Đa số ý kiến tán thành với sự cần thiết ban hành Luật Thanh tra (sửa đổi) và cơ bản nhất trí với nhiều nội dung chủ yếu của dự thảo Luật.
Dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi) gồm 8 chương, 117 điều, hướng tới mục tiêu thể chế hóa quan điểm của Đảng, Hiến pháp năm 2013 về công tác thanh tra, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong tổ chức và hoạt động thanh tra; thực hiện hiệu quả nhiệm vụ thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; góp phần kiểm soát quyền lực nhà nước, bảo vệ quyền con người, quyền công dân.
Đồng thời, khắc phục những tồn tại, hạn chế, làm giảm hiệu quả, hiệu lực của hoạt động thanh tra, đáp ứng tốt yêu cầu của tình hình mới trong bối cảnh phát triển nền kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.
Để đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong hoạt động thanh tra, dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi) đã đề xuất thành lập thanh tra Tổng cục, Cục thuộc bộ tại điều 19. Theo đó, thanh tra Tổng cục, Cục sẽ thực hiện công tác thanh tra chuyên ngành, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo quy định của pháp luật.
Thanh tra Tổng cục, Cục được thành lập theo yêu cầu quản lý, trong những lĩnh vực mà pháp luật chuyên ngành có quy định hoặc theo quy định của Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Nhiệm vụ của Thanh tra Tổng cục, Cục là xây dựng kế hoạch thanh tra trình Tổng cục trưởng, Cục trưởng phê duyệt, gửi Thanh tra bộ thẩm định, tổng hợp trong Kế hoạch thanh tra của Bộ, trình Bộ trưởng ban hành. Thanh tra việc thực hiện chính sách, pháp luật chuyên ngành theo kế hoạch hoặc khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật.
Theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kết luận, kiến nghị của Thanh tra Tổng cục, Cục, quyết định xử lý về thanh tra của Tổng cục trưởng, Cục trưởng. Đồng thời, thực hiện nhiệm vụ tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo quy định của pháp luật.
Chánh Thanh tra Tổng cục, Cục có nhiệm vụ lãnh đạo, chỉ đạo công tác thanh tra trong phạm vi quản lý của Tổng cục, Cục; thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan.
Chánh Thanh tra Tổng cục, Cục có quyền định thanh tra khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật; xử phạt vi phạm hành chính theo thẩm quyền; kiến nghị Tổng cục trưởng, Cục trưởng xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật; báo cáo Tổng cục trưởng, Cục trưởng để kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, ban hành quy định cho phù hợp với yêu cầu quản lý, đình chỉ hoặc hủy bỏ quy định trái pháp luật phát hiện qua công tác thanh tra.
Để nâng cao hiệu quả, tính chuyên nghiệp của thanh tra Tổng cục, Cục thuộc Bộ, không phát sinh thêm biên chế, Dự thảo Luật Thanh tra có những quy định cụ thể thế nào? PV VOV Giao thông phỏng vấn ông Đinh Văn Minh, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Thanh tra Chính phủ - đơn vị chịu trách nhiệm chính xây dựng dự luật này.
PV: Thưa ông, ông có thể nói rõ hơn vì sao thành lập thanh tra Tổng cục, Cục thuộc Bộ?
Ông Đinh Văn Minh: Việc thành lập thanh tra tổng cục, cục là nội dung không mới, trước kia đã từng có. Tuy nhiên sau đó chúng ta có trủ trương mỗi bộ chỉ có một tổ chức thanh tra, vì thế Luật Thanh tra 2010 không có thanh tra tổng cục, cục thuộc bộ nữa. Thế nhưng do nhu cầu thực tế ở nhiều tổng cục, cục vẫn tổ chức một lực lượng gọi là Vụ Thanh tra kiểm tra.
Vì nó không phải là tổ chức thanh tra chuyên nghiệp nên nó gặp nhiều khó khăn; chúng ta lại có nhiều bộ quản lý đa ngành đa lĩnh vực, các tổng cục thực hiện quản lý nhà nước rất lớn và yêu cầu về công tác thanh tra, kiểm tra rất nhiều, cho nên nếu không có một tổ chức thanh tra chuyên nghiệp sẽ có nhiều hạn chế.
Vì vậy việc sửa đổi Luật Thanh tra lần này chúng ta xem xét có những tổng cục, cục thực hiện chức năng quản lý lớn, đối tượng quản lý nhiều và cần thiết thì sẽ thành lập tổ chức thanh tra tổng cục, cục. Đồng thời rất nhiều điều ước quốc tế mà VN tham gia họ quy định trong một số lĩnh vực phải có tổ chức thanh tra tổng cục.
PV: Có ý kiến cho rằng việc thành lập tổ chức mới sẽ phát sinh thêm biên chế và thậm chí là chồng chéo với các hoạt động thanh tra khác. Ông có thể làm rõ hơn vấn đề này?
Ông Đinh Văn Minh: Thứ nhất việc tăng biên chế là hoàn toàn không xảy ra, bởi vì mặc dù không có quy định về thanh tra tổng cục chuyên trách nhưng trên thực tế do yêu cầu của công tác thanh tra kiểm tra nên một số tổng cục vẫn bố trí biên chế và đơn vị làm công tác này. Tuy nhiên vụ chỉ là cơ quan tham mưu thôi, không được là cơ quan chuyên trách với đầy đủ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn do pháp luật quy định.
Thứ hai không phải tất cả tổng cục, cục thuộc bộ đều thành lập thanh tra, việc đó phải hết sức cân nhắc. Hiện trong dự thảo luật đã đưa ra các tiêu chí rất rõ ràng, chặt chẽ, trong từng trường hợp cụ thể Chính phủ cân nhắc trường hợp nào được thành lập.
Và trong xu thế hiện nay chúng ta đang sắp xếp lại rất nhiều tổng cục sẽ không còn nữa, cho nên không quá lo ngại về việc tăng thêm biên chế. Khi quản lý đa ngành, đa lĩnh vực cũng phải thiết kế làm sao các hoạt động quản lý cũng như hoạt động thanh tra tránh sự chồng chéo, bảo đảm tính hiệu quả.
Ví dụ bây giờ ở Bộ Tài chính rất lớn, rất nhiều ngành lĩnh vực, trong đó có nhiều tổng cục lớn như Tổng cục thuế, Tổng cục Hải quan. Như vậy phải thiết kế cơ quan thành tra và hoạt động thanh tra, làm sao sự phối hợp, phân định chức năng nhiệm vụ, quyền hạn giữa thanh tra bộ và thanh tra tổng cục phải rất rõ ràng.
Về nguyên tắc Bộ quản lý toàn diện nên Bộ trưởng phải chịu trách nhiệm và có sự phân định, trong các lĩnh vực có thanh tra tổng cục rồi thì thanh tra bộ sẽ không tiến hành thanh tra kiểm tra nữa. Tuy nhiên cũng có một số trường hợp thanh tra bộ sẽ làm, ví dụ thanh tra tổng cục làm mà vẫn còn những vấn đề sai phạm thì thanh tra bộ sẽ thanh tra lại.
Hay có những trường hợp, vụ việc liên quan đến nhiều lĩnh vực quản lý của nhiều tổng cục thì lúc đó thanh tra bộ phải làm vì nó khoogn thuộc một tổng cục nào cả.
Vì thế cần phải xử lý trong khi thiết kế các vấn đề chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn giữa các tổ chức thanh tra trong một bộ. Ngoài ra để tránh chồng chéo mỗi bộ chỉ nên có một kế hoạch thanh tra, bao gồm kế hoạch của thanh tra bộ và kế hoạch của các thanh tra tổng cục nếu có và phải xử lý ngay từ giai đoạn xây dựng kế hoạch.
PV: Xin cảm ơn ông!
Quy định thành lập thanh tra chuyên ngành cấp tổng cục, cục thuộc bộ có thực sự cần thiết? PV VOV Giao thông phỏng vấn ông Lê Vũ Tuấn Anh, Chánh Thanh tra Bộ Tài nguyên và Môi trường.
PV: Thưa ông, việc thành lập Thanh tra Tổng cục, Cục thuộc Bộ có thực sự cần thiết hay không, đặc biệt đối với Bộ Tài nguyên Môi trường?
Ông Lê Vũ Tuấn Anh: Mô hình tổng cục của các bộ hiện nay Chính phủ đang thu hẹp và giảm theo tiêu chí của Nghị định 101. Tùy vào tính chất công việc, sự cần thiết thì các bộ ngành sẽ có đề xuất thành lập thanh tra ở tổng cục hay cục trực thuộc. Tuy nhiên, nếu hoạt động thanh tra tập trung vào một đầu mối sẽ tốt hơn là trải rộng ra các đơn vị, nhiều đầu mối thì việc kiểm soát cũng sẽ khó khăn.
Hiện nay chủ trương của lãnh đạo Bộ Tài nguyên Môi trường đang hướng đến công tác thanh tra sẽ về một đầu mối, là một tổ chức thanh tra thôi. Tuy nhiên, không phải vì thế mà các cục hay tổng cục trực thuộc bộ sau này không được làm việc thanh tra kiểm tra.
Lúc đó sẽ điều phối bằng nghiệp vụ, lãnh đọa bộ sẽ phân công nhiệm vụ cho một đơn vị trủ trì thực hiện nội dung thanh tra. Về chức năng thanh tra chỉ nên giao cho một tốt chức.
PV: Việc thành lập thanh tra chuyên ngành cấp tổng cục, cục có tránh được tình trạng chồng chéo như hiện nay?
Ông Lê Vũ Tuấn Anh: Việc xử lý chồng chéo sẽ gặp khó khăn, nhưng sẽ có biện pháp xử lý và điều phối bằng kế hoạch thanh tra. Đặc biệt sẽ gặp khó khăn trong các cuộc thanh tra đột xuất và xử lý các việc đột xuất phát sinh.
Nếu theo kế hoạch sẽ phân đơn vị này làm cái gì, đơn vị kia làm cái gì trên kế hoạch rồi, nhưng khi có một vấn đề xảy ra cần phải xử lý đột xuất không biết đơn vị nào sẽ làm và dễ dẫn đến chậm trễ, thậm chí là chồng chéo trong việc xử lý. Vì vậy cần phân tích nhiệm vụ cụ thể và phải có quy chế phối hợp rõ ràng.
PV: Xin cảm ơn ông!