Khiếu nại, tố cáo chủ yếu vẫn là về đất đai và môi trường

Phiên họp thứ 15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội:

 

Tại phiên họp diễn ra từ 12/9 -15/9/2022, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến về nhiều vấn đề quan trọng, trong đó có việc giải quyết khiếu nại, tố cáo.

Sẽ ban hành 2 nghị quyết chuyên đề

Tại phiên họp này, UBTVQH cũng xem xét, cho ý kiến về các báo cáo công tác năm 2022 và kế hoạch kiểm toán năm 2023, báo cáo công tác năm 2022 của Tòa án Nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao; báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng; tình hình tội phạm, vi phạm pháp luật và công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; công tác thi hành án năm 2022. Nhóm vấn đề thứ hai tại phiên họp được nhấn mạnh là, UBTVQH sẽ tiến hành giám sát, ban hành nghị quyết với hai chuyên đề. Đó là, chuyên đề “Việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo từ ngày 1/7/2016 đến ngày 1/7/2021”; chuyên đề “Việc thực hiện các nghị quyết của UBTVQH về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019 - 2022”.

Toàn cảnh phiên họp thứ 15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Ngoài ra, trong phiên họp này, UBTVQH xem xét bằng văn bản để cho ý kiến về các báo cáo của Chính phủ về Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới và Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025; cho ý kiến về kết quả thực hiện Nghị quyết số 03/2021/UBTVQH15 và Nghị quyết số 24/2022/UBTVQH 15 về việc chi trả hỗ trợ đối với người lao động; Tiến hành giám sát chuyên đề “Việc thực hiện các nghị quyết của UBTVQH về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019 - 2021”.

Sau khi thảo luận, UBTVQH đã thông qua về mặt nguyên tắc Nghị quyết về “Tiếp tục tăng cường hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo”.

Tăng cường hiệu lực, hiệu quả tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo

Kết quả giám sát cho thấy, từ 01/7/2016 đến 01/7/2021 cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội thì tình hình khiếu nại, tố cáo diễn biến phức tạp. Theo báo cáo của Chính phủ, so với giai đoạn 2011 - 2016, số lượt người đến cơ quan hành chính nhà nước các cấp để khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh tăng 67,6%; số lượt đoàn đông người tăng 9,2% nhưng số vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền giải quyết của các cơ quan nhà nước giảm 16,1%. Trong đó, khiếu nại giảm 4,8% số đơn và 25,7% số vụ việc thuộc thẩm quyền giải quyết của các cơ quan hành chính nhà nước; tố cáo tăng 112,5% số đơn và 31,3% số vụ việc thuộc thẩm quyền giải quyết của các cơ quan hành chính nhà nước.

Trong lĩnh vực hành chính, đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh phát sinh chủ yếu liên quan đến lĩnh vực quản lý đất đai và việc thực hiện thu hồi đất.

Trong lĩnh vực hành chính, đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh phát sinh chủ yếu liên quan đến lĩnh vực quản lý đất đai và việc thực hiện thu hồi đất, thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng khi triển khai các dự án (chiếm trên 69,5%); các kiến nghị, phản ánh, tranh chấp liên quan đến việc quản lý, vận hành nhà chung cư thương mại có xu hướng gia tăng và phát sinh nhiều vụ việc phức tạp.

Các vụ việc khiếu nại, tố cáo đông người, phức tạp chủ yếu phát sinh trong lĩnh vực hành chính có nội dung khiếu nại liên quan đến việc thu hồi đất để thực hiện dự án phát triển kinh tế - xã hội được thực hiện theo các quy định của pháp luật về đất đai trước thời điểm Luật Đất đai 2013 có hiệu lực. Bên cạnh đó, trong thời gian gần đây có phát sinh thêm các vụ việc đông người, phức tạp liên quan đến lĩnh vực môi trường, nhất là đối với việc thực hiện dự án công viên nghĩa trang, khu xử lý rác thải tập trung, các cơ sở chăn nuôi tập trung, hoạt động của một số cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường khu dân cư. Số lượng vụ án tranh chấp dân sự (chủ yếu liên quan đến tranh chấp đất đai trong nội bộ nhân dân), tranh chấp kinh tế (chủ yếu trong lĩnh vực tín dụng ngân hàng), có xu hướng gia tăng, nhất là các thành phố lớn như Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội.

Theo Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh, kết quả, số liệu giám sát cho thấy nhiều nội dung cơ bản đều tốt và tốt hơn nhiều so với kỳ trước. Do đó, Trưởng Ban Công tác đại biểu đặt vấn đề khi kết quả tốt hơn trước thì có nguyên nhân từ công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện của các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền từ Trung ương đến địa phương, trong đó có vai trò của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Tuy nhiên, trong dự thảo Nghị quyết và báo cáo chưa thể hiện rõ nội dung này.

“Dù công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo có cố gắng nhưng tình hình chưa chuyển biến căn bản, còn nhiều nan giải, phức tạp và khó lường. Công tác tiếp công dân xử lý đơn ở một số nơi chưa cao; việc giải quyết một số vụ việc còn chậm, sai sót nhất là giải quyết lần đầu rồi tỷ lệ giải quyết vụ việc, khiếu kiện theo thẩm quyền của một số địa phương đạt thấp…”, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đánh giá.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đề nghị thời gian tới phải đề cao trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy, chính quyền ở các cấp trong công tác giải quyết khiếu nại, tiếp công dân; thực hiện tốt việc công khai, minh bạch thực hiện trách nhiệm giải trình, quản lý nhà nước thi hành công vụ, nhất là những lĩnh vực công việc liên quan trực tiếp đến người dân; tiếp tục quan tâm, giải quyết kịp thời có lý, có tình khiếu kiện tố cáo ngay từ cơ sở nơi phát sinh vụ việc.

Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, hiện nay, việc khiếu nại được điều chỉnh bởi quy định trong Luật Khiếu nại, việc tố cáo được điều chỉnh bởi quy định trong Luật Tố cáo, việc tố giác tội phạm được xử lý theo Luật Tố tụng hình sự, tuy nhiên trong thực tế áp dụng vẫn còn có những điểm chưa rõ. Chủ tịch Quốc hội đề nghị cần làm rõ ranh giới xử lý sao cho đúng với quy định của pháp luật, không bỏ lọt sai phạm, tội phạm, đảm bảo được sự công khai, minh bạch và quyền lợi của công dân./.

Về Báo cáo kết quả giám sát “Việc thực hiện các nghị quyết của UBTVQH về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019 - 2021”, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị thành viên UBTVQH đánh giá kỹ hơn kết quả giám sát, đánh giá kết quả đạt được nổi bật so với mục tiêu, cần nêu rõ hơn về định tính, định lượng. Làm rõ hơn về mục tiêu tinh gọn biên chế, tinh gọn bộ máy, bao nhiêu biên chế được tinh giản, tại sao đến nay vẫn còn tồn đọng hơn 3.000 cán bộ cấp xã dôi dư chưa được bố trí, sắp xếp; kinh phí tiết kiệm bao nhiêu từ chi thường xuyên và chi đầu tư phát triển. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, số liệu trong báo cáo của Đoàn giám sát đã nêu nhưng vẫn cần cụ thể, chi tiết hơn.

Báo cáo công tác kiểm toán đến hết ngày 31/8/2022, toàn ngành đã xét duyệt 200 kế hoạch kiểm toán, triển khai 184 trong tổng số 231 đoàn kiểm toán theo kế hoạch của năm nay; kết thúc 140 cuộc kiểm toán. Tổng hợp kết quả từ 162 báo cáo kiểm toán đã phát hành, Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị xử lý tài chính 22 nghìn 036 tỷ đồng; kiến nghị hủy bỏ, sửa đổi, bổ sung, ban hành mới 102 văn bản pháp luật không phù hợp và kiến nghị chấn chỉnh, xử lý trách nhiệm theo quy định của pháp luật với nhiều tập thể và cá nhân đối với từng sai phạm.

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận