Hội nghị Trung ương 6: Tự cường trong công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước

Quá trình CNH, HĐH không còn chủ yếu dựa vào các doanh nghiệp nhà nước, mà có sự tham gia tích cực của khu vực kinh tế tư nhân, các nhà đầu tư nước ngoài.

 

Trong những năm qua, chủ trương, đường lối về đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đã được Đảng quan tâm xây dựng, hoàn thiện và chỉ đạo triển khai thực hiện, đồng bộ, xuyên suốt. Đây là một trong những nội dung hội nghị Trung ương 6 khóa XIII tập trung bàn và cho ý kiến. Theo các chuyên gia, để thúc đẩy tiến trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đáp ứng được yêu cầu mới, cần cụ thể hóa chủ trương, đường lối mà Nghị quyết ĐH Đảng XIII đã đề ra.

Trong hơn 35 năm đổi mới, nhất là trong 10 năm vừa qua (2011 - 2021), toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đã nỗ lực phấn đấu, không ngừng đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá, đạt được nhiều kết quả, thành tựu quan trọng, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế ở mức cao, đạt bình quân 6,17%/năm, chất lượng tăng trưởng được cải thiện, quy mô nền kinh tế tăng nhanh, cơ cấu kinh tế và cơ cấu lao động chuyển dịch tích cực với tỉ trọng đóng góp của công nghiệp và dịch vụ vào GDP đạt khoảng 72,7% năm 2020, đưa nước ta trở thành nước đang phát triển có mức thu nhập trung bình. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khác nhau, chúng ta vẫn chưa thực hiện được mục tiêu trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020.

Ông Nguyễn Quang Huân, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Halcom Việt Nam.

Đây cũng là điều được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ rõ trong bài phát biểu khai mạc Hội nghị Trung ương 6: "Các đột phá chiến lược chưa có sự bứt phá. Tăng trưởng kinh tế không đạt được mục tiêu chiến lược đề ra, tốc độ có xu hướng giảm dần theo chu kỳ 10 năm. Nội lực của nền kinh tế còn yếu; năng lực độc lập, tự chủ thấp, còn phụ thuộc nhiều vào khu vực có vốn đầu tư nước ngoài. Năng suất lao động thấp và chậm được cải thiện. Khu vực kinh tế tư nhân trong nước chưa đáp ứng được vai trò là một động lực quan trọng thúc đẩy công nghiệp hoá, hiện đại hoá; doanh nghiệp Nhà nước còn nhiều hạn chế. Quá trình đô thị hoá cũng chưa đồng bộ, chưa thực sự gắn kết chặt chẽ với công nghiệp hoá, hiện đại hoá và xây dựng nông thôn mới. Các vấn đề về phát triển văn hoá, xã hội, con người, bảo vệ môi trường cũng còn nhiều hạn chế, bất cập, chưa đồng bộ với phát triển kinh tế..."

Trước thực tế này, một số ý kiến cho rằng, nếu không chú trọng các yếu tố về công nghệ, chỉ dựa vào nguồn lao động giản đơn, giá rẻ thì giá trị gia tăng sẽ không cao, khi đó đất nước sẽ rất khó bứt phá để phát triển. Chính vì vậy, điều quan trọng là cần chú trọng ứng dụng công nghệ hiện đại vào quá trình sản xuất mới đem lại hiệu quả cao trong các hoạt động của doanh nghiệp, nâng cao năng suất lao động...

Ông Nguyễn Quang Huân, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Halcom Việt Nam cho biết: "Công nghệ là phương cách tăng năng suất lao động. Ở Halcom ngay từ đầu chúng tôi cũng đã đi theo hướng này, đối với lực lượng lao động giản đơn là rất ít, chủ yếu là lao động trí thức và áp dụng các công nghệ tân tiến của nước ngoài. Chúng tôi xác định, khi chúng ta lựa chọn đúng công nghệ thì sẽ đạt được thành quả cho năng suất cao và những dự án thành công. Việc sản xuất công nghiệp tham gia vào chuỗi chế biến, chế tạo, muốn nâng cao năng suất tại trong chuỗi giá trị cũng phải dựa vào công nghệ".

Chuyên gia kinh tế Lê Duy Bình.

Chuyên gia kinh tế Lê Duy Bình đánh giá, trong thời gian qua đã có sự trỗi dậy một số ngành công nghiệp nhẹ, như ngành công nghiệp dệt may, da dày, điện tử, cơ khí… việc hình thành một số ngành công nghiệp quan trọng như cơ khí, luyện thép, đóng tàu, năng lượng… dịch chuyển trong ngành công nghiệp, cũng có một số những tín hiệu tích cực; đó là sự chuyển dịch sang ngành công nghiệp có hàm lượng công nghệ cao hơn, vốn cao hơn, giảm tỷ trọng trong công nghiệp khai khoáng.

Đặc biệt quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa hiện không còn chủ yếu dựa vào các doanh nghiệp nhà nước nữa, mà có sự tham gia rất tích cực của khu vực kinh tế tư nhân, các nhà đầu tư nước ngoài… Điều này đã đóng góp cho chúng ta có nhiều ngành công nghiệp mới, từ đó hình thành được một số ngành công nghiệp như: ô tô, ô tô điện, năng lượng tái tạo, cơ khí chế tạo máy và một số người khác…

Tuy nhiên cũng cần nhìn nhận, tiến trình công nghiệp hóa đó chưa đạt được như mong muốn, chưa đạt được mục tiêu đặt ra, cùng với đó, hiện tỷ trọng công nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài nhiều, trong khi tỷ trọng của Việt Nam lại ít; ngành công nghiệp hỗ trợ chưa phát triển…

Chuyên gia kinh tế Lê Duy Bình cho rằng: "Cấp độ công nghiệp hóa của chúng ta vẫn chưa đạt được như mong muốn; Những giá trị gia tăng của ngành công nghiệp Việt Nam còn thấp; tỷ trọng đóng góp của doanh nghiệp tư nhân trong nước đối với quá trình công nghiệp hóa chưa cao... Ngành công nghiệp phụ trợ trong nước chưa phát triển, chúng ta mới chủ yếu thực hiện trong lĩnh vực gia công, lắp ráp… mà chưa có nhiều những đầu tư phát triển trong lĩnh vực như thiết kế hoặc là xây dựng thương hiệu riêng cho ngành công nghiệp… Tôi cho rằng đây là điểm chúng ta có thể khắc phục trong giai đoạn tới”.

Toàn cảnh Hội nghị Trung ương 6.

Đại hội XIII của Đảng đã xác định: Trong bối cảnh mới, để thực hiện được mục tiêu đến năm 2030 Việt Nam "Là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao", đến năm 2045 "Trở thành nước phát triển, thu nhập cao", cần phải "Tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá trên nền tảng của tiến bộ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo".

Do đó, yêu cầu đặt ra trong bối cảnh hiện nay và gian đoạn tới đây đó là, tiến trình xây dựng ngành công nghiệp, cũng như quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hoá của đất nước sẽ không chỉ chú trọng vào những con số về sản lượng nữa, mà còn phải chú trọng vào những vấn đề về chất lượng, giá trị gia tăng của ngành công nghiệp, mức độ, hàm lượng công nghệ trong những ngành công nghiệp. Đặc biệt về tầm nhìn trong vòng một vài thập niên tới, Việt Nam phải chú trọng hơn nữa những yếu tố như tính tự chủ, tự lực, tự cường và tính chất độc lập của ngành công nghiệp, song song đó cần sự chuẩn bị của lĩnh vưc này trong tương lai.

PGS.TS Lê Quốc Lý, nguyên Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh cho rằng, động lực chính để thúc đẩy cho quá trình công nghiệp hoá hiện đại hoá của đất nước là lực lượng doanh nghiệp: "Tôi đề nghị Hội nghị Trung ương 6 lần này, cần cụ thể hóa chủ trương, đường lối mà Đảng XIII đã nêu ra, đó là làm thế nào để cho công nghệ số thực sự vào cuộc sống, làm thế nào để kinh tế thực sự trở thành hiện thực, và để thực sự có chuyển biến thật sự trong xã hội. Phải tạo ra môi trường thật tốt để cho để cho quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá phát triển mạnh, đó chính là cần phải hỗ trợ, nâng đỡ cho các doanh nghiệp Việt Nam phát triển"./.

Theo VOV.VN

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận