Bốc thăm xác minh kê khai tài sản: Bước thử nghiệm cần thiết?

Việc bốc thăm xác minh lần này như một bước thử nghiệm, về nguyên tắc cũng giống như việc nghiên cứu, cần chọn mẫu, nếu chọn mẫu tốt sẽ phản ánh đúng thực tế.

 

Nêu quan điểm về chủ trương bốc thăm ngẫu nhiên để xác minh kê khai tài sản, thu nhập của cán bộ công chức nhằm ngăn ngừa, phát hiện, xử lý hành vi tham nhũng, nhiều ý kiến băn khoăn về tính khách quan, công bằng.

Theo quy định tại Điều 15 Nghị định 130 năm 2020 của Chính phủ, hàng năm, Cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập phải rà soát tối thiểu 20% số cán bộ của các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc thẩm quyền kiểm soát của mình. Số lượng người được lựa chọn để xác minh ngẫu nhiên phải bảo đảm tối thiểu 10% số người có nghĩa vụ kê khai hàng năm tại mỗi cơ quan, tổ chức, đơn vị được xác minh, trong đó có ít nhất 1 người là người đứng đầu hoặc cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị.

Trong bối cảnh, kê khai tài sản và xác minh kê khai tài sản vẫn bị xem là mắt xích yếu trong công tác quản lý cán bộ, PGS, TS Lê Văn Chiến, Viện trưởng Viện Lãnh đạo học và Chính sách công, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh cho rằng, tuy việc bốc thăm để xác minh kê khai tài sản có thể chưa giải quyết được triệt để nhưng có thể tìm ra được thực chất của câu chuyện kê khai tài sản, đặc biệt là cán bộ khai có đúng, có trung thực hay không.

Theo Viện trưởng Viện Lãnh đạo học và Chính sách công, ở ta, số lượng cán bộ khá đông, để xác minh được hết phải mất nhiều thời gian. Hơn nữa, có thể coi việc bốc thăm xác minh lần này như một bước thử nghiệm, về nguyên tắc cũng giống như việc nghiên cứu, cần chọn mẫu, nếu chọn mẫu tốt sẽ phản ánh đúng thực tế.

Lý giải cho lo ngại rằng, việc bốc thăm ngẫu nhiên có thể bỏ lọt cán bộ tham nhũng, PGS, TS Lê Văn Chiến nhấn mạnh, đã là chọn mẫu thì không thể chính xác tới 100%, nhưng nó phản ánh được thực tế để sau đó có quyết sách, giả như sẽ tiếp tục duy trì việc chọn mẫu thì ít nhiều cũng mang tính răn đe. Bất kỳ ai khi kê khai cũng phải dè chừng, lường trước câu chuyện sẽ đến lượt mình có thể nằm trong xác suất được chọn vào xác minh mà phải khai thật. Cũng có thể, sau việc triển khai bốc thăm lần này, Đảng thấy rằng cho hiệu quả tốt sẽ thực hiện mở rộng hơn ở nhiều đối tượng, khi đó người ta cũng sẽ phải khai cho thật.

Về cách triển khai sao cho hiệu quả, PGS, TS Lê Văn Chiến cho rằng, việc chia ra các nhóm để bốc thăm chính là việc chọn mẫu. Cách chọn mẫu càng đại diện thì càng tốt, càng phản ánh được thực tế thì càng tốt.

PGS, TS Lê Văn Chiến, Viện trưởng Viện Lãnh đạo học và Chính sách công, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.Ông Lê Xuân Lịch, nguyên Phó vụ trưởng Vụ Địa phương, Ban Tổ chức Trung ương thì cho rằng, việc lựa chọn ngẫu nhiên sẽ không thể chuẩn xác. Quan điểm của ông là ai cũng phải kê khai, ai cũng phải xác minh chứ không cần phải bốc thăm để xác minh. Để cho nghiêm túc, ông Lịch đề xuất phải chia nhóm ngay từ đầu để tiến hành bốc thăm, theo đó, có thể chia theo nhóm lãnh đạo, nhóm trưởng phó phòng, và nhóm làm việc ở những vị trí có thể tham nhũng, cho các nhóm tiến hành bốc thăm riêng.

“Để hiệu quả hơn nữa, xem nhóm nào có nguy cơ cao thì chọn, và tất nhiên cứ 20% thì trong nhiệm kỳ 5 năm cũng kiểm tra hết”, ông Lịch nhấn mạnh. Tuy nhiên, theo ông Lịch, quan trọng nhất là cán bộ có trung thực hay không, người đi kiểm tra, xác minh có trung thực hay không.

Ông Lê Xuân Lịch, nguyên Phó vụ trưởng Vụ Địa phương, Ban Tổ chức Trung ương.“Tôi nghĩ có chủ trương bốc thăm này sẽ khiến cán bộ phải dè chừng và trung thực hơn. Tuy nhiên quan trọng là việc kiểm tra, giám sát có trung thực không, tức là có kế hoạch giám sát nhưng người giám sát có làm nghiêm túc, hết trách nhiệm hay không, nếu làm tốt thì người kê khai sẽ trung thực hơn. Nếu không tốt thì giống như người đi đường không đội mũ bảo hiểm, công an không xử phạt”, ông Lịch nêu quan điểm./.

Thanh Hà/VOV.VN
 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận