Để có BCĐ phòng chống tham nhũng cấp tỉnh 'sạch' thì phải thường xuyên sàng lọc

Để có một Ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh, thành phố 'sạch', cần phải sàng lọc, đưa những người không còn đủ tư cách ra khỏi tổ chức.

 

Thay đổi thành viên Ban chỉ đạo cấp tỉnh nếu có vi phạm

Đến nay, 63 Ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh, thành phố đã được thành lập trên cả nước và đi vào hoạt động. Theo quy định, thành viên Ban chỉ đạo ở địa phương được cơ cấu gồm: 1 Trưởng ban là Bí thư Tỉnh uỷ, Thành uỷ, 5 Phó trưởng ban và một số ủy viên.

Liên quan công tác nhân sự Ban chỉ đạo cấp tỉnh, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng – Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về PCTN, TC đã nhiều lần đề nghị lãnh đạo các cấp, nhất là các cán bộ trong Ban Chỉ đạo cần thực sự liêm chính, vô tư, trong sáng để lãnh đạo, chỉ đạo công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng có hiệu quả vì “tay đã nhúng chàm rồi thì không thể đấu tranh phòng, chống tham nhũng”.

“Cán bộ vào đây chống tham nhũng mà lại tư túi, vướng vào tham nhũng thì còn chống ai nữa. Cán bộ nào vướng vào đây tôi xử trước, xin nói thẳng là như thế”, Tổng Bí thư lưu ý điều này tại cuộc tiếp xúc cử tri ngày 12/5.

Tuy nhiên, thực tế vừa qua, dư luận xôn xao có trường hợp Bí thư Tỉnh ủy đã bị Ủy ban Kiểm tra Trung ương kết luận có vi phạm “đến mức phải xem xét kỷ luật”, nhưng hiện nay đang làm Trưởng Ban chỉ đạo cấp tỉnh; hay có trường hợp một vị Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy dù đã bị kỷ luật cảnh cáo trước đó nhưng vẫn được cơ cấu đưa vào làm Phó Ban chỉ đạo cấp tỉnh và sau khi dư luận, báo chí lên tiếng, vị này đã không còn trong danh sách Ban chỉ đạo.

Vấn đề đặt ra là làm thế nào để chọn những thành viên tham gia thực sự là người có ý chí, tâm huyết, quyết tâm phòng chống tham nhũng, “không dính dáng vào điều này, điều khác”, tránh để lọt những nhân sự mắc vi phạm, khuyết điểm vào Ban chỉ đạo?

Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương Nguyễn Văn Yên.Theo Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương Nguyễn Văn Yên, quy định thành lập Ban chỉ đạo cấp tỉnh được xây dựng rất công phu trên cơ sở được nghiên cứu, đánh giá tổng kết, rút kinh nghiệm Ban chỉ đạo Trung ương cả 2 thời kỳ, đặc biệt đã lấy ý kiến rộng rãi và được Trung ương thông qua. Quy định là sự chắt lọc kỹ lưỡng, đầy đủ và đảm bảo khi Ban chỉ đạo cấp tỉnh thành lập sẽ phát huy tác dụng.

“Tất cả nhân sự tham gia Ban chỉ đạo ở địa phương nếu liên quan tới tham nhũng, tiêu cực thì chắc chắn không được xem xét để bố trí” – ông Nguyễn Văn Yên cho biết, trong quá trình Ban chỉ đạo cấp tỉnh, thành phố mới triển khai thực hiện, Ban chỉ đạo Trung ương đã yêu cầu rà soát, đánh giá triển khai tổ chức bước đầu. Nếu thành viên Ban Chỉ đạo ở địa phương có vi phạm thì sẽ bị thay đổi để điều chỉnh, bổ sung theo quy định.

Theo ông Nguyễn Văn Yên, cơ quan thường trực của Ban chỉ đạo Trung ương đã chuẩn bị hội nghị để đánh giá quá trình triển khai, nếu nơi nào thực hiện không đúng, nơi nào còn khó khăn, vướng mắc thì cơ quan thường trực sẽ tham mưu Ban chỉ đạo để chỉ đạo, xử lý đảm bảo quy định của Đảng, quy định của Ban chỉ đạo cấp tỉnh được thực thi nghiêm túc, đúng đắn.

Người ký quyết định nhân sự phải chịu trách nhiệm về lý lịch trong sạch của các thành viên

Trao đổi với phóng viên VOV.VN, ông Lê Quốc Lý – nguyên Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cho biết, hiện nay tâm trạng phần đông cán bộ, đảng viên và nhân dân bày tỏ tin tưởng, kỳ vọng vào sự ra đời của Ban chỉ đạo cấp tỉnh, thành phố sẽ là “cánh tay nối dài” của Ban chỉ đạo Trung ương, từ đó tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, tích cực hơn nữa trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở địa phương, cơ sở. Để Ban chỉ đạo ở địa phương hoạt động hiệu quả như kỳ vọng, đòi hỏi vai trò, uy tín, cũng như sự trong sạch, quyết liệt rất lớn của các thành viên Ban chỉ đạo.

Theo ông, để có một Ban chỉ đạo “sạch” cần phải thường xuyên rà soát, sàng lọc, đưa những người không còn đủ tư cách ra khỏi tổ chức.

Quá trình sàng lọc chặt chẽ ngay từ đầu vào, tức là các ứng cử viên trước khi được vào Ban chỉ đạo cần được rà soát toàn bộ lý lịch, hoạt động của họ trước đây để xem có “vướng” gì không. Nếu người nào có “vết”, không đáp ứng yêu cầu thì không nên đưa vào. Nếu có vấn đề phải chuyển đổi thì chuyển đổi sớm để kiện toàn.

“Người nào “dính” đến tham nhũng, tha hóa thì không nên tham gia vào Ban chỉ đạo, bởi vì vào đó sẽ làm cho tổ chức không còn hiệu lực cũng như sức chiến đấu nữa” - ông Lê Quốc Lý cho biết.

Nguyên Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh nhấn mạnh, nếu trong tập thể Ban chỉ đạo cấp tỉnh có người có “vết” thì chắc chắn sức chiến đấu sẽ không thể mạnh mẽ, trong sạch được. Bởi vì người đã “dính dáng đến việc này, việc khác” thì sẽ không dám nói mạnh, làm mạnh, thậm chí có thể nhân cơ hội đó bao che cho những người vi phạm khác.

“Khi họ có quyền lực, đang ngồi ở vị trí quyền lực, mà bản thân họ từng có khuyết điểm thì có khi lại bao che, biến chuyện to thành nhỏ, việc nhỏ thành không có gì và cuối cùng là xóa đi” – ông Lê Quốc Lý nêu vấn đề.

Do đó, ông Lê Quốc Lý cho rằng, muốn làm cho người dân tin và để Ban chỉ đạo ở các địa phương thực sự là “cánh tay nối dài” của Ban chỉ đạo Trung ương thì yếu tố vô cùng quan trọng là chọn đúng người vừa hồng, vừa chuyên, liêm chính, trong sạch, đồng thời loại bỏ những người vi phạm, khuyết điểm khỏi Ban chỉ đạo. Muốn chọn được người liêm chính, trong sạch thì tất cả các ứng viên trước khi vào Ban chỉ đạo đều phải được rà soát lý lịch cẩn thận.

Khi đó, người ký quyết định kiện toàn nhân sự sẽ phải chịu trách nhiệm về lý lịch trong sạch của các thành viên. Sau khi đưa vào rồi mới phát hiện có người mắc khuyết điểm, tham nhũng, tha hóa thì “không chỉ nhân sự đó bị kỷ luật mà người quyết định hoặc giới thiệu các thành viên vào Ban chỉ đạo cũng phải chịu trách nhiệm”.

“Còn khi đã phát hiện vi phạm thì nghiễm nhiên phải đưa họ ra khỏi Ban chỉ đạo” – ông Lê Quốc Lý nêu ý kiến và nhấn mạnh không vì cơ cấu mà hạ thấp tiêu chuẩn để những cán bộ kém đức, kém tài, vi phạm vào Ban chỉ đạo./.

Kim Anh/VOV.VN

 

Bình luận

    Chưa có bình luận