Tại Hội nghị giao ban quý 3/2022 của Bộ GTVT sáng 27/9, ông Nguyễn Xuân Cường, Quyền Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết, triển khai Nghị định 56 của Chính phủ về chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức của Bộ GTVT, đến nay, chủ trương chuyển đổi Tổng cục Đường bộ Việt Nam thành Cục Đường bộ Việt Nam và Cục Đường cao tốc Việt Nam đã hoàn tất, sẵn sàng vận hành từ ngày 1/10/2022.
Theo đó, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cục Đường bộ Việt Nam đã được Bộ trưởng Bộ GTVT thông qua. Hai quyết định về chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức của các khu quản lý đường bộ và chi cục đang được trình Bộ trưởng xem xét, thông qua.
"Thực hiện chủ trương chuyển đổi toàn bộ Tổng cục Đường bộ Việt Nam về Cục Đường bộ Việt Nam, có 320 cán bộ đang được thực hiện quy trình bổ nhiệm. Trong đó, 105 quyết định thuộc thẩm quyền của Cục trưởng", ông Nguyễn Xuân Cường thông tin.
Theo ông Cường, sau khi rà soát chuyển đổi Tổng cục Đường bộ Việt Nam có 19 vị trí dôi dư. Thực hiện các quy định hiện hành, Cục Đường bộ Việt Nam sẽ sắp xếp các vị trí nhân sự dôi dư trong 3 năm tới.
Cục Đường bộ Việt Nam có 16 nhiệm vụ và quyền hạn
Cục Đường bộ Việt Nam xây dựng để Bộ trưởng Bộ GTVT trình cấp có thẩm quyền ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền (trừ những nhiệm vụ giao cho Cục Đường cao tốc Việt Nam) các văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế, chính sách và các văn bản khác về GTVT đường bộ; Chiến lược, quy hoạch, kế hoạch trung hạn, hàng năm, chương trình, đề án phát triển GTVT đường bộ trong phạm vi cả nước.
Xây dựng tiêu chuẩn quốc gia, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và định mức kinh tế - kỹ thuật chuyên ngành GTVT đường bộ (trừ đường bộ cao tốc) trình Bộ trưởng ban hành theo thẩm quyền hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền thẩm định, công bố; tổ chức xây dựng và công bố tiêu chuẩn cơ sở chuyên ngành.
Tổ chức thực hiện và kiểm tra việc thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, cơ chế, chính sách, chiến lược, chương trình quốc gia, quy hoạch, kế hoạch, đề án, dự án về GTVT đường bộ (trừ đường bộ cao tốc); Tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật về GTVT đường bộ (trừ đường bộ cao tốc).
Về quản lý đầu tư xây dựng, quản lý, khai thác, sử dụng và bảo trì, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, Cục Đường bộ Việt Nam có nhiệm vụ xây dựng trình Bộ trưởng ban hành hoặc để Bộ trưởng trình cấp có thẩm quyền ban hành các quy định, cơ chế tạo vốn và các nguồn lực để xây dựng, quản lý, khai thác, sử dụng, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ (trừ nhiệm vụ giao cho Cục Đường cao tốc Việt Nam).
Xây dựng trình Bộ trưởng: quyết định phân loại, điều chỉnh hệ thống quốc lộ; quy định việc đấu nối vào quốc lộ, thẩm định an toàn giao thông đường bộ, tải trọng, khổ giới hạn của đường bộ, công bố tải trọng, khổ giới hạn của quốc lộ, báo hiệu đường bộ, tốc độ xe, việc đặt biển báo tốc độ, tổ chức và hoạt động của trạm kiểm tra tải trọng xe.
Thực hiện thẩm quyền quyết định đầu tư, nhiệm vụ của chủ đầu tư, nhiệm vụ của cơ quan chuyên môn về xây dựng các dự án đầu tư xây dựng đường bộ (trừ đường bộ cao tốc) theo phân công, phân cấp, ủy quyền của Bộ trưởng.
Cục Đường bộ Việt Nam tổ chức giao thông trên hệ thống quốc lộ; tổ chức quản lý, khai thác, sử dụng và bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông trên quốc lộ; Hướng dẫn công tác quản lý, bảo trì, khai thác, sử dụng kết cấu hạ tầng đường bộ; tổng hợp tình hình phát triển các hệ thống đường bộ trong phạm vi cả nước; Xây dựng giá sản phẩm, dịch vụ công ích trong quản lý, khai thác sử dụng và bảo trì kết cấu hạ tầng đường quốc lộ.
Ngoài ra còn phối hợp với cơ quan có liên quan và chính quyền địa phương bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông và hành lang an toàn đường bộ.
Cùng đó, thực hiện quyền và nghĩa vụ của cơ quan được giao quản lý tài sản kết cấu hạ tầng; tổ chức giao nhiệm vụ, đặt hàng, đấu thầu cung cấp sản phẩm, dịch vụ công theo quy định của pháp luật.
Đồng thời, thực hiện nhiệm vụ của cơ quan có thẩm quyền, cơ quan ký kết hợp đồng, cơ quan chuyên môn về xây dựng đối với các dự án đầu tư xây dựng đường bộ theo phương thức đối tác công tư do Bộ GTVT là cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật và phân cấp, ủy quyền của Bộ trưởng (trừ những nhiệm vụ giao cho Cục Đường cao tốc Việt Nam).
Cục Đường bộ Việt Nam có 14 đầu mối
Cục Đường bộ Việt Nam là tổ chức trực thuộc Bộ GTVT, thực hiện chức năng tham mưu, giúp Bộ trưởng Bộ GTVT quản lý nhà nước và tổ chức thực thi pháp luật về GTVT đường bộ trong phạm vi cả nước; tổ chức thực hiện các dịch vụ công về giao thông vận tải đường bộ theo quy định của pháp luật.
Về cơ cấu tổ chức, Cục Đường bộ Việt Nam có 14 đầu mối bao gồm: Phòng Tổ chức - Hành chính; Phòng Pháp chế - Thanh tra; Phòng Kế hoạch - Đầu tư; Phòng Tài chính; Phòng Quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông; Phòng Quản lý vận tải, phương tiện và người lái; Phòng Khoa học công nghệ, Môi trường và Hợp tác quốc tế; Chi cục Quản lý đầu tư xây dựng đường bộ.
Cùng đó là các Khu Quản lý đường bộ: I, II, III, IV và các đơn vị: Trường Cao đẳng Giao thông vận tải; Trung tâm Kỹ thuật đường bộ.
Ngoài ra còn có Trường Cao đẳng Giao thông vận tải đường bộ và Trung tâm Kỹ thuật đường bộ là đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Cục.
Trong quyết định cũng nêu các điều khoản chuyển tiếp các đơn vị: Ban QLDA 3, Ban QLDA 4, Ban QLDA 5, Ban QLDA 8, Trung tâm Truyền thông và Thông tin đường bộ, Cụm phà Vàm Cống, Trung tâm Kỹ thuật đường bộ 1, Trung tâm Kỹ thuật đường bộ 2, Trung tâm Kỹ thuật đường bộ 3 và Trung tâm Kỹ thuật đường bộ 4 tiếp tục duy trì hoạt động theo quy định hiện hành cho đến khi cơ quan có thẩm quyền hoàn thành việc sắp xếp đối với các đơn vị này.
Cục Đường bộ Việt Nam có Cục trưởng và các Phó Cục trưởng, số lượng Phó Cục trưởng thực hiện theo quy định của pháp luật và của Bộ GTVT.
Cục trưởng Cục Đường bộ Việt Nam do Bộ trưởng quyết định bổ nhiệm, miễn nhiệm, luân chuyển, điều động theo quy định của pháp luật./.
Theo VOV.VN