Thủ tướng: Ngành Ngân hàng hội tụ đủ yếu tố để tiên phong chuyển đổi số

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh điều này khi phát biểu tại sự kiện Chuyển đổi số ngành Ngân hàng, diễn ra sáng nay 4/8, tại Hà Nội.

 

Sự kiện “Chuyển đổi số ngành Ngân hàng” do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tổ chức nhằm đẩy mạnh việc triển khai các giải pháp ứng dụng công nghệ, triển khai các nhiệm vụ Kế hoạch chuyển đổi số ngành Ngân hàng, góp phần thực hiện chương trình chuyển đổi số quốc gia, góp phần lan tỏa tinh thần, chuyển đổi nhận thức của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài ngành Ngân hàng về vai trò, ý nghĩa và lợi ích của chuyển đổi số trong hoạt động Ngân hàng.

Nhiều hoạt động chính sẽ diễn ra như Công bố “Ngày chuyển đổi số” hàng năm của ngành Ngân hàng và ra mắt Ban chỉ đạo chuyển đổi số ngành Ngân hàng; Trình diễn Demo công nghệ với sự tham gia của các đơn vị tiêu biểu; Hội thảo khoa học với chủ đề: “Tăng cường kết nối, thúc đẩy Chuyển đổi số ngân hàng” nhằm tổng kết các thành tựu về chuyển đối số, đưa ra giải pháp ứng dụng công nghệ vào phát triển sản phẩm, dịch vụ ngân hàng; Triển lãm trưng bày các sản phẩm, dịch vụ tiêu biểu về ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số của ngành Ngân hàng.

Phát biểu tại sự kiện, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho rằng, chuyển đổi số là xu thế tất yếu và là yêu cầu bắt buộc đối với chúng ta. Tiến trình đó đang diễn ra rất mạnh mẽ, sâu rộng. Chuyển đổi số giúp giải quyết hiệu quả mối quan hệ giữa nhà nước, thị trường, xã hội; thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh, hiệu quả sản xuất kinh doanh, giảm chi phí cho người dân, doanh nghiệp, đồng thời giúp các cấp, các ngành nâng cao năng lực quản lý điều hành. Đảng, Nhà nước ta rất coi trọng và xem đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu.

Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Với tinh thần chuyển đổi số một cách toàn diện, với sự tham gia của người dân, doanh nghiệp và nhà nước nhưng phải có trọng tâm, trọng điểm; mà ngành Ngân hàng hội tụ đủ những yếu tố để tiên phong trong tiến trình đó.

Người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh, sự kiện “Ngày chuyển đổi số” ngành Ngân hàng thể hiện sự nỗ lực của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, sự hưởng ứng mạnh mẽ của các tổ chức tín dụng, trung gian thanh toán, của người dân và cộng đồng doanh nghiệp; đồng thời cho thấy những thành quả bước đầu trong chuyển đổi số rất đáng trân trọng của Ngành.

Thủ tướng cho rằng, công tác ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức ở phía trước, còn nhiều việc cần phải làm như: vướng mắc về cơ chế, chính sách; kết cấu hạ tầng công nghệ thông tin; thiếu hụt nhân lực trình độ cao, nhất là nhân lực công nghệ thông tin... Do đó, Thủ tướng gợi mở thêm một số nhiệm vụ, giải pháp để thúc đẩy chuyển đổi số trong ngành Ngân hàng.

Theo đó, ngành Ngân hàng cần tiếp tục chủ động nắm bắt nhu cầu thực tiễn của người dân, doanh nghiệp và các tổ chức tín dụng để xây dựng các văn bản pháp lý phù hợp với thực tiễn và bối cảnh chuyển đổi số, tạo thuận lợi cho ứng dụng công nghệ số vào hoạt động kinh doanh, cung ứng sản phẩm, dịch vụ ngân hàng để nâng cao hiệu quả hoạt động và tạo sự hài lòng, gắn bó của khách hàng

Ngân hàng Nhà nước tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các bộ ngành khẩn trương hoàn thiện trình Chính phủ Nghị định thanh toán không dùng tiền mặt. Mặt khác, cần xây dựng, thử nghiệm và áp dụng khung pháp lý mới đối với phát triển công nghệ tài chính.

Thủ tướng đề nghị triển khai chuyển đổi số một cách tổng thể, đảm bảo hiệu quả, không được lãng phí nguồn lực; có trọng tâm, trọng điểm; phân định rõ ứng dụng công nghệ và trung gian tài chính, tránh tình trạng doanh nghiệp công nghệ lấn sân sang hoạt động trung gian tài chính.

Thủ tướng Phạm Minh Chính và các đại biểu tham quan tại sự kiện Chuyển đổi số ngành Ngân hàng.Ngân hàng Nhà nước cần tiếp tục đẩy mạnh đầu tư, phát triển các hạ tầng dùng chung của ngành như hạ tầng thanh toán, hạ tầng thông tin tín dụng để làm hạt nhân và theo kịp được nhu cầu phát triển của các tổ chức tín dụng, trung gian thanh toán. Đẩy mạnh kết nối, liên kết giữa ngân hàng, tổ chức tín dụng với các ngành, lĩnh vực khác nhằm mang lợi ích tổng thể cho người dân, doanh nghiệp.

Về thúc đẩy triển khai Đề án 06, Thủ tướng yêu cầu Bộ Công an, tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng Nhà nước và các bộ, ngành liên quan để tích hợp, kết nối, chia sẻ cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, các cơ sở dữ liệu chuyên ngành để từng bước xây dựng hệ sinh thái công dân số mang lại giá trị mới và lợi ích mới thiết thực cho người dân, doanh nghiệp, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và phòng, chống dịch COVID-19. Cùng với Đề án 06, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cần đẩy mạnh các dịch vụ công trực tuyến ngành Ngân hàng trên Cổng dịch vụ công quốc gia.

Người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh, công tác chuyển đổi số phải bảo đảm an ninh, an toàn, bao gồm an ninh, an toàn hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin, bảo mật thông tin khách hàng; cơ sở dữ liệu, thông tin dữ liệu, kết nối theo chuẩn; tăng cường cơ chế kiểm tra, giám sát; phân tích dữ liệu để bảo đảm an ninh, an toàn cho toàn bộ hệ thống, cũng như phòng chống tội phạm, rửa tiền do hiện nay xu hướng gia tăng tội phạm công nghệ cao với nhiều thủ đoạn mới và ngày càng tinh vi.

Thủ tướng yêu cầu tăng cường công tác tuyên truyền về lợi ích của chuyển đổi số trong lĩnh vực ngân hàng đến người dân, doanh nghiệp, giúp người dân, doanh nghiệp hiểu rõ về lợi ích và hiệu quả. "Nhận thức sẽ đóng vai trò quyết định trong chuyển đổi số và chuyển đổi số chỉ thực sự thành công khi mỗi một người dân, doanh nghiệp hiểu, tích cực tham gia và thụ hưởng các lợi ích mà chuyển đổi số mang lại”, Thủ tướng chỉ rõ.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo, ngành Ngân hàng quan tâm tới công tác đào đạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là về nhân lực công nghệ; tăng cường kỷ cương, kỷ luật và đạo đức nghề nghiệp để phát huy cao nhất năng lực, trí tuệ của người lao động ngành Ngân hàng nhằm phục vụ tốt hơn nữa người dân và doanh nghiệp. Bên cạnh đó, đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong lĩnh vực chuyển đổi số để phát triển, tiếp nhận các công nghệ mới vào các hoạt động ngân hàng như công nghệ giao tiếp tầm ngắn, công nghệ thẻ thanh toán không tiếp xúc…

"Mong muốn và tin tưởng, với những nỗ lực, quyết tâm và sự chủ động, sáng tạo của Ngân hàng Nhà nước, các tổ chức tín dụng trong công cuộc chuyển đổi số thời gian qua và qua những hoạt động nổi bật tại sự kiện “Ngày chuyển đổi số” của Ngành ngân hàng ngày hôm nay; sự tích cực vào cuộc, chung tay góp sức của các bộ ngành, địa phương, công cuộc chuyển đổi số quốc gia sẽ có nhiều chuyển biến tích cực và toàn diện, góp phần hiện thực hóa tầm nhìn và các mục tiêu của Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030" – Thủ tướng nhấn mạnh./.

Vũ Khuyên/VOV

 

Bình luận

    Chưa có bình luận