Vì sao một số lao động khu vực nhà nước muốn chuyển dịch ra khu vực tư nhân?

Vì sao một lực lượng lớn lao động chất lượng cao được đào tạo ở nước ngoài không muốn quay về nước làm việc?

 

Sáng 20/8, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc về “phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, bền vững và hội nhập”. Hội nghị được thực hiện kết hợp hình thức trực tiếp tại Trụ sở Chính phủ với điểm cầu UBND 63 tỉnh, thành phố trong cả nước.

Cùng dự tại đầu cầu Trụ sở Chính phủ có Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam; Bộ trưởng các Bộ: Lao động - Thương binh và Xã hội, Kế hoạch và Đầu tư, Công Thương, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Giáo dục và Đào tạo; Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; lãnh đạo một số Bộ, ngành liên quan; đại diện các tổ chức quốc tế tại Việt Nam. Dự tại đầu cầu các địa phương có Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Báo cáo tại hội nghị, Bộ trưởng Lao động Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, trong thời gian qua các chính sách, chương trình và giải pháp tạo việc làm đã được triển khai đồng bộ, tích cực, hiệu quả. Hệ thống đào tạo, giáo dục nghề nghiệp phát triển được chuẩn hóa, hiện đại hóa. Cùng với đà tăng trưởng và phục hồi kinh tế xã hội sau đại dịch, lao động từ 15 tuổi trở lên có việc làm trong quý II năm 2022 là 50,5 triệu, tăng 504,6 nghìn người tăng 1,01% so với quý trước và tăng 701,8 nghìn người tương ứng tăng 1,41% so với cùng kỳ năm trước.

Về những tồn tại hạn chế của nguồn nhân lực trong nước, ông Đào Ngọc Dung nêu rõ: “Nhìn tổng thể ở thời điểm hiện nay thị trường lao động Việt Nam vẫn là thị trường dư thừa lao động có trình độ kỹ năng thấp và có sự phát triển không đều, chúng ta đã và đang tồn tại tình trạng mất cân đối cung cầu lao động, cục bộ giữa các vùng miền, các khu vực, các ngành nghề kinh tế, cơ chế kết nối, cung cầu và tự cân bằng của thị trường còn yếu mà lý do chính là hệ thống thông tin trên thị trường lao động chưa được phát triển đầy đủ; phương thức quản trị thị trường lao động còn nhiều yếu kém rời rạc, thiếu tính liên kết, năng lực cán bộ là khâu yếu nhất của quản trị thị trường lao động hiện nay. Hệ thống an sinh xã hội phát triển chưa bền vững, lưới an sinh xã hội chưa đủ sức đảm đương cho việc phòng ngừa, khắc phục và chống chọi với rủi ro bền vững cho người lao động".

Thủ tướng phát biểu tại Hội nghị.

Tại hội nghị, các đại biểu đã góp ý thẳng thắng về nâng cao nhận thức của xã hội về vai trò phát triển thị trường lao động và nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững; Đổi mới và hoàn thiện cơ chế, chính sách về thị trường lao động; chia sẻ những kinh nghiệm trong nước, quốc tế và các giải pháp phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, bền vững, hội nhập; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để tăng cường thu hút đầu tư chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Sau khi nghe các ý kiến thảo luận, phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, lao động là một yếu tố đầu vào cơ bản của mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh và của cả nền kinh tế. Cùng với xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm phát triển thị trường lao động, xác định phát triển nguồn nhân lực là một trong ba khâu đột phá chiến lược. Đồng thời xác định lao động - việc làm là một trong những nội dung rất quan trọng trong chiến lược phát triển KTXH.

Thủ tướng cho biết, từ đầu năm 2020 đến nay, dịch COVID-19 bùng phát và diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng nặng nề tới thị trường lao động trong nước. Trước tình hình đó, cùng với những giải pháp phòng, chống dịch bệnh, Đảng, Nhà nước đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, ban hành và triển khai thực hiện nhiều chủ trương, chính sách về thị trường lao động. Nhờ đó, sau khi chuyển sang “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”, thị trường lao động đã từng bước được phục hồi và phát triển, góp phần quan trọng vào sự khởi sắc của nền kinh tế - xã hội nước ta. Quy mô lực lượng lao động, tỷ lệ tham gia lao động và số người có việc làm tiếp tục tăng. Tỷ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm trong độ tuổi lao động giảm.

Thủ tướng cũng chỉ rõ, tại hội nghị này chúng ta cần tiếp tục đi tìm lời giải cho những câu hỏi vẫn đang trăn trở của nhiều người. Đó là: Vì sao một lực lượng lớn lao động chất lượng cao được đào tạo ở nước ngoài không muốn quay về nước làm việc? Vì sao thời gian gần đây có một số lao động thuộc khu vực nhà nước có xu hướng chuyển dịch ra khu vực tư nhân? Vì sao lực lượng lao động xuất khẩu của nước ta thu nhập bình quân thường thấp hơn các nước trong khu vực, cạnh tranh quốc tế còn thấp? Vì sao người dân một số địa phương phải xa gia đình, con nhỏ, bố mẹ già, thậm chí bỏ đất đai, ruộng vườn để đi làm thuê nơi khác? Vì sao đời sống của một bộ phận công nhân ở các khu công nghiệp, thành phố lớn còn khó khăn, nhất là về vấn đề nhà ở? Vì sao vẫn còn những hiện tượng đình công ở một số khu công nghiệp? Vì sao chúng ta cần Chiến lược phát triển thị trường lao động khi thời điểm dân số vàng đi qua?

Thủ tướng nhấn mạnh: “Trong những năm qua, thị trường lao động ở Việt Nam đã có những bước phát triển cả về chiều rộng và chiều sâu, ngày càng hội nhập, từng bước tiệm cận với thị trường lao động khu vực và thế giới. Tuy nhiên, thị trường lao động Việt Nam vẫn còn manh mún, chưa chuyên nghiệp, thiếu tính linh hoạt, chưa thật bền vững; công tác nghiên cứu, dự báo, khớp nối cung cầu và cập nhật hệ thống thông tin thị trường lao động chưa thực sự hiệu quả. Hội nghị hôm nay chúng ta cùng nhau đánh giá những kết quả đạt được của thị trường lao động trong những năm qua, đồng thời thẳng thắn nhìn nhận những tồn tại, hạn chế, khó khăn, thách thức và những vấn đề đang đặt ra hiện nay để có các giải pháp phù hợp phát triển thị trường lao động trong thời gian tới, nhất là chủ động ứng phó với những tình huống đột xuất, bất ngờ, những cú sốc trên thị trường”.

Các đại biểu tại Hội nghị.

Sau khi phân tích đánh giá những tồn tại và hạn chế Thủ tướng đã chỉ rõ phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp phát triển thị trường lao động thời gian tới. Trong đó nhấn mạnh:

Cần nâng cao nhận thức về thị trường lao động. Tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật đồng bộ, thống nhất để thị trường lao động phát triển theo hướng linh hoạt, hiện đại, đầy đủ, bền vững, hội nhập quốc tế; Tập trung xây dựng hệ thống quản trị thị trường lao động hiện đại, minh bạch; chú trọng đầu tư cả về cơ chế chính sách, nguồn lực để xây dựng hệ thống thông tin và dự báo thị trường lao động; đẩy mạnh xây dựng chính sách việc làm trên nguyên tắc có tính dự báo, tầm nhìn chiến lược, chủ động, phù hợp với cơ chế thị trường, đa dạng hoá các nguồn tín dụng để thúc đẩy việc tạo việc làm mới, việc làm sáng tạo, chất lượng cao, việc làm bền vững, việc làm xanh, việc làm cho đối tượng yếu thế, vùng sâu vùng xa.

Cần quan tâm tới việc dịch chuyển lao động và đổi mới toàn diện hệ thống đào tạo, giáo dục nghề nghiệp theo hướng mở, linh hoạt để nâng cao chất lượng giáo dục – đào tạo, nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tận dụng thời cơ dân số vàng, phục vụ quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đáp ứng quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về công tác hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau trung học và rà soát, đánh giá sắp xếp tổ chức, đầu tư nâng cao năng lực của hệ thống đào tạo, giáo dục nghề nghiệp, nhất là đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.

Bên cạnh đó Thủ tướng yêu cầu, tập trung tháo gỡ những khó khăn vướng mắc trong kết nối giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp; xây dựng chính sách ưu đãi cho học tập, nâng cao kỹ năng nghề nghiệp, đánh giá công nhận trình độ kỹ năng cho người lao động. Đẩy mạnh đào tạo, đào tạo lại, đào tạo bổ sung, đào tạo tại doanh nghiệp để thu hút hiệu quả lao động tại chỗ nhằm giải quyết triệt để vấn đề thiếu hụt nhân lực cục bộ, vấn đề đứt gãy lao động phục vụ phục hồi kinh tế nhanh và bền vững./.

Theo VOV.VN

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận