗi một xe ô tô phải có thẻ và phải có tài khoản có số dư thì tôi khẳng định cả nước làm được rất nhiều việc chứ không phải chỉ có chuyện thu phí. Đề nghị Quốc hội quan tâm thêm ý đó” – ông Trần Sỹ Thanh nói.
Cho ý kiến tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ một lần nữa khẳng định việc Quốc hội ban hành Nghị quyết 115 là rất cần thiết, quá trình thực hiện đã chứng minh tính đúng đắn, nhất là đã phát huy được một số cơ chế, chính sách rất cụ thể, hỗ trợ cho phát triển kinh tế - xã hội của trung tâm lớn của đất nước.
Tuy vậy, do các nguyên nhân khách quan và chủ quan khác nhau, nhất Hà Nội 3 năm thực hiện chính sách này thì mất 2 năm chịu ảnh hưởng của COVID-19 nên các chính sách triển khai chưa thực sự đồng đều, có chính sách hiệu quả chưa cao, tác động còn có hạn chế.
Tuy vậy, ông cũng lưu ý tình hình chung không chỉ có Hà Nội, TP.HCM mà các địa phương khác cũng thế, khi có cơ chế, chính sách đặc thù, thường là những cơ chế để sử dụng các nguồn ngân sách thì các cơ quan, đơn vị tích cực đề xuất hơn, vì là chi nên dễ hơn. Còn những cơ chế, chính sách để động viên, khai thác, sử dụng các nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội còn rất hạn chế.
“Nếu như Hà Nội quản lý tốt thu phí dừng, đỗ ô tô thì nguồn lực không phải là ít nhưng vẫn chưa làm được. Những thành phố như Sydney mỗi năm thu đến 2 tỷ USD tiền dừng, đỗ ô tô. Nguồn lực rất lớn, nhưng việc này đang còn có lúng túng nhất định” – Chủ tịch Quốc hội gợi ý, đồng thời cũng cho rằng đây là việc khó, nhất là trong thời gian nghiên cứu thực hiện thì chịu tác động của đại dịch, hoạt động kinh tế và cuộc sống của người dân gặp nhiều khó khăn, dù các khoản này cuối cùng cũng quay trở lại phục vụ người dân và doanh nghiệp.
Lưu ý thời gian thí điểm chỉ còn vài năm, ông Vương Đình Huệ đề nghị Hà Nội chủ động đánh giá sớm hơn cũng như đề xuất một số nội dung chính sách mới khi tiến hành tổng kết Nghị quyết 115 để ban hành được ngay, rút kinh nghiệm từ TP.HCM đã đến thời điểm tổng kết nhưng do chưa kịp đề xuất các chính sách mới nên tại Kỳ họ thứ 4 tới đây phải xin Quốc hội cho phép tiếp tục thực hiện Nghị quyết 54 về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM thêm 1 năm./.
Ngọc Thành/VOV.VN