Quốc hội kiện toàn một số chức danh cấp cao tại kỳ họp thứ 4

Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về công tác nhân sự để trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 4 và công tác nhân sự thuộc thẩm quyền của UBTVQH.

 

Phát biểu khai mạc phiên họp thứ 16 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 10/10, ông Vương Đình Huệ nhấn mạnh Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ nghe và cho ý kiến, chuẩn bị các nội dung liên quan đến kiện toàn chức danh Tổng Kiểm toán Nhà nước và một số vị trí bộ trưởng, trưởng ngành trong bộ máy Chính phủ theo đề nghị của Thủ tướng.

Bên cạnh đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng về miễn nhiệm đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước CHXHCN Việt Nam.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu khai mạc phiên họp thứ 16 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Liên quan tới công tác nhân sự, tại Hội nghị lần thứ 6 vừa qua, Ban Chấp hành Trung ương đã cho ý kiến về nhân sự để Bộ Chính trị quyết định giới thiệu Quốc hội bầu chức danh Tổng Kiểm toán Nhà nước và phê chuẩn các chức danh Bộ trưởng Bộ Y tế, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải tại kỳ họp thứ tư Quốc hội khoá XV.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng cho biết, trong phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về phương án điều chỉnh tiền lương cơ sở. Đây là chủ trương vừa được Trung ương thống nhất. Ngoài khu vực kinh tế tư nhân, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang… thì lần này sẽ xem xét điều chỉnh tiền lương với khối doanh nghiệp Nhà nước.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng sẽ cho ý kiến về việc thực hiện Nghị quyết 30 của Quốc hội quy định những giải pháp đặc thù, đặc cách, đặc biệt cho Chính phủ trong công tác phòng chống dịch và Báo cáo tổng kết Nghị quyết 54 về thí điểm cơ chế chính sách đặc thù phát triển TP.HCM.

Theo Chủ tịch Quốc hội, Nghị quyết 30 sẽ hết hiệu lực trong năm nay. Chính phủ đã có báo cáo đánh giá tổng kết và đề xuất cơ chế chính sách mới thay cho Nghị quyết 54 nhưng hiện chưa chuẩn bị kịp nên đề xuất kéo dài Nghị quyết 54 đến hết năm sau.

Liên quan đến tháo gỡ vướng mắc cho một số dự án BOT, Chủ tịch Quốc hộ Vương Đình Huệ nhấn mạnh cần cho ý kiến kỹ lưỡng về cơ sở chính trị, căn cứ pháp lý và thẩm quyền trong vấn đề này trên tinh thần sâu sát với thực tế.

Về nguyên lý, trước hết phải xem xét hợp đồng các bên thực hiện thế nào. Vướng mắc này do bản thân phía đại diện Nhà nước, doanh nghiệp hay trách nhiệm nhiệm của nhà đầu tư ra sao.

“Nếu nhà đầu tư thực hiện không nghiêm hợp đồng mà đẩy trách nhiệm cho Chính phủ, Quốc hội quyết định thế này có hợp lý không, vì xử với những dự án này còn những dự án khác nữa”, ông Vương Đình Huệ lưu ý.

Chủ tịch Quốc hội khẳng định tinh thần chủ động tháo gỡ tồn tại, vướng mắc nhưng phải bàn thảo thảo kỹ lưỡng để thấu lý đạt tình vì trước hết, khi trình ra Quốc hội phải đúng luật.

Cũng tại phiên họp 16, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về các báo cáo của Chính phủ về: tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2022, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023; dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2023 (tỷ lệ phần trăm phân chia giữa ngân sách trung ương và ngân sách địa phương giai đoạn 2023-2025); kết quả thực hiện kế hoạch đầu tư công năm 2022; dự kiến kế hoạch đầu tư công năm 2023

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng tham gia ý kiến về dự thảo báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi đến kỳ họp thứ 4 của Quốc hội; cho ý kiến về các báo cáo: Kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 3 của Quốc hội; Kết quả tiếp công dân, tiếp nhận xử lý đơn thư của công dân và kết quả giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân gửi đến Quốc hội năm 2022; xem xét báo cáo công tác dân nguyện của Quốc hội tháng 09/2022; chuẩn bị cho kỳ họp thứ 4 Quốc hội khoá XV./.

Theo VOV.VN


 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận