Bên cạnh về đích sớm nhất 5 trong tổng số 8 Mục tiêu thiên niên kỷ (MDGs), Việt Nam đã xây dựng được Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình Nghị sự 2030 với 17 mục tiêu phát triển bền vững và 115 mục tiêu cụ thể phù hợp với điều kiện và ưu tiên phát triển của đất nước. Việt Nam đang trở thành hình mẫu trong việc tiên phong cam kết và thực hiện các mục tiêu phát triển của Liên Hợp Quốc (LHQ), được quốc tế đánh giá cao.
Anh A Thoát, dân tộc Xơ đăng ở làng Tê Pen, xã Đăk Trăm, huyện Đăk Tô, tỉnh Kon Tum đã không quản ngại vượt hàng chục km đường rừng, đưa cô con gái nhỏ của mình tới Trạm Y tế xã để xét nghiệm COVID-19.
Anh A Thoát nói: "Sáng nay, tôi định đưa con đi học song cũng thấy cô giáo bảo nghỉ. Để đề phòng thì dẫn bé lên đây để làm test nhanh trước. Đến trạm xá, chúng tôi thấy cán bộ ở đây rất nhiệt tình hướng dẫn nên cũng vui lòng".
Nếu như nhiều năm trước đây, người dân Xơ đăng như A Thoát sẽ dùng các biện pháp dân gian như là mời thầy cúng đuổi ma, chữa trị bệnh tại nhà thì giờ nhận thức của anh cùng hầu hết người dân trong làng đã thay đổi. Nếu có bệnh thì đều đến y tế xã hoặc được các nhân viên y tế đến khám tận nhà.
Chị Y Nít, một người dân trong xã Đăk Trăm chia sẻ: "Tôi và bà con dân làng đến Trạm Y tế thì được bác sỹ tận tình khám chữa bệnh. Nghe theo hướng dẫn của y bác sĩ, nhà nào cũng ăn chín, uống sôi, nhà cửa vệ sinh sạch sẽ. Đề phòng dịch bệnh, mình với dân làng ra đường đều đeo khẩu trang. Ai thấy sốt, ho người mệt mỏi là báo ngay với cán bộ y tế".
Kon Tum có mạng lưới y tế cơ sở rộng khắp và hiệu quả với 10 trung tâm y tế huyện, 99 trạm y tế xã, phường, thị trấn. Nhờ có sự tận tình của đội ngũ y tế mà hiểu biết của người dân được nâng cao tới 99%, từ đó tăng tỷ lệ người dân tộc thiểu số được khám chữa bệnh, giảm tỷ lệ người bệnh tử vong do mê tín, đạt được các tiêu chí về phát triển y tế cộng đồng theo tiêu chuẩn mà LHQ đề ra.
Kon Tum chỉ là một trong số rất nhiều tỉnh thành đã đạt được mục tiêu chăm sóc sức khỏe y tế, đặc biệt cho các đối tượng vùng dân tộc thiểu số. Mục tiêu này nằm trong số những mục tiêu thiên niên kỷ mà Việt Nam đã cam kết thực hiện với LHQ.
Phó giáo sư Phan Lê Thu Hằng, Giám đốc ban quản lý dự án đầu tư xây dựng và phát triển hệ thống y tế tuyến cơ sở, Bộ Y tế cho biết: "LHQ và cộng đồng quốc tế đánh giá Việt Nam là một trong những hình mẫu hình lý tưởng thực hiện mục tiêu thiên niên kỷ về y tế. Với chiến lược phòng bệnh hơn chữa bệnh, chúng ta có sự nỗ lực của hệ thống chính trị, sự ủng hộ của cộng đồng và có hệ thống mạng lưới y tế cơ sở, hệ thống y tế dự phòng rộng khắp và có hiệu quả".
Theo Báo cáo của LHQ, Việt Nam là một trong số ít các nước hoàn thành sớm các mục tiêu thiên niên kỷ bao gồm xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực, phổ cập giáo dục tiểu học, tăng cường bình đẳng giới và vị thế cho phụ nữ cũng như những tiêu chuẩn về chăm sóc y tế cộng đồng. Việt Nam cũng đang tiệm cận các mục tiêu còn lại. Trong Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình Nghị sự 2030, Việt Nam đã đưa lộ trình thực hiện 17 mục tiêu phát triển bền vững và 115 mục tiêu cụ thể phù hợp với điều kiện và ưu tiên phát triển của đất nước.
Việt Nam cũng đã phê chuẩn Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu, cam kết thực hiện Khung giảm thiểu rủi ro thiên tai 2015-2030 và đang thực hiện Đóng góp quốc gia tự quyết định với mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính 8% vào năm 2030, hoặc giảm 25% với sự hỗ trợ quốc tế.
Ông Kamal Malhotra, người từng đảm nhiệm vị trí Điều phối viên thường trú của LHQ tại Việt Nam giai đoạn 2018-2022, nhận định: "Nếu chúng ta nói về những kết quả trong 10 năm trở lại đây, Việt Nam có thể tự hào khi đứng trong hàng ngũ đứng đầu thực hiện các Mục tiêu của LHQ và thậm chí Việt Nam luôn đi đầu trong nhiều mục tiêu, trong đó có Sáng kiến thống nhất hành động của LHQ - Một LHQ. Việt Nam cam kết mạnh mẽ để không ai bị bỏ lại phía sau cũng như các các mục tiêu phát triển bền vững. Tôi hy vọng điều này sẽ được duy trì và tạo động lực cho nhiều hoạt động sau này".
Với vai trò tiên phong trong thực hiện các Mục tiêu thiên niên kỷ và Mục tiêu phát triển bền vững của LHQ, Việt Nam được đánh giá là đối tác quan trọng của tổ chức lớn nhất hành tinh này, đúng như nhận định của Tổng thư ký LHQ Atonio Guteres: "Việt Nam luôn là đối tác mạnh nhất của LHQ kể từ khi gia nhập năm 1977. Vai trò đầu tầu của các bạn trong việc đạt được các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ là nền tảng vững chắc giúp các bạn triển khai Chương trình phát triển bền vững 2030. Tầm nhìn và khát vọng của các mục tiêu phát triển bền vững sẽ trở nên quan trọng hơn bao giờ hết khi chúng ta phục hồi sau đại dịch Covid-19. Việt Nam đã và đang có những đóng góp quan trọng trong việc ủng hộ hòa bình bền vững".
Những kết quả trong 45 năm gia nhập LHQ cho thấy Việt Nam đã thực sự chuyển mình, từ thành viên tham dự để trở thành đối tác mạnh mẽ, tin cậy của LHQ vì hòa bình và phát triển bền vững trên toàn thế giới./.
Châu Anh/VOV1