Chỉ 1 ngày sau khi Bộ Chính trị quyết định đình chỉ sinh hoạt đảng, đình chỉ các chức vụ trong Đảng và trình BCH Trung ương xem xét, thi hành kỷ luật, ông Phạm Xuân Thăng - cựu Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương đã bị khởi tố, bắt tạm giam vì liên quan đại án Việt Á.
Khác với ông Nguyễn Thanh Long và Chu Ngọc Anh, ông Phạm Xuân Thăng bị khởi tố khi Ban Chấp hành Trung ương chưa họp để xem xét, thi hành kỷ luật. Điều này cho thấy tính chất nghiêm trọng của vụ việc khi các cơ quan chức năng phải áp dụng biện pháp ngăn chặn khẩn cấp (bắt tạm giam) đối với người từng đứng đầu tỉnh Hải Dương. Công việc tiếp theo là rà soát, kê biên, phong tỏa tài sản của các bị can để đảm bảo triệt để thu hồi cho Nhà nước.
Hải Dương chính là nơi “quả bom” Việt Á “phát nổ” đầu tiên. Cuối tháng 12 năm 2021, khi vụ án tại Công ty Việt Á và các đơn vị, địa phương liên quan bị khởi tố, dư luận sững sờ khi ông Phạm Duy Tuyến - Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Hải Dương (CDC) được xác định đã nhận tiền "hoa hồng" gần 30 tỷ đồng - con số quá lớn cho một cán bộ cấp phòng giữa lúc dịch bệnh đang diễn biến phức tạp từ Nam ra Bắc. Chủ trì hội nghị của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, ông Phạm Xuân Thăng (khi đó là Bí thư Tỉnh ủy) nhận định “sai phạm của ông Tuyến là rất nghiêm trọng, đi ngược lại với nỗ lực chống dịch của cả hệ thống chính trị và gây bức xúc trong cán bộ, nhân dân trong tỉnh”. Ông Thăng đã rất “sốt sắng” chỉ đạo làm rõ trách nhiệm liên quan sai phạm tại CDC Hải Dương.
Tiếc thay, khi cơ quan chức năng vào cuộc thì “ba năm rõ mười”. Ông Bí thư Tỉnh ủy có thể chỉ đạo được ai khi nhiều lãnh đạo chủ chốt của địa phương đã bị Việt Á thao túng.
Theo kết luận của Bộ Chính trị, không chỉ người đứng đầu Đảng, chính quyền tỉnh mà cả tập thể Ban thường vụ, tập thể Ban cán sự Đảng UBND tỉnh và nhiều quan chức địa phương đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, thiếu kiểm tra, giám sát, vi phạm pháp luật của Nhà nước, vi phạm Quy chế làm việc, Quy định về những điều đảng viên không được làm và trách nhiệm nêu gương… Và chắc chắn, số người bị khởi tố ở Hải Dương chưa thể dừng lại khi các cơ quan chức năng có đủ căn cứ.
Ngược dòng thời gian, đầu năm 2021, Covid-19 bùng phát tại Hải Dương đúng thời điểm đang diễn ra Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng – một sự kiện chính trị đặc biệt quan trọng của đất nước, lại cận kề với Tết Nguyên đán. Giải quyết tình thế “nước sôi lửa bỏng” đó, ngay bên lề Đại hội đã diễn ra các cuộc họp khẩn cấp, chưa có tiền lệ để kịp thời chỉ đạo công tác chống dịch. Trách nhiệm nặng nề đặt lên vai những người lãnh đạo địa phương. Chính trong quá trình giải quyết khó khăn, thử thách đó, cả một dàn lãnh đạo địa phương đã mắc sai phạm.
Đến thời điểm này, đại án Việt Á đã “cuốn” gần 100 quan chức ở Trung ương và địa phương vào vòng lao lý, trong đó có những người từng là Ủy viên Trung ương. Có thể lý giải nguyên nhân nào dẫn đến hậu quả nghiêm trọng này nếu không phải là lòng tham, là chủ nghĩa cá nhân hẹp hòi, không thể vượt qua cám dỗ.
Kiếm chác, làm ăn trên nỗi đau của đồng bào, như người đứng đầu Đảng đã phải thốt lên: Vi phạm cả pháp lý và đạo lý, không ai có thể chấp nhận!
Đại án Việt Á chính là phép thử đau đớn cho những quan chức không đủ bản lĩnh.
Covid- 19 như một cơn bão “quét qua”, để lại những mảng màu sáng - tối. Ở đó, chúng ta bắt gặp những cán bộ dám nghĩ - dám làm, năng động, sáng tạo, động cơ trong sáng. Họ lao vào thử thách, chấp nhận thiệt thòi, chấp nhận hy sinh, thậm chí cả tính mạng… vì sự bình yên của nhân dân, vì hạnh phúc của đồng bào. Nhưng cũng chính ở đó, mảng màu tối lần lượt bị phanh phui, trả lại công bằng, trả lại niềm tin cho nhân dân.
Đưa ra ánh sáng vụ Việt Á cũng giống như cắt bỏ một khối u lớn, di căn ra nhiều bộ phận trong cơ thể nhưng không thể không làm. Cũng giống như đại án Mobifone mua AVG, khi những tiếng nói đầu tiên bày tỏ băn khoăn ở diễn đàn Quốc hội, tưởng rằng mọi chuyện sẽ chìm vào im lặng. Nhưng với quyết tâm sắt đá của người đứng đầu Đảng, chúng ta đã làm và làm quyết liệt, thu hồi hàng nghìn tỷ đồng thất thoát cho Nhà nước.
Vụ án Việt Á là vụ án rất lớn và phức tạp, liên quan đến nhiều người ở nhiều địa phương. Nó được khởi nguồn, được dung túng và tiếp tay từ chính những cơ quan chuyên môn và những người đứng đầu các cơ quan đó. Tại phiên họp của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ngày 17/8 vừa qua, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng yêu cầu phải xử lý dứt điểm các vụ việc, vụ án liên quan đến Công ty cổ phần Công nghệ Việt Á.
Lưới trời lồng lộng, ai đã trót nhúng chàm, chắc chắn pháp luật sẽ "gọi tên" để xét xử công bằng và nghiêm minh./.
Theo VOV.VN