Đừng vì cơ cấu mà xem nhẹ tiêu chuẩn BCĐ phòng, chống tham nhũng, tiêu cực

Tại Ninh Bình, Hải Dương, Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng cấp tỉnh vừa thành lập đã khiến dư luận xôn xao về những vi phạm bị kỷ luật của người đứng đầu.

 

Từ đó đặt ra yêu cầu cao hơn, không chỉ người đứng đầu mà các thành viên trong Ban chỉ đạo: đừng vì cơ cấu mà xem nhẹ.

Thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 (khoá XIII), đến nay 63 Ban Chỉ đạo Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của các tỉnh, thành phố đã được thành lập và đi vào hoạt động. Việc thành lập Ban Chỉ đạo tỉnh sẽ giúp nhiệm vụ đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực liền mạch, chặt chẽ, thống nhất theo hệ thống từ trung ương đến địa phương theo đúng tinh thần của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là "Trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt!".

Tuy nhiên, tại các tỉnh Ninh Bình và Hải Dương, Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng cấp tỉnh vừa được thành lập đã khiến dư luận xôn xao về những vi phạm bị kỷ luật của người đứng đầu. Từ đó đặt ra yêu cầu cao hơn, không chỉ người đứng đầu mà các thành viên trong Ban chỉ đạo: đừng vì cơ cấu mà xem nhẹ tiêu chuẩn.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Ninh Bình Trần Hồng Quảng.Phó Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình Trần Hồng Quảng dù đã bị kỷ luật cảnh cáo nhưng vẫn cơ cấu đưa vào làm phó Ban chỉ đạo phòng, chống, tham nhũng, tiêu cực tỉnh. Sự việc sau khi dư luận, báo chí lên tiếng, tỉnh Ninh Bình đã rút khỏi danh sách trong Ban chỉ đạo. Hay vừa qua Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Phạm Xuân Thăng bị Ủy ban Kiểm tra Trung ương kết luận vi phạm đến mức phải xem xét kỷ luật, nhưng trước đó đã ở vị trí trưởng Ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh. Chính những người đứng đầu Đảng bộ, chính quyền, những người trực tiếp đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực lại mắc sai phạm, bị xử lý kỷ luật. Điều này khiến cán bộ, đảng viên và nhân dân không khỏi băn khoăn đặt câu hỏi: phải chăng có sự ngại va chạm, ngại ý kiến, không dám góp ý, sợ mất lòng với lãnh đạo, người đứng đầu?

Quy định về chức năng, nhiệm vụ Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng cấp tỉnh được Trung ương nghiên cứu kỹ, giúp nhiệm vụ đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực liền mạch, chặt chẽ, thống nhất theo hệ thống từ trung ương đến địa phương. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng nhiều lần nhấn mạnh việc phải lựa chọn những đồng chí thực sự tiêu biểu, gương mẫu, có tinh thần đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực để tham gia Ban chỉ đạo. Đây là tiêu chuẩn số 1. Không vì cơ cấu mà xem nhẹ tiêu chuẩn về sự gương mẫu, liêm khiết.

Bởi vậy, Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương Nguyễn Thái Học nêu rõ: thành viên Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở địa phương có vi phạm sẽ bị thay đổi để điều chỉnh, bổ sung theo quy định: “Tinh thần là sẽ phải xử lý, sai đến đâu xử lý đến đó, sau khi xử lý thì chắc chắn là sẽ đưa ra khỏi Ban Chỉ đạo. Đối với những đồng chí giữ cương vị lãnh đạo như thế là những người có phẩm chất đạo đức tốt, gương mẫu, đủ các tiêu chuẩn để giới thiệu bổ nhiệm mà đến giờ ta mới phát hiện có sai phạm. Việc xem xét, xử lý nghiêm, không bao che không giấu giếm”.

Vấn đề đặt ra là làm thế nào để chọn những thành viên tham gia Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thực sự là người có ý chí, tâm huyết, quyết tâm phòng chống tham nhũng, tránh để lọt nhân sự mắc vi phạm, khuyết điểm vào Ban chỉ đạo? Điều đó đỏi hỏi quá trình lựa chọn, sàng lọc thành viên Ban chỉ đạo phải chặt chẽ ngay từ đầu. Đặc biệt, phải chọn những người trong sạch, liêm khiết, tránh trường hợp "chân mình thì lấm bê bê, lại cầm bó đuốc đi rê chân người".

Nguyên Phó Chủ nhiệm Chính trị, Học viện Chính trị Quân sự, Đại tá Đỗ Hữu Tước cho rằng, Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng ở Trung ương hay các địa phương phải là người trong sạch, gương mẫu. Nếu bản thân có vấn đề, nhất là có dính dáng đến tham nhũng mà vào Ban chỉ đạo Phòng, chống tham nhũng thì ai tin? Ai nghe? Các địa phương có những người như thế thì nên đưa ra.

Trong tập thể Ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh nếu có người không liêm thì chắc chắn không thể nâng cao sức chiến đấu, không thể trong sạch được. Bởi nếu đã “dính chàm” những cán bộ đó sẽ không dám mạnh dạn đấu tranh, thậm chí có thể nhân cơ hội bao che cho người khác vi phạm. Bởi vậy, để người dân tin và để Ban chỉ đạo ở các địa phương thực sự liền mạch, thống nhất từ trung ương đến địa phương theo đúng tinh thần của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là "Trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt!" thì vấn đề vô cùng quan trọng là chọn đúng người vừa hồng, vừa chuyên, liêm chính, trong sạch, đồng thời loại bỏ những người vi phạm, khuyết điểm khỏi Ban chỉ đạo.

TS Chu Đức Tính.Tiến sỹ Chu Đức Tính, nguyên Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh cho rằng: "Quan trọng chọn nhân sự để ngồi ghế Trưởng ban vì nếu Trưởng ban “dính chàm” thì chắc chắn không phát huy được vai trò của Ban chỉ đạo. Cho nên, khó là chọn Trưởng ban đủ uy tín, chính trị. Nếu như ngại người đứng đầu có “vết” gì đó, thì có thể chọn một người có đủ uy tín là “quan thanh liêm” đã được nhân dân lựa chọn. Nhất định không thể đưa vào Ban đó những người mà có tiếng đồn là “dính chàm”.

Từ câu chuyện của Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở Ninh Bình và Hải Dương cho thấy: Rõ ràng ngoài việc tự xem, tự xét, nêu gương của bản thân cán bộ yếu kém thì việc đấu tranh tự phê bình và phê bình trong nội bộ chưa cao. Điều này cần được nhìn nhận một cách rất nghiêm túc. Không đưa những người đã bị kỷ luật, thiếu gương mẫu, "nhúng chàm" vào Ban Chỉ đạo rồi lại “cầm bó đuốc đi rê chân người".

Qua đây, cũng cần thiết tổ chức rà soát lại ở tất cả các địa phương, nếu những thành viên trong ban chỉ đạo các tỉnh, thành có dấu hiệu vi phạm, tham nhũng, tiêu cực cần kiên quyết đưa ra khỏi Ban Chỉ đạo. Đặc biệt, các cán bộ thành viên Ban Chỉ đạo các tỉnh, thành phố phải xác định trách nhiệm nêu gương, khi thấy mình không đủ tư cách, đạo đức, liêm chính thì xin thôi không tham gia Ban chỉ đạo. Đừng vì cơ cấu mà xem nhẹ tiêu chuẩn về sự gương mẫu, liêm khiết của thành viên Ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh./.

Lại Hoa/VOV1

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận