Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp phiên bất thường xem xét dự án phục hồi kinh tế

Chính phủ sẽ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét giao danh mục và mức vốn cho nhiệm vụ, dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển KT-XH.

 

Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ họp phiên bất thường, dành một buổi chiều ngày 29/8 để xem xét về các vấn đề liên quan đến dự án phục hồi phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách.

Theo đó, Chính phủ sẽ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét về việc giao danh mục và mức vốn cho nhiệm vụ, dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; điều chỉnh, bổ sung dự toán ngân sách trung ương kế hoạch năm 2022 của các bộ, cơ quan trung ương và địa phương.

Nội dung này sẽ được Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư thừa ủy quyền của Thủ tướng trình bày tờ trình và Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội thẩm tra.

Nội dung thứ hai là xem xét về phương án phân bổ kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021 - 2025 còn lại chưa phân bổ.

Một phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Tại Kỳ họp bất thường lần thứ nhất, chiều 11/1/2022, Quốc hội khóa XV thông qua Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội với quy mô khoảng 350.000 tỉ đồng để chủ động trong công tác phòng chống dịch Covid-19 và hỗ trợ kịp thời cho phục hồi, phát triển bền vững kinh tế - xã hội. Với nghị quyết này, các gói chính sách tài khóa, tiền tệ, các chính sách khác sẽ triển khai trong 2 năm 2022-2023.

Chỉ sau 19 ngày Quốc hội thông qua Nghị quyết 43/2022/QH15, ngày 30/1/2022, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 11/NQ-CP về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội và triển khai Nghị quyết 43 của Quốc hội.

Nghị quyết số 11 của Chính phủ nêu ra 5 nhóm giải pháp (mở cửa nền kinh tế gắn với đầu tư nâng cao năng lực y tế, phòng, chống dịch bệnh; bảo đảm an sinh xã hội và hỗ trợ việc làm; hỗ trợ phục hồi doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh; đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng; cải cách thể chế, cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh) với những nhiệm vụ cụ thể, huy động, phân bổ nguồn lực chi tiết.

Ngày 2/6, phát biểu giải trình trước Quốc hội, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cho biết tất cả những văn bản, cơ chế, chính sách để triển khai thực hiện Chương trình phục hồi kinh tế - xã hội và Nghị quyết 43/NQ-QH đã được ban hành đầy đủ.

Trong tổng số 347.000 tỷ đồng thì 46.000 tỷ đồng (khoảng 2 tỷ USD) được dành cho mua vaccine phòng COVID-19 và trang thiết bị y tế.

Số còn lại có thể phân tích theo 2 nhóm. Một là, 125.000 tỷ đồng, gồm: 64.000 tỷ đồng miễn giảm, thuế; 38.400 tỷ tín dụng ưu đãi thông qua NHCSXH; 6.000 tỷ tiền giảm chi phí cơ hội, giãn tiến độ nộp thuế; 6.600 tỷ là tiền hỗ trợ cho người lao động thuê nhà.

Hai là 176.000 tỷ chi đầu tư công, gồm tiền hỗ trợ lãi suất thông qua các ngân hàng thương mại, ngân hàng chính sách và 134.000 tỷ là dành cho đầu tư cơ sở hạ tầng.

Tuy nhiên, việc triển khai các dự án đầu tư công phải theo quy định rất chặt chẽ của Luật Đầu tư công nên “gói này thực hiện chậm".

Cũng báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong tháng 6, Bộ trưởng Kế hoạch & Đầu tư Nguyễn Chí Dũng thừa uỷ quyền Chính phủ, cho biết có 113 nhiệm vụ, dự án của các bộ, ngành và địa phương được Chính phủ chọn để làm căn cứ phê duyệt chủ trương đầu tư theo Luật Đầu tư công, nghị quyết của Quốc hội về phục hồi kinh tế.

Tổng vốn của các dự án, chương trình này khoảng 149.200 tỷ đồng. Số vốn trên chưa gồm 14.000 tỷ đồng trong lĩnh vực y tế, hơn 11.800 tỷ đồng dự kiến cho 4 dự án cao tốc, quốc lộ của giao thông và 965 tỷ đồng các bộ, ngành đề xuất không bố trí vốn từ gói phục hồi.../.

Theo VOV.VN

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận