Đây là những nội dung lớn của dự án luật được trình xin ý kiến tại Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách, khai mạc sáng nay 7/9.
Làm gì để thanh tra huyện hoạt động hiệu quả hơn?
Thảo luận tại Kỳ họp thứ 3, đa số ý kiến đại biểu Quốc hội tán thành với dự thảo Luật tiếp tục giữ Thanh tra huyện như hiện hành. Một số ý kiến đề nghị không tổ chức Thanh tra huyện hoặc không thành lập Thanh tra huyện tại một số đơn vị hành chính cấp huyện có quy mô nhỏ, dân số ít, không có nhiều yêu cầu về thanh tra.
Về vấn đề này, Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, Thường trực Ủy ban Pháp luật và Cơ quan soạn thảo nhận thấy, Thanh tra huyện đã có quá trình hình thành và phát triển ổn định, lâu dài. Việc tiếp tục duy trì, củng cố Thanh tra huyện để tham mưu, giúp UBND cùng cấp quản lý nhà nước về công tác thanh tra là cần thiết, bảo đảm cho chính quyền địa phương cấp huyện thực hiện hiệu quả nhiệm vụ theo phân cấp, kịp thời phát hiện các sai phạm phát sinh ngay từ ở cơ sở; bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất về tổ chức với cơ quan thanh tra ở cấp tỉnh và trung ương.
“Thanh tra huyện không chỉ thực hiện nhiệm vụ về thanh tra mà còn là đầu mối tổ chức triển khai nhiều nhiệm vụ quan trọng khác được giao trong các luật” - ông Hoàng Thanh Tùng nhấn mạnh, đồng thời cho rằng những bất cập trong tổ chức và hoạt động của Thanh tra huyện thời gian qua không phải do thiết chế này không còn phù hợp mà là do chưa được bố trí đủ nguồn lực để thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao. Do đó, cơ quan chỉnh lý dự án luật đề nghị giữ Thanh tra huyện trong hệ thống tổ chức cơ quan thanh tra theo cấp hành chính như hiện hành.
Nêu ý kiến, đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Huy (đoàn Thái Bình) đồng tình giữ mô hình thanh tra cấp huyện, tuy nhiên đề nghị Chính phủ sớm có những giải pháp đồng bộ để khắc phục những hạn chế, yếu kém trong hoạt động của thanh tra cấp huyện; kiện toàn tổ chức, biên chế, bảo đảm điều kiện để nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của thanh tra cấp huyện góp phần thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao.
Ngoài ra, các ý kiến đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách cũng đồng tình với quy định của dự thảo Luật về thành lập Thanh tra Tổng cục, Cục thuộc Bộ, nhưng đề nghị quy định rõ trong Luật tiêu chí, nguyên tắc thành lập.
Ông Hoàng Thanh Tùng cho biết, để kiểm soát chặt chẽ việc thành lập cơ quan thanh tra này, dự thảo Luật đã bổ sung quy định về tiêu chí, nguyên tắc thành lập Thanh tra Tổng cục, Cục thuộc Bộ trong 3 trường hợp: Theo quy định của luật; tại các Tổng cục, Cục thuộc Bộ có phạm vi đối tượng quản lý nhà nước về chuyên ngành, lĩnh vực lớn, phức tạp, quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội do Chính phủ quy định trên cơ sở đề nghị của Tổng Thanh tra Chính phủ sau khi thống nhất với Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ; và theo yêu cầu của điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
Tránh dàn đều thành lập Thanh tra sở
Cũng tại Kỳ họp thứ 3, nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội tán thành với dự thảo Luật quy định giao UBND cấp tỉnh quyết định việc thành lập Thanh tra sở. Thường trực Ủy ban Pháp luật và Cơ quan soạn thảo cho rằng quy định như trên là phù hợp với chủ trương của Đảng về đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, đề cao trách nhiệm và phát huy vai trò chủ động, sáng tạo, tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm của chính quyền địa phương trong thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước trên địa bàn, khắc phục tình trạng dàn đều biên chế cho cơ quan thanh tra ở tất cả các sở, dẫn đến thực trạng nhiều nơi Thanh tra sở chỉ bố trí được 2-3 người nên hoạt động khó bảo đảm hiệu quả.
Tuy nhiên, việc phân quyền hoàn toàn cho UBND cấp tỉnh quyết định việc thành lập Thanh tra sở có thể làm ảnh hưởng đến hiệu lực, hiệu quả của quản lý nhà nước, nhất là đối với các lĩnh vực có phạm vi quản lý chuyên ngành rộng, phức tạp, tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra vi phạm pháp luật, như đất đai, tài nguyên, môi trường, y tế, tài chính, giáo dục,… nếu địa phương không quyết định thành lập thanh tra sở.
Do đó, dự thảo Luật thiết kế theo hướng “Thanh tra sở được thành lập tại một số sở có phạm vi quản lý rộng và yêu cầu quản lý chuyên ngành phức tạp theo quy định của Chính phủ hoặc của luật. Việc thành lập thanh tra tại các sở khác do UBND cấp tỉnh quyết định căn cứ vào yêu cầu quản lý và biên chế được giao tại địa phương”.
Đại biểu Quốc hội đánh giá việc tiếp thu, chỉnh lý dự thảo là đáp ứng cả “phần cứng” và “phần mềm” phù hợp với đặc thù quản lý của từng địa phương. Tuy nhiên, cần quy định rõ cơ quan nào có thẩm quyền thành lập cơ quan thanh tra sở ngay trong luật.
Đại biểu Trần Đình Gia (đoàn Hà Tĩnh) đồng tình chỉ những sở đặc biệt mới thành lập cơ quan thanh tra. Hiện nay tất cả những vướng mắc, chồng chéo và gây phiền hà ở cơ sở chủ yếu là nội dung này, bởi tất cả các sở đều có cơ quan thanh tra, nên thực tế có những trường học phải tiếp thanh tra chuyên ngành của Sở Giáo dục, thanh tra Sở Tài chính, thanh tra của Sở Nội vụ.
“Như vậy, có những năm, các đơn vị liên tục đón các đoàn thanh tra và trong hình ảnh của đối với giáo viên, đối với học sinh, đối với phụ huynh nhà trường không còn thân thiện nữa” - ông Trần Đình Gia nói.
Đại biểu Phạm Đình Thanh (đoàn Kon Tum) thì đề nghị cần có quy định thống nhất, đồng bộ trong việc thành lập Thanh tra cấp Sở trên phạm vi cả nước. Bởi, chức năng nhiệm vụ của các Sở, cơ quan thuộc UBND cấp tỉnh đã được quy định rất rõ tại Nghị định 107 ngày 14/9/2020 của Chính phủ, theo đó, phạm vi quản lý và yêu cầu quản lý chuyên ngành của từng Sở là rất rõ.
“Nên căn cứ chức năng, nhiệm vụ của các Sở, cơ quan thuộc UBND cấp tỉnh quy định tại Nghị định này để quy định việc thành lập Thanh tra cấp Sở trên phạm vi cả nước, tránh tình trạng thực hiện không thống nhất, đồng bộ, hoặc thành lập theo nhận thức của địa phương, áp lực biên chế mà không phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ thực tiễn của từng địa phương” - đại biểu nhấn mạnh.
Đối với việc dự kiến giao Thanh tra tỉnh thanh tra việc chấp hành chính sách, pháp luật của cơ quan, tổ chức, cá nhân thuộc phạm vi của các Sở không có cơ quan thanh tra, ông Thanh cho rằng, để Thanh tra tỉnh hoàn thành tốt khối lượng nhiệm vụ tăng thêm này, cơ quan soạn thảo cần nghiên cứu, xem xét, tính toán để tham mưu quy định về việc tăng cường biên chế, củng cố hoàn thiện tổ chức bộ máy thanh tra cấp tỉnh để họ hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao./.
Ngọc Thành/VOV.VN