Chuyên gia ngoại giao Mỹ, Giám đốc Tập đoàn châu Á Jim Loi nhận định: “Việt Nam có thể là tiếng nói quan trọng trong đàm phán Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương”.
PV: ASEAN có vai trò rất quan trọng trong chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Mỹ. Vậy Việt Nam, với tư cách là thành viên của ASEAN, hiện đang đứng đâu trong chiến lược này, thưa ông?
Ông Jim Loi: Tôi có niềm tin rất sâu sắc với Việt Nam. Và thực tế, Việt Nam cũng là một trong những nước nhận được nhiều nguồn đầu tư nhất từ Mỹ.
Chúng ta thường hay nhắc đến trao đổi thương mại giữa hai nước, nhưng bạn biết đấy, thương mại thì thay đổi rất nhanh. Khi có một nhà cung cấp khác tốt hơn, rẻ hơn thì khách hàng sẽ không tiếp tục hợp tác với chúng ta nữa. Tuy nhiên, đầu tư thì khác, một khi đã quyết định đầu tư vào đâu thì bạn không thể nhanh chóng thay đổi suy nghĩ được.
Hiện tại, Chính phủ Việt Nam đang có cách tiếp cận rất chiến lược để thu hút các công ty của Mỹ và các nước khác để đến đầu tư và thực sự đạt được nhiều thành công tại đây. Chúng ta có thể thấy không chỉ có doanh nghiệp Mỹ ở thị trường này mà còn có nhiều doanh nghiệp từ các nước khác như Hàn Quốc, Nhật Bản.
Ngoài ra, vì thâm hụt thương mại, Việt Nam hiện đang xuất siêu sang Mỹ, nên chúng tôi cũng mong muốn thời gian tới có thể đẩy mạnh xuất khẩu thêm nhiều hàng hoá sang Việt Nam. Và đó cũng là một trong những vai trò của lĩnh vực kinh tế tư nhân, làm sao để thúc đẩy sự hợp tác kinh tế giữa hai nước.
PV: Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương vì sự thịnh vượng (IPEF), một sáng kiến kinh tế do Chính quyền Biden dẫn đầu, sẽ tập trung vào các vấn đề mà những Hiệp định thương mại truyền thống chưa giải quyết được. Vậy Mỹ kỳ vọng gì khi Việt Nam tham gia vào khuôn khổ hợp tác này, thưa ông?
Ông Jim Loi: Theo tôi, mong muốn của Mỹ là Việt Nam sẽ tham gia hết sức mình vào IPEF. Tới thời điểm này, các thành viên đều chưa công bố là họ sẽ tham gia các trụ cột nào trong IPEF, nên điều đầu tiên mà Mỹ kỳ vọng sẽ là Việt Nam tham gia vào cả 4 trụ cột trong IPEF. Tôi tin Việt Nam có vai trò then chốt và có thể đóng góp rất tốt cho cả 4 trụ cột này. Ví dụ, về trụ cột kinh tế số, Việt Nam hiện có kinh tế số rất phát triển. Trên thực tế, Việt Nam có rất nhiều sản phẩm số đã được xuất khẩu sang các thị trường khác.
Với trụ cột về chuỗi cung ứng, Việt Nam cũng được hưởng lợi từ xu hướng các doanh nghiệp chuyển dịch chuỗi cung ứng từ Trung quốc sang Việt Nam. Do đó, các bạn có khả năng đóng góp vào các cuộc bàn luận để xây dựng chuỗi cung ứng với sức chống chịu cao.
Về năng lượng sạch, Việt Nam cũng đang trong quá trình chuyển đổi và cân nhắc lựa chọn các loại hình năng lượng xanh phù hợp. Khi bàn về năng lượng gió, mặt trời hay khí đốt, tôi tin Việt Nam có thể là một tiếng nói rất quan trọng. Các thành viên IPEF khác như Ấn Độ, Fiji, Malaysia hay Indonesia đều gặp vấn đề về chuyển đổi năng lượng. Và Việt Nam với kinh nghiệm của mình hoàn toàn có thể đóng góp chia sẻ ý kiến với các nước tham gia IPEF.
PV: Việt Nam hiện đang trong quá trình thảo luận để chuẩn bị cho đàm phán chính thức IPEF vào tháng 9 tới. Vậy theo ông, Việt Nam có thể gặp thuận lợi hay thách thức nào trên bàn đàm phán?
Ông Jim Loi: Tôi không cho rằng Việt Nam không có bất kỳ điểm yếu hay bất lợi nào trên bàn đàm phán IPEF. Việt Nam có rất nhiều kinh nghiệm về đàm phán tham gia các Hiệp định thương mại tự do như CPTPP, các Hiệp định thương mại tự do ASEAN, hay Hiệp định thương mại tự do với châu Âu.
Có thể thấy Việt Nam là nhà đàm phán với nhiều kinh nghiệm tinh tế. Điểm bất lợi nhất sẽ chỉ là nếu các bạn không tham gia bàn đàm phán mà thôi.
PV: Xin cảm ơn ông./.
Anh Thư/VOV1