Cán bộ bị kỷ luật hãy chủ động từ chức, đừng để phải vận động

'Có những cán bộ không bị kỷ luật họ còn chủ động xin nghỉ sớm thì những người bị kỷ luật sao lại phải chờ tổ chức vận động, khuyến khích'.

 

PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, nêu quan điểm: “Có những cán bộ không bị kỷ luật họ còn chủ động xin nghỉ sớm thì những người bị kỷ luật sao lại phải chờ tổ chức vận động, khuyến khích”.

Trong thông báo của Bộ Chính trị vừa được ký ban hành hôm 8/9 nêu rõ khuyến khích cán bộ bị kỷ luật cảnh cáo hoặc khiển trách mà năng lực hạn chế, uy tín giảm sút tự nguyện xin từ chức. Nếu không tự nguyện xin từ chức thì cấp có thẩm quyền xem xét miễn nhiệm theo quy định.

Mở đường để cán bộ dễ nói lời từ chức

Nêu suy nghĩ của cá nhân về nội dung này, PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, cho rằng, thông báo của Bộ Chính trị lần này cũng nhất quán và tiếp tục quan điểm trước đây của Trung ương: đồng chí nào tự thấy năng lực, uy tín còn hạn chế thì có thể từ chức không cần đợi hết nhiệm kỳ, hết thời gian bổ nhiệm. Thông báo lần này của Bộ Chính trị có đưa vào quy định trực tiếp đối với cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý.

“Quan điểm đó theo tôi là rất rõ ràng và cần thiết trong điều kiện hiện nay để lựa chọn được những nhân tố xuất sắc. Trong đội ngũ cán bộ lãnh đạo quản lý hiện nay không thiếu người giỏi, có phẩm chất, dám nghĩ dám làm dám chịu trách nhiệm, nên bố trí những cán bộ như thế vào, không nên để cán bộ bị kỷ luật vẫn tiếp tục ngồi lại vị trí của mình”, ông Phúc nêu quan điểm.

PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh.Phân tích thêm về nội dung thông báo 20 của Bộ Chính trị, ông Phúc còn cho rằng chủ trương này là rất cần thiết, có ý nghĩa rất lớn trong công tác cán bộ hiện nay, nó sẽ giúp tháo gỡ sự trì trệ, nút thắt trong công tác cán bộ, đảm bảo nguyên tắc “có vào, có ra, có lên, có xuống”, nguyên tắc này cũng đã được quán triệt từ lâu. Khi cán bộ không chịu từ chức, còn cơ quan “ngại” sắp xếp lại, sợ đụng chạm, thì cơ quan có trách nhiệm sẽ xem xét miễn nhiệm.

Tuy nhiên, theo ông Phúc, không phải không có cán bộ trọng danh dự. Thực tế cũng có cán bộ chưa đến tuổi nghỉ nhưng sẵn sàng nghỉ sớm vài ba năm, thậm chí có những cán bộ không hề bị kỷ luật, nhưng thấy cần thiết để đưa người kế nhiệm của mình lên, với suy nghĩ rằng nếu chờ ông trưởng đủ tuổi nghỉ, ông phó đã hết tuổi bổ nhiệm. Ông Phúc nhấn mạnh nên khuyến khích những trường hợp như thế, bởi nó thể hiện quan điểm trong sáng, không tham quyền cố vị, giao lại vị trí cho người khác có thể đảm nhiệm được lâu dài hơn. Và nếu khuyến khích để cán bộ thấm được điều này là rất mừng.

Cho rằng, có thể xem thông báo 20 như một sự mở đường để cán bộ bị kỷ luật, hạn chế năng lực, uy tín giảm sút dễ dàng nói lời từ chức, rút lui trong danh dự, ông Nguyễn Trọng Phúc lập luận “khi cán bộ không bị kỷ luật còn sẵn sàng nghỉ sớm để trao lại vị trí, thì những cán bộ đã bị kỷ luật nên chủ động từ chức chứ không phải đợi đến lúc tổ chức vận động hay khuyến khích, như thế mới là danh dự, tự trọng”.

Trao đổi về công tác xây dựng chỉnh đốn Đảng, giới chuyên gia đã và đang đề cập khá sôi nổi về văn hóa từ chức, nhưng đáng tiếc văn hóa từ chức ở ta vẫn chưa trở nên phổ biến. Cùng quan điểm này, ông Phúc cho rằng, số cán bộ rút lui vì tự trọng vẫn chưa trở thành một xu thế bởi cán bộ ta chưa quen, suy nghĩ còn nặng nề. Đáng ra, người ta phải thấy rằng chủ động từ chức có khi còn giữ được uy tín, thậm chí tăng uy tín của mình lên; ngược lại cứ cố ngồi đó chỉ mất uy tín thêm.

Cần khuyến khích và xây dựng bằng được văn hóa từ chức, bởi ông Phúc cho rằng Trung ương dùng từ “khuyến khích” là để hướng đến trong toàn Đảng, trong cả hệ thống chính trị bớt đi suy nghĩ nặng nề về chức quyền. Chức vụ quyền hạn là do Đảng, Nhà nước giao phó, nếu thấy không làm nổi thì xin thôi là chuyện bình thường. Có được suy nghĩ như vậy mới dần hình thành được văn hóa từ chức.

Tới đây, văn hóa từ chức có thể trở thành một xu hướng?

“Sau thông báo 20, sẽ có văn hóa từ chức trong cả hệ thống chính trị hay không còn cần phải có thời gian, nhưng sẽ hình thành một nếp sống mới trong đời sống chính trị của đất nước”.

Cơ sở để ông Phúc đưa ra nhận định trên bởi trong lịch sử Đảng ta đã có những tấm gương, đó là Tổng Bí thư Trường Chinh xin từ chức năm 1956 do sai lầm trong cải cách ruộng đất. Và không chỉ Tổng Bí thư Trường Chính, một số cán bộ trong Trung ương lúc đó cũng xin từ chức.

Sở dĩ sau này cán bộ khó mở lời từ chức, bởi quan niệm chức quyền là cái gì đó rất ghê gớm thành ra người ta không dám từ chức. Chứ thực ra đây là việc bình thường. Quan trọng là cán bộ phải làm sao để đấu tranh với bản thân mình, vượt qua được những quan niệm về chức quyền. Bởi để thoát ra khỏi quan niệm “thâm căn cố đế” đã lên là không xuống rất khó, cần thời gian, quyết tâm và đặc biệt là những tấm gương. "Anh có thể được đề bạt chức vụ cao nhưng không hoàn thành thì xuống vị trí thấp hơn; anh được vào Đảng vì anh xứng đáng, nhưng khi đã không còn xứng đáng thì nên bước ra không để Đảng phải khai trừ. Cán bộ phải thông được tư tưởng ấy mới có thể gỡ được nút thắt trong công tác cán bộ", ông Phúc nói./.

Thanh Hà/VOV.VN

 

Bình luận

    Chưa có bình luận